Bánh Trung thu không ăn thay bữa
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), một số người thích ngọt đã dùng bánh Trung thu ăn thay các bữa trong ngày, điều này sẽ gây hại cho cơ thể.
Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Tuy vậy, bánh Trung thu nhiều chất bột đường, chất béo nên ăn thay bữa sáng sẽ làm cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng vì không có chất xơ, làm lượng đường, cholesterol trong máu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả ngày.
Và không nên ăn bánh Trung thu thay bữa trưa, vì lượng đường, calo trong bánh cao hơn gạo rất nhiều, khiến cơ thể bị thừa và vì đang vào mùa thu nên lượng calo, đường, béo dư thừa khiến dạ dày rất khó chịu.
Nhiều người có thói quen vừa ăn bánh Trung thu, vừa uống cà phê là không nên vì chất caffein sẽ gây hại cho sức khỏe.
Ai không nên ăn
Theo lương y Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện Y học Cổ truyền Quân đội), các trường hợp sau cần hạn chế ăn bánh Trung thu:
1- Nếu đang uống thuốc Đông y không nên ăn bánh Trung thu nhân đậu xanh. Lý do là đậu xanh kỵ với nhiều bài thuốc Đông y, có thể vô hiệu hóa các loại dược thảo, có khi còn gây phản ứng phụ, hậu quả khó lường.
2- Người đang bị viêm thận không ăn bánh Trung thu nhân mặn, vì có nhiều lạp xường, trứng muối trong đó sẽ gây hại cho thận thêm. Ăn mặn làm tuần hoàn máu tăng sẽ buộc thận phải làm việc nhiều hơn, dẫn tới suy thận. Bánh Trung thu nhân trứng muối khi sản xuất, còn có bột hoàng đơn (tên khoa học là ôxit chì) vào cơ thể nhiều sẽ gây viêm dạ dày, đường ruột, đau nhức xương khớp…
3- Người có tiền sử bệnh dạ dày, tim mạch, viêm túi mật, sỏi mật, huyết áp, tim mạch, cholesterol cao… hạn chế ăn bánh Trung thu, vì nguy cơ tái phát bệnh nặng hơn, hoặc ảnh hưởng tới lưu thông máu, mệt tim, nhồi máu cơ tim, chữa trị khó hơn.
4- Người già và trẻ nhỏ không ăn nhiều bánh Trung thu, vì lượng đạm nhiều làm trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện sẽ khó tiêu, đau bụng...
Người già hệ tiêu hóa kém dễ rối loạn tiêu hóa, hay dẫn đến viêm tụy cấp, đau bụng…
5- Những người hay bị dị ứng, nổi mụn, trứng cá, các bệnh về da… cần hạn chế ăn vì có thể làm tăng thêm bài tiết của tuyến bã nhờn.
6- Các bà bầu tránh ăn nhiều bánh Trung thu, vì đường sẽ làm tăng lipid máu, tim mạch, tiểu đường... có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
7- Người bị bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, tim mạch, huyết áp… hạn chế ăn vì có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch tồi tệ hơn, gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
8- Người béo, người muốn giảm nên tránh vì bánh có độ béo và ngọt rất cao, ăn nhiều sẽ tăng cân, béo phì nặng hơn.
Ăn bánh Trung thu đúng cách
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tốt nhất nên ăn bánh Trung thu sau khi ăn cơm khoảng 3 giờ, để cơ thể tiêu hóa bớt lượng tinh bột và đường đã nạp đủ trong bữa cơm. Nếu ăn ngay sau ăn cơm, cơ thể sẽ dư thừa đường, tinh bột, có hại cho hệ tiêu hóa. Bánh Trung thu có thể ăn, uống cùng rau xanh, hoa quả… để cân bằng tinh bột, đường và chất xơ.
Các chuyên gia khuyên khi ăn bánh Trung thu nên kết hợp thêm như sau để tốt cho tiêu hóa:
Với bánh Trung thu ngọt
Tốt nhất nên thưởng trà sen, trà hoa cúc, trà bạc hà, nước chè xanh loãng với bánh Trung thu ngọt.
Với bánh Trung thu mặn
Các loại trà ô long, thảo dược rất thích hợp.
Các loại trà có axit acetic giúp tiêu hóa, phân giải chất béo không tích tụ trong cơ thể, còn làm lợi tiểu, đào thải lượng đường, béo dư thừa trong cơ thể, làm bánh nở và nhanh đầy bụng nên sẽ không ăn được nhiều.
Rượu vang: Bánh Trung thu mặn kết hợp tốt nhất với rượu vang đỏ giàu axit amin, khoáng chất, vitamin, loại bỏ sự béo ngậy. Vị rượu chát nhẹ giảm ngấy, hỗ trợ tiêu hóa.
Ngoài ra có thể ăn kèm với hoa quả, giúp giải ngấy tốt. Các loại quả có vị chua như bưởi, cảm, quít, kiwi, táo… kích thích tiêu hóa, giảm tích mỡ.
Ăn bánh Trung thu kèm một bát cháo ngũ cốc nóng bổ sung dinh dưỡng toàn diện, chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa, đốt cháy mỡ vào cơ thể.
Những người ít vận động chỉ nên ăn 1/4 bánh/ngày, người lao động nhẹ ăn 1/2 bánh/ngày, người lao động nặng ăn 1 bánh/ngày. Nếu lỡ ăn quá định mức 1 ngày, hãy tập thể lực để đốt cháy bớt năng lượng thừa, tránh tăng cân.
Với trẻ em, chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh sau bữa ăn là đủ. Trẻ béo phì cho ăn nhớ trừ khẩu phần bột đường trong ngày (ăn 1/2 bánh phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng), đồng thời tăng rau xanh để tống chất béo ra khỏi cơ thể, đường huyết. Nếu không giảm ăn thì cần đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng thừa.
Mẹo ăn bánh Trung thu không gây hại sức khỏe - Cắt nhỏ bánh 6 - 8 phần, ăn với nhiều người, nhai chậm, uống kèm đồ uống phù hợp vừa thưởng ngon, vừa trò chuyện để không bị ăn nhiều quá. Cắt bánh nhỏ còn dễ phát hiện mùi lạ, nhân bánh tơi vụn do bị mốc hoặc ngâm nhiều chất phụ gia… thì không nên ăn. - Không ăn bánh Trung thu sau 19 giờ, vì ít vận động, đi ngủ ngay là thiếu khoa học, khiến các chất dư thừa chuyển hóa thành chất béo làm các mô mỡ dày lên, tăng cân. - Khi lao động, học hành mệt mỏi chớ ăn bánh Trung thu, vì độ ngọt làm mất lượng lớn vitamin B giúp cớ chuyển hóa đường sang năng lượng hữu ích. Tốt nhất là ăn bánh Trung thu cùng nhiều người. Tránh ăn lúc xem phim, làm việc, hay nhàn rỗi… vì sẽ vui miệng ăn nhiều. - Tránh ăn bánh Trung thu màu sắc, bánh bỏ trong túi hút chân không. - Không ăn nhanh, ăn nhiều bánh Trung thu cùng lúc, vì độ ngọt cao vào cơ thể sẽ khó bị tiêu hao, gây tích béo, năng lượng khó bị tiêu hao, tích béo, gây tăng cân, béo phì. Cũng không nên ăn nhanh vì độ ngọt trong máu tăng nhanh, gây hại cho cơ thể. |
No comments:
Post a Comment