Liên quan đến vụ án bảo mẫu cùng người tình bắt cóc bé 3 tháng tuổi từng gây chấn động TP.HCM, chia sẻ với PV Pháp luật TP.HCM, Đại tá Trần Văn Quang, người trực tiếp chỉ đạo các mũi trinh sát giải cứu cháu bé, nhớ lại, “Bây giờ về hưu rồi, nhớ lại những lần truy bắt tội phạm, một trong những điều ấn tượng nhất với tôi là khoảnh khắc người mẹ nhận con tại Công an phường 14, quận Gò Vấp. Cả hai mẹ con đều khóc òa, người cha khóc và chúng tôi cũng rơm rớm nước mắt…”.
Hơn 20h giải cứu con tin
Theo đó, khoảng giữa tháng 9/2011, gia đình chị Lý Diệu Trân Ch. ở quận 4, TP.HCM bàng hoàng nhận cuộc điện thoại của một người đàn ông: Bọn tao là băng bắt cóc chuyên nghiệp. Muốn nhận lại con thì hãy chuẩn bị 50 cây vàng. Nếu báo công an, con mày sẽ nhiễm HIV.
Trước đó, ngày 10/9/2011, đứa con 3 tháng tuổi của chị Ch. bị người giúp việc bắt cóc, nên khi nhận được cú điện thoại, cả gia đình hoảng sợ, cầu cứu đến Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) Bộ Công an phía Nam.
Gia đình chị Ch. vui sướng khi đứa con 3 tháng tuổi được lực lượng công an giải cứu thành công. Ảnh: Hoài Nam
Lãnh đạo Cục CSHS lúc bấy giờ là Đại tá Nguyễn Tri Phương (Phó Cục trưởng) họp khẩn với một số phòng nghiệp vụ, xác định rõ là bằng mọi giá truy tìm kẻ bắt cóc, bảo đảm an toàn cho cháu bé.
Tại khu vực nghi vấn, hàng chục trinh sát được điều động tỏa ra các hướng. Các khách sạn, nhà nghỉ nằm trong địa bàn cũng bị kiểm tra đột xuất nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy hành tung của cháu bé.
Tiếp tục công cuộc giải cứu, hơn 20h sau khi tiếp cận thông tin, chiều ngày 11/9/2011, mũi trinh sát ở quận Gò Vấp phát hiện tại một nhà dân ở phường 14 làm nghề giữ trẻ có một bé khoảng ba tháng tuổi được một cặp vợ chồng lạ mặt gửi giữ. Lập tức nhà này bị chốt chặn. Người giữ trẻ cho hay một cặp vợ chồng mang đứa bé tới nói là con của họ, gửi ba ngày vì có công việc.
Xác định cháu bé là nạn nhân của bọn bắt cóc nên trinh sát đưa bé về công an phường. Lúc nhận con từ tay Thượng tá Trần Văn Quang (Phó phòng 4, bây giờ là Đại tá Quang), chị Ch. đã khóc nấc, gia đình ai cũng rưng rưng vì mừng.
Cuộc đấu trí với nhóm bắt cóc bắt đầu!
Mặc dù đã đưa được cháu bé về với gia đình nhưng với các trinh sát, vụ án chưa kết thúc. Họ tiếp tục vạch kế hoạch để bắt nhóm tội phạm này.
Theo suy luận, vì không biết cháu bé đã được giải cứu nên nhóm bắt cóc sẽ vẫn tiếp tục liên lạc với gia đình nạn nhân cũng như người giữ trẻ nên phía lực lượng công an đã cặn dặn kỹ những người liên quan để có thể phối hợp ăn ý theo kế hoạch.
Đúng như dự đoán, tối hôm sau, các đối tượng liên lạc với chị Ch., yêu cầu bỏ vàng vào hai túi xách, chạy xe máy ra khỏi nhà và làm theo chỉ dẫn của bọn chúng.
Qua điện thoại, nhóm bắt cóc hướng dẫn vợ chồng chị Ch. lên cầu Phú Mỹ (quận 7). Khi đến điểm hẹn, nhóm bắt cóc yêu cầu ném vàng xuống dưới chân cầu. Tuy nhiên, khi chưa hỏi các trinh sát, vợ chồng chị Ch. đã vội vứt túi vàng (thực chất là đá) theo yêu cầu khiến nhóm tội phạm tức giận, gọi điện thoại quát chị Ch., dọa sẽ giết cháu bé.
Hai đối tượng trong nhóm bắt cóc bé 3 tháng tuổi tại buổi xét xử. Ảnh: VietNamnet
Những ngày sau đó, nhóm tội phạm liên tiếp thay đổi địa điểm cư trú. Ban đầu, nhóm bắt cóc di chuyển về Cần Giuộc (Long An) rồi lên Bình Chánh (TP.HCM) và tiếp tục xuống Gò Công Đông (Tiền Giang). Đặc biệt, trong quá trình di chuyển, họ vẫn yêu cầu vợ chồng chị Ch. giao vàng nhưng sẽ lấy 25 cây trước, số còn lại lấy sau.
Đến ngày 13/9/2011, nhóm bắt cóc di chuyển từ Gò Công Đông về quận 7 nên các trinh sát phải phục kích ở tất cả điểm nghi vấn.
Tối cùng ngày, nhóm bắt cóc gọi điện thoại yêu cầu vợ chồng chị Ch. chạy xe máy đi lòng vòng rồi điều vợ chồng chị vào một con hẻm, thả gói vàng xuống đất.
Ngay sau đó, một cặp nam nữ chạy xe máy qua. Nhân lúc người phụ nữ nhảy xuống nhặt gói vàng, các chiến sĩ trong tổ công tác đồng loạt bao vây.
Bất ngờ, người phụ nữ chạy thục mạng lên phía trước rồi lôi một chai nước đã chuẩn bị sẵn trong người ra uống cạn.
Cũng tại thời điểm này, người đàn ông đồng phạm bị trinh sát quật ngã. Song, đối tượng cũng cố lôi chai nước tương tự ra uống.
Kiểm tra sơ bộ, lực lượng công an phát hiện hai người bắt cóc trẻ em đã uống thuốc độc nên nhanh chóng đưa hai nghi can vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Tháng 3/2012, TAND TP.HCM tuyên án hai bị cáo là Võ Thị Thanh Thúy 13 năm tù, Nguyễn Xuân Tâm 11 năm tù cùng về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 2/8/2011, Võ Thị Thanh Thúy được gia đình anh Q.M.H. nhận làm người giúp việc, trực tiếp trông giữ con trai anh là cháu Q.M.H. Trong thời gian làm việc tại đây, Thúy biết nhà gia chủ vốn khá giả, rất mực cưng chiều đứa con trai nên nảy sinh ý định bắt cóc cháu H. tống tiền. Thực hiện ý định, Thúy gọi điện cho Nguyễn Xuân Tâm (người chung sống với Thúy như vợ chồng) để bàn bạc. Lúc đầu Tâm không đồng ý nhưng nghe “vợ’ nói đến việc cần tiền chữa bệnh HIV, Tâm đồng ý. Ngày 29/8/2011, Thúy xin phép chủ nhà nghỉ ít ngày để về quê có việc. Tuy nhiên, Thúy không về quê mà cùng Nguyễn Xuân Tâm bàn bạc, tìm nơi nhờ gửi cháu H. sau khi bắt cóc. Trở lại làm việc, Thúy xin chủ nhà cho mượn lại giấy chứng minh nhân dân để làm thủ tục nhập học cho con nhưng mục đích để gia chủ không truy tìm được tung tích của mình sau khi bị cáo Thúy bỏ trốn. Sáng 10/9/2011, thấy cơ hội thuận lợi, Thúy bế cháu H. bỏ trốn khỏi nhà chủ bằng cửa sau rồi gọi điện cho người tình đến đón. Với lý do gửi con ít ngày để cai sữa, cháu H. được Thúy và Tâm đem gửi tại nhà một người giữ trẻ tư nhân trên địa bàn quận Gò Vấp. Sắp xếp xong, Thúy gọi điện cho vợ chồng chủ nhà đề nghị giao nộp 50 lượng vàng SJC thì Thúy mới trả lại con cho họ. Tối 13/9/2011, khi Thúy cùng người tình đến khu vực cầu Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) để nhận vàng từ vợ chồng anh H. thì bị cơ quan công an bắt giữ. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, hai bị cáo cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. |
No comments:
Post a Comment