Nang sán dây được cho là to nhất trong lịch sử y học.
Theo Mirror, Nita Juggi sống tại Gujarat, miền Trung Ấn Độ, đã phải chịu những cơn đau đầu trong suốt 2 năm. Trong vòng một năm qua, cô bé còn có dấu hiệu bị liệt phần thân bên phải.
Bố của cô bé, Kishor Parbat Jogi (45 tuổi) là một người nông dân, đã đưa con gái đi chữa trị nhiều nơi nhưng tình trạng của cô bé không có dấu hiệu tiến triển.
“Chúng tôi đã đưa con bé đến gặp nhiều bác sĩ nhưng có lẽ không một ai trong số họ hiểu về phẫu thuật thần kinh. Ngày qua ngày, tình trạng của Nita Juggi ngày càng xấu đi và chúng tôi cảm thấy bất lực”.
Hai tháng trước, cô bé được đưa tới gặp bác sỹ Chirag Solanki, một chuyên gia thần kinh và là bác sỹ phẫu thuật cột sống, tại bệnh viện Sterling ở Gujarat. Sau quá trình kiểm tra kỹ lưỡng và chụp cộng hưởng từ, họ phát hiện một nang sán khổng lồ trong não cô bé
Nang sán này nặng 675 g và có kích thước 12,2x11x9,8 cm. "Tôi cho rằng bọc nang này đã phát triển trong đầu cô bé cách đây 8-10 năm. Càng phình to ra, nó càng gây ảnh hưởng nhiều và khiến cơn đau đầu ngày càng dữ dội”, bác sĩ nói.
“Nang sán này to bằng một nửa kích thước bộ não, trông như một quả bóng căng phồng và rất nguy hiểm bởi nó có thể vỡ bất cứ lúc nào, khiến cô bé tử vong ngay lập tức”. Bác sĩ Solanki nói gia đình cô bé rất sốc khi biết con gái mình mang một ổ nang sán lớn đến như vậy.
Nang sán dây chiếm tới một nửa bộ não của cô bé 12 tuổi
“Họ thừa nhận môi trường ô nhiễm tại nơi sinh sống có thể là nguyên nhân khiến cô bé nhiễm sán”. Ổ nang sán do nhiễm ký sinh trùng gây ra. Chúng thường tồn tại trong các động vật ăn cỏ như bò, cừu, sau đó truyền sang các loài ăn thịt như chó, mèo.
Con người bị nhiễm sán khi ăn thức ăn bị dính trứng của loài ký sinh trùng này. Cô bé Nita đã nhiễm sán từ rất lâu dẫn đến việc hình thành nang sán khổng lồ.
Quá trình phẫu thuật trong 2 giờ 30 phút, bác sĩ Solanki và các cộng sự đã bóc tách thành công ổ nang mà cô bé không gặp phải bất kỳ biến chứng nào.
Hai tuần sau ca phẫu thuật, Nita được ra viện. Bố mẹ của Nita đã phải bán nhiều của cải trong nhà để chữa trị cho con. Nhưng điều quan trọng là cô con gái đã có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Nita giờ đây cảm thấy hạnh phúc vì cô bé có thể trở lại chơi với bạn bè. Bác sĩ Solanki cho biết, mọi người nên phòng chống sán dây cho vật nuôi trong nhà. “Đó là con đường lây nhiễm gần nhất đến con người. Nếu bạn đã chạm vào một động vật đi lạc, hãy rửa tay ngay sau đó”.
No comments:
Post a Comment