Thị trưởng đầu tiên trong nhiệm kỳ ngắn nhất
Để tìm hiểu về lịch sử tên gọi Quảng trường Ba Đình, chúng tôi tìm gặp nhà báo Xuân Ba, báo Tiền Phong - một cây phóng sự lão luyện trong làng báo. Nhà báo Xuân Ba trước kia may mắn có được cơ duyên trò chuyện, gặp gỡ với nhà văn Tô Hoài để nghe ông kể về sự tích Ba Đình.
Nhắc đến nhà văn Tô Hoài, nhà báo Xuân Ba nói vẫn nhớ như in buổi được hầu chuyện ông, câu chuyện về những tên đường, tên phố ở Hà Nội cứ như kéo dài mãi.
Quảng trường Ba Đình trước năm 1945 (Ảnh tư liệu)
"Việc đặt tên Quảng trường Ba Đình nằm trong chủ trương chung của Chính phủ Trần Trọng Kim lúc bấy giờ, cùng với đó là việc thay đổi tên của nhiều tuyến phố, quảng trường, tượng đài khác… Hồi đó, Chính phủ Trần Trọng Kim muốn tỏ rõ tinh thần dân tộc bằng một chủ trương chung là xóa bỏ tên quảng trường, tượng đài, công trình công cộng được thực dân đặt tên…" Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Theo lời nhà báo Xuân Ba, ông được nhà văn Tô Hoài cho biết những thông tin rất quý về tác giả của tên gọi các đường phố và Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội. Hầu hết tên đường hiện nay ở nội thành thành phố đều do bác sĩ Trần Văn Lai đặt. Ông cũng là người đã đặt tên cho Quảng trường Ba Đình chứ không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhiều người lầm tưởng.
Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 - 1975) là Thị trưởng người Việt đầu tiên của TP Hà Nội sau 60 năm thực dân Pháp đô hộ. Sinh ra trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng đất kinh kỳ nhưng ông lại theo học ngành Y và trở thành một bác sĩ tên tuổi. Ông luôn mang trong mình tư tưởng chống Pháp, nên dù là một bác sĩ tài năng ở Nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), ông cũng từng bị Pháp giam giữ tại Nhà tù Sơn La và Nhà tù Hỏa Lò với Hoàng Công Khanh, Phạm Khắc Hòe. Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra giữ chức Đốc lý Hà Nội (tương đương chức thị trưởng) trong Chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim.
Điều hy hữu là bác sĩ Trần Văn Lai chỉ giữ chức Thị trưởng từ 20/7/1945 thì đến 19/8/1945 - mở đầu cho cuộc khởi nghĩa vĩ đại giành chính quyền của nhân dân Hà Nội. Ngài Đốc lý thành Hà Nội về sau đã trở thành Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh. Có thể nói, đó là một nhiệm kỳ thị trưởng ngắn nhất trong lịch sử, nhưng ông thị trưởng ấy để lại hậu thế những dấu ấn đặc biệt, đó là đổi và đặt tên một loạt đường phố, địa danh trước đây do chính quyền chế độ thực dân Pháp đặt, trong đó nổi bật nhất có Quảng trường Ba Đình.
Quảng trường Ba Đình ngày nay - Ảnh:Ngô Vinh
Thay đổi nhiều tên đường, kéo đổ nhiều bức tượng thực dân
Theo lời kể của nhà báo Xuân Ba, bác sĩ Trần Văn Lai dường như đã tiên liệu được cuộc bão táp đang âm ỉ trong lòng Hà Nội, cùng đó là ý thức tự cường tự tôn của dòng máu Lạc Hồng với nỗi nhục của cái họa ngoại bang xâm lược. Do đó, ngay những ngày đầu tiên là thị trưởng thành phố, ông cho kéo đổ nhiều bức tượng thực dân như tượng Đầm xòe ở Vườn hoa Cửa Nam. Tiếp đó là tượng sĩ, nông, công, thương ở vườn hoa Canh nông (đây là bức tượng Pháp dựng để kỷ niệm cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914-1918.
Dưới bốn mặt của bức tượng là hình ảnh một thày đồ cắp tráp mà họ bảo tượng trưng cho tầng lớp sĩ của người An Nam. Một anh kéo xe cút kít, tượng trưng cho tầng lớp công, một phụ nữ te tái quang gánh, bảo đấy là tầng lớp thương. Và cuối cùng là anh thợ cày lực lưỡng bước sau con trâu tượng trưng cho giai cấp nông dân An Nam). Rồi tượng Toàn quyền Văng Hôven, Phù điêu Giăng Đuypuy gần bến sông Hồng... cũng bị kéo đổ. Cả bức tượng đồng to nhất Hà thành khi ấy có lẽ là Toàn quyền Paul Bert tay cầm cờ tay xòe trên đầu ông thày đồ An Nam cắp tráp dựng ở vườn hoa bên tòa Đốc lý (nay là Vườn hoa Indira Gandhi).
Quảng trường Ba Đình - địa danh 71 năm trước đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tiếp đến, năm 1954, khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, Dinh Toàn quyền cũ cạnh Quảng trường Ba Đình đã trở thành Phủ Chủ tịch, Chính phủ đã cho xây dựng quảng trường Hội trường Quốc hội (nay là Hội trường Ba Đình) và cạnh đó là Đài Tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Quảng trường Ba Đình cũng là nơi tổ chức lễ truy điệu của Người. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, một công trình kiến trúc lịch sử nữa cũng được ra đời bên cạnh Quảng trường Ba Đình, đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. |
Đồng thời, với việc hạ bệ các tượng thực dân, ông thị trưởng thành phố còn đổi một loạt tên đường mang tên thực dân hay có hơi hướng thực dân. Những đại lộ đẹp nhất Hà thành như Briére de L’isle đã trở thành Hùng Vương, Carnot trở thành Phan Đình Phùng, Henri D’Orleans là đường Phùng Hưng, Gămbetta trở thành Trần Hưng Đạo, F. Gacniê - tên viên quan ba chết trận ở Cầu Giấy trở thành đường Đinh Tiên Hoàng...
Không chỉ những tên võ tướng với chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... mà nhiều con đường Hà Nội mang tên các danh sĩ nổi tiếng đến tận bây giờ vẫn gọi, vẫn dùng như: Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Lý Văn Phức, Trần Tế Xương, Tản Đà... cũng đều do ông Thị trưởng này đặt ra cả! Có lẽ tên hai người Pháp duy nhất mà ông thị trưởng cho giữ nguyên mà bây giờ ta vẫn quen gọi là phố Yersin cũng như bức tượng nhà khoa học nổi tiếng này cùng tượng nhà khoa học Pasteur đuợc lớp hậu sinh của ông thị trưởng bảo tồn đến bây giờ.
Độc đáo nhất là thời điểm ấy cuối con đường mang tên vị linh mục Puyghiniê (nay là đường Điện Biên Phủ) có một bãi đất trống cỏ dại mọc có tên là Poăng (Point: điểm bắt đầu phố). Bác sĩ Trần Văn Lai đã đặt tên cho bãi đất trống ấy là Quảng trường Ba Đình, lấy tên căn cứ nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp rất anh dũng ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (chứ chẳng phải hồi trước ở đây có… ba cái đình như một số người lầm!).
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau thời điểm đó, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc lập. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng. Sau năm 1954, đề nghị lấy tên cũ là Quảng trường Độc lập nhưng Bác Hồ không đồng ý và yêu cầu giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình đến bây giờ, mặc dù mãi về sau này qua mấy kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố, có người đề nghị tên mới là Quảng trường 2/9.
No comments:
Post a Comment