Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra sức khỏe của bệnh nhi nhiễm virus Coxsackie A6.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, trong vòng 1 tháng qua, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm có 7 trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong. Sau khi xét nghiệm, kết quả cho thấy số trẻ tử vong ở Cao Bằng do virus Coxsackie A6. (Virus Coxsackie là một chủng siêu vi ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như hội chứng viêm não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay-chân-miệng, viêm cơ tim...).
Trước tình hình đó, ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến vùng dịch để giám sát, kiểm tra.
Tại đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch bệnh mới chỉ tạm dừng bước đầu, nguy cơ dịch bùng phát quay trở lại là rất lớn.
“Mầm bệnh còn ở đó, đối tượng cảm nhiễm còn ở đó, điều kiện vệ sinh, môi trường tại gia đình của đồng bào chưa được tốt, thời tiết bất thường rất thuận lợi cho một số loại dịch bệnh phát triển đặc biệt là các bệnh đường tiêu hoá.”, ông Long lý giải.
Lãnh đạo Bộ Y tế giám sát dịch tại Bảo Lâm, Cao Bằng.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Cao Bằng phải truyền thông nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Cán bộ y tế phải hướng dẫn bà con đến ngay trạm y tế để khám và điều trị khi có các dấu hiệu đau đầu, sốt, tiêu chảy.
Thực hiện khử khuẩn môi trường bằng Cloramin B, cấp phát Cloramin B cho đồng bào, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khử trùng, vệ sinh ngay tại nhà, thực hiện ăn chín, uống sôi, phun thuốc khử khuẩn, diệt muỗi, cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho bà con.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Cao Bằng phải thường xuyên báo cáo thông tin về tình hình dịch bệnh cho tuyến trên.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục hỗ trợ về người, chuyên môn điều trị cho bệnh viện huyện Bảo Lâm và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục điều tra, lấy mẫu, giám sát tình hình dịch bệnh tại các địa bàn nguy cơ cao.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm cho biết, đến thời điểm này bệnh viện đã tiếp nhận 12 bệnh nhân sốt, ho, khó thở, tiêu chảy. Hiện tại đã có 10 bệnh nhân ra viện, 2 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện sức khỏe đã dần ổn định, chuẩn bị được cho ra viện.
Giám đốc bệnh viện cũng cho biết thêm, 2 trường hợp được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị hiện sức khỏe cũng đã ổn định. Tuy nhiên hiện tại bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn trong khâu chẩn đoán bởi chất lượng nhân lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, do tập quán của người dân cũng như do đặc thù vùng miền và sự thiếu thốn về trang thiết bị tại tuyến dưới bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán, cũng như tuyên truyền cho người dân.
Số trẻ tử vong ở Cao Bằng do virus Coxsackie A6. Virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm virus Coxsackie hơn người lớn. Trẻ em dễ lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc... Virus Coxsackie A6 diễn tiến rất nhanh, ban đầu chỉ là một virus đường tiêu hóa thông thường nhưng chỉ trong thời gian ngắn, có thể chưa đến 24 giờ đầu, trẻ đã có những triệu chứng của viêm não và các bệnh liên quan khác. Tại Hà Nội, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cũng tiếp nhận một số ca viêm não cấp và có trẻ tử vong do bệnh viện tuyến dưới không chẩn đoán được. Tuyến dưới chỉ điều trị viêm phế quản do bé ho, sốt. Khi gia đình đưa bé lên tuyến trên thì bệnh đã quá nặng và không qua khỏi. |
No comments:
Post a Comment