Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về vấn đề này.
Thưa giáo sư, thời gian gần đây có rất nhiều phản ánh của người bệnh họ phải chờ đợi, thậm chí bị bác sĩ bỏ quên khi vào bệnh viện cấp cứu. Trong khi thầy thuốc cho rằng họ đã “căng” hết mình. Điều này khiến mâu thuẫn giữa thầy thuốc và người bệnh ngày càng căng thẳng hơn. Là người lãnh đạo ngành y tế, GS có suy tư về câu chuyện thầy thuốc – bệnh nhân?
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến: Vấn đề này Bộ Y tế rất quan tâm làm thế nào hướng tới sự hài lòng người bệnh, mặc dù đây là vấn đề khó không phải ngày một ngày hai mà làm được.
Trong từng trường hợp cụ thể, bản thân chúng tôi cũng từng nhắc nhở các sinh viên, nhân viên y tế về ứng xử với người bệnh, người nhà của họ để họ thông cảm, chia sẻ được với mình, biết được những việc làm của mình.
Đối với người nhà, người bệnh cần thấy rằng công việc của nhân viên y tế cũng không phải đơn giản. Ngay cả đối với bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên môn phải cấp cứu nhiều thì vấn đề phân loại người bệnh, phân loại bệnh rất quan trọng.
Nhiều người có kinh nghiệm mới giải quyết được công việc một cách tốt nhất nhưng nhiều khi người nhà thấy cách làm như thế chưa chắc họ đã hiểu, họ cho rằng nhân viên y tế còn lơ là, không chăm sóc kịp thời. Tôi nghĩ cần có sự thông cảm từ hai phía.
Gần đây thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa bác sĩ – người nhà bệnh nhân tại khoa cấp cứu. Theo GS vì sao có tình trạng này?
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến: Ở khoa cấp cứu nơi có mâu thuẫn nhiều nhất vì đây là nơi tập trung sự sống – cái chết. Hầu như bác sĩ ở đây họ nhìn nhận lướt qua được ai là bệnh nhân nặng. Thậm chí, có những bệnh nhân không kêu, không la không rên rỉ song đấy mới là bệnh nhân rất nặng, thậm chí có bệnh nhân da đã xanh mướt vì mất máu quá nhiều, bệnh nhân rơi vào tình trạng ngáp cá. Đối với những bệnh nhân đó thì bác sĩ phải xông vào ngay lập tức.
Còn những bệnh nhân còn cảm giác đau, rất khó chịu trong người song chưa chắc đó là bệnh nhân nặng. Nhưng không phải vì thế mà không quan tâm hỏi han bệnh nhân nhưng chúng ta phải có cách an ủi, tiếp xúc với người bệnh để họ an lòng.
Không ít có trường hợp mặc dù chuyên môn của bác sĩ chưa đáp ứng nhu cầu và chưa chữa được bệnh đó thật tốt nhưng vẫn phải có thái độ niềm nở để người bệnh cảm thấy yên tâm, họ có cảm giác biết ơn.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến
Theo GS, làm thế nào để hoá giải mâu thuẫn đó trong thời gian tới?
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến: Theo tôi phải nhờ vào truyền thông tuyên truyền để người bệnh có thể thông cảm cho bác sĩ.
Về chuyên môn, một bệnh nhân khám xong chẩn đoán diễn biến tốt hay xấu phải sau 6 tiếng, thậm chí cả ngày mới được. Vậy nên không phải cứ 1 tiếng hay vài phút phải kiểm tra bệnh nhân. Nhưng người bệnh cảm thấy mình bị bỏ rơi không được quan tâm, bác sĩ chỉ xem có một lần và cũng chẳng cho thuốc men gì cả. Vì thế gây nên mâu thuẫn bác sĩ và người nhà bệnh nhân.
Người nhà không biết có một số bệnh phải chống chỉ định dùng thuốc, kể cả bệnh nhân có đau vẫn phải theo dõi có phải mổ hay không phải mổ.
Thực tế ngành y đã có không ít bài học bác sĩ có trình độ nhất định, kinh nghiệm chưa nhiều, thấy bệnh nhân đau quá cho thuốc bệnh nhân để giảm đau sau đó làm lu mờ, mất triệu chứng nên khi chỉ định mổ thì đã quá muộn. Có những người bệnh kêu đau bác sĩ cho viên thuốc giảm đau đó không phải là cách làm tốt mà có thể thành ra hại người bệnh. Những điều đó người nhà bệnh nhân phải hiểu được và chia sẻ.
Hiện nay trong ngành y, rất ít khi bác sĩ giải thích điều đó cho người thân mà họ chỉ khám xong, giao cho điều dưỡng theo dõi. Người nhà thấy bác sĩ khám xong rồi đi luôn không giải thích cặn kẽ, không cho thuốc gì là họ làm ầm lên. Họ không biết rằng xử lý như thế mới tốt cho người bệnh. Bác sĩ cũng có phần lỗi khi quá đông bệnh nhân không kịp giải thích cho người nhà.
Bộ Y tế đã có những biện pháp nào để làm xích lại mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc, thưa GS?
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến: Về phía lãnh đạo ngành y tế, bên cạnh thời lượng dành cho chuyên môn còn là thời lượng đào tạo giao tiếp, ứng xử làm hài lòng người bệnh.
Nhiều lúc xem lại thấy nhân viên y tế cũng đúng. Họ phải cân nhắc xem xét bệnh nhân nguy hiểm trước, bệnh nhân nào ít nguy hiểm xem sau. Nhưng khi người bệnh không hài lòng nhân viên cũng phải tự xem mình vì sao như thế.
Các cụ nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nên phải nhìn lại trước nếu có cách giải thích với bệnh nhân thì những trường hợp đó không xảy ra. Nếu ta giải thích với họ thì người bệnh và người nhà của họ cũng thông cảm cho.
Còn chỗ các bác sĩ có năng lực, khả năng giải quyết ưu tiên bệnh rất nặng, bệnh tối khẩn cấp trước thì không ai chê trách nhưng những cách ứng xử làm việc như thế thì nói dễ, làm rất khó.
Tôi nghĩ cần có sự chia sẻ - thông cảm giữa người bệnh và bác sĩ, hiểu nhau nhìn nhận vấn đề nhân văn khách quan.
Vậy chúng ta có nên thành lập một đội ngũ chuyên giải thích, chăm sóc người bệnh thay bác sĩ không thưa GS?
GS Nguyễn Viết Tiến: Muốn làm được phải có chuyên môn, biên chế nhân lực để đảm bảo giải thích được phải có chuyên môn.
Đôi khi bác sĩ đã khám cho bệnh nhân này rồi nhưng việc giải thích với người không có chuyên môn chưa chắc đã tốt. Những người có trình độ sâu, nhiều kinh nghiệm chỉ khám lướt vẫn nhận dạng bệnh tốt hơn những người trình độ còn khiêm tốn.
Xin cảm ơn GS!
No comments:
Post a Comment