Làm việc với máy tính thường xuyên dễ bị hội chứng đau ống cổ tay.
Tê tay, bệnh dân văn phòng hay gặp
Anh Nguyễn Văn Hùng 23 tuổi (Hà Nội) thường xuyên làm việc tiếp xúc với máy tính (gần như 24/24). Trước thời điểm đi làm, anh có sức khỏe bình thường. Gần đây, anh Hùng thấy tay chân tê nhức đến không còn cảm giác, tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi anh ngồi trong phòng điều hoà. Tay anh thường có cảm giác như đang châm chích, nhiều lúc nóng lạnh thất thường.
Lo lắng, anh Hùng đi khám, bác sĩ kết luận anh bệnh văn phòng – bệnh hội chứng ống cổ tay do vận động cổ tay nhiều và thời gian dài.
Theo BS Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương bệnh văn phòng không chỉ có tê tay mà còn mỏi mắt, thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Đây là những bệnh khá phổ biến trong giới văn phòng và nguyên nhân là do áp lực công việc quá lớn, ăn uống không đủ chất, không đúng giờ, ít vận động…
Bác sĩ Miên lưu ý đến bệnh tê tay bởi đây là một triệu chứng của khá nhiều bệnh. Nếu tê ở vùng bàn tay, các đầu ngón tay thì thường nghĩ đến nguyên nhân do chèn ép thần kinh giữa ở ống cổ tay hoặc bệnh lý thần kinh ngoại biên ở người bị đái tháo đường. Nếu bệnh nhân có tình trạng đau cổ kèm tê từ cánh tay xuống đến bàn tay thì nghĩ nhiều đến tình trạng chèn ép thần kinh cột sống cổ.
Theo bác sĩ Miên, tê tay kèm với tình trạng bỏng rát khi có gió thổi vào tay (hoặc khi bệnh nhân ngồi dưới máy quạt) thường theo sau một tình trạng chấn thương cột sống cổ gây tổn thương tủy cổ.
Đối với bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay thường liên quan đến việc vận động cổ tay nhiều và thời gian dài. Bệnh nhân thường tê tay tăng lên khi chạy xe hoặc làm việc kéo dài, đối với tình trạng này người bệnh cần nghỉ ngơi cổ tay và tốt nhất là cho cổ tay ở tư thế gập lòng để làm giảm sự chèn ép thần kinh giữa.
“Bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng kết hợp với đo điện cơ hai tay được chỉ định trong trường hợp này”, bác sĩ Miên nói.
Khám ngay nếu có dấu hiệu đau
Bác sĩ Dương Đình Phúc, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện 354 cũng cho biết, Khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc “bệnh văn phòng” đến khám và điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân đến khám ngày càng tăng trong thời gian gần đây.
Bác sĩ Phúc nhớ đến trường hợp chị Nguyễn Thị Loan đến khám vì chị đi cũng đau, ngồi cũng đau thậm chí ho cũng đau. Sau khi thăm khám và chụp Xquang, bác sĩ Phúc kết luận chị Loan bị thoát vị đĩa đệm gây chèn ép vào rễ thần kinh.
Do đó, bác sĩ Phúc khuyến cáo, đối với người bị thoát vị đĩa đệm ở mức độ chỉ lồi đĩa đệm hoặc thoát vị nhẹ thì nên hạn chế các lao động nặng, hạn chế các động tác cúi, gập, bẻ, xoay thân người quá mức. Nếu thoát vị đĩa đệm có đè ép vào rễ thần kinh mức độ trung bình thì có thể điều trị thuốc, vật lý trị liệu, nghỉ ngơi. Đối với tình trạng chèn ép nặng, đi lại khó khăn hoặc chèn ép trung bình mà điều trị thuốc không hiệu quả thì chỉ định phẫu thuật được đặt ra.
BS Lê Đức Định Miên cũng lưu ý người bệnh cần phân biệt bệnh thần kinh tọa và bệnh thoát vị đĩa đệm. Cụ thể, đau thần kinh tọa xuất phát từ vùng tủy thắt lưng và chi phối cảm giác, vận động cho hai chân. Khi thần kinh tọa bị viêm nhiễm hoặc chèn ép trên đường đi của chúng sẽ gây tình trạng đau theo rễ thần kinh mà thường gặp là đau vùng mông, sau ngoài đùi, sau ngoài cẳng chân. Tình trạng này được chẩn đoán là đau thần kinh tọa.
Cũng theo bác sĩ Miên, một nguyên nhân rất thường gặp của đau thần kinh tọa do chèn ép là thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng ( hơn 85%), chính điều này làm cho mọi người hay lầm tưởng đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm là một trong khi đó thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị thoát ra khỏi vị trí bình thường vốn có của chúng và tùy thuộc vào hướng thoát vị mà có thể gây ra chèn ép hoặc không chèn ép vào rễ thần kinh, và dẫn đến có thể gây đau hoặc không đau thần kinh tọa.
Do đó, bác sĩ Miên khuyến cáo người dân hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh cột sống uy tín, chất lượng để được khám và điều trị kịp thời, chính xác.
No comments:
Post a Comment