Friday, September 7, 2018

Cách dạy vuông, tròn hot MXH: Người hoang mang chỉ trích, người tâm đắc ủng hộ

Phương pháp dạy đọc kỳ lạ: chỉ vào ô vuông thì đọc vanh vách, chỉ vào chữ thì không biết chữ gì?

Những ngày vừa qua, cư dân mạng xôn xao với những video học cách đánh vần, tập đọc của học sinh tiểu học. Trong đó, các giáo viên chỉ tay vào những hình ô vuông, hình tròn, tam giác để học sinh đọc theo một cách máy móc.

Một phụ huynh thử bảo con gái đọc theo ô vuông trong sách, cô bé đọc một lèo 2 câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Nhưng khi bố chỉ vào chữ và hỏi đó là chữ gì thì cô bé không trả lời được. Điều này đã gây tâm lý hoang mang khi nhiều phụ huynh sợ rằng con mình chỉ đang được học vẹt theo lời cô mà không nhận biết được mặt chữ. Đồng thời cảm thấy khó hiểu với phương pháp dạy học khác lạ này.

Video học sinh đọc bằng ô vuông, hình tròn đang gây “bão”

Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. “Mình không hiểu tại sao cứ phải cải cách? Trong khi rất nhiều thế hệ đã được giảng dạy theo phương pháp cũ vẫn đọc – viết được bình thường thì sao phải thay đổi? Không thể hiểu nổi tại sao dạy chữ mà lại chỉ vào mấy cái hình thù mà bắt trẻ đọc vẹt theo.”, nickname T.V bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những bình luận đồng tình, cho rằng các phương pháp giáo dục hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở khoa học và được nghiên cứu, thử nghiệm nhiều năm: “Các bạn dân mạng cứ đòi “trứng khôn hơn vịt” ấy nhỉ? Người ta là giáo sư, tiến sỹ và đã nghiên cứu công trình này nhiều năm nay rồi. Chẳng qua cái gì mới, các bạn chưa hiểu hết được nó nên nghĩ nó là trò đùa.”

Phương pháp dạy mới này được gọi là chương trình Công nghệ giáo dục, được GS Hồ Ngọc Đại nghiên cứu vào đưa vào giảng dạy thực nghiệm trong nhiều năm nay. Sở dĩ bỗng nhiên chương trình này bị dân mạng phê phán là bởi những video clip được chia sẻ chóng mặt. Tuy nhiên, video này chỉ phản ánh một buổi học phát âm chứ không phải cả quá trình giảng dạy, khiến cho nhiều người chưa biết về phương pháp mới này đã vội đánh giá, chê trách.

Các hình tròn, hình vuông được thiết kế nhằm giúp học sinh bước đầu có khái niệm, nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt chứ không phải học để đọc. Hơn nữa những hình thù nhiều màu sắc giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với bài giảng.

Nhiều giáo viên tâm đắc với chương trình Công nghệ giáo dục

Trong một diễn đàn của giáo viên tiểu học trên facebook, nhiều thầy, cô giáo cũng bình luận sôi nổi về vấn đề này. Một cô giáo trẻ tại Nam Định cho biết mình đã giảng dạy bằng phương pháp mới này và cảm thấy rất tâm đắc bởi học sinh học nhanh hơn, giáo viên cũng dễ dàng trong việc dạy dỗ các em học đánh vần.

cach day vuong, tron hot mxh: nguoi hoang mang chi trich, nguoi tam dac ung ho - 1

Phương pháp đánh vần mới khiến nhiều người khó hiểu

Theo cô giáo, dù là chương trình nào thì mục tiêu của nó vẫn là nhằm giúp học sinh đọc thông viết thạo nhưng trong chương trình của GS Hồ Ngọc Đại từng bước cung cấp cho học sinh luật chính tả rất chặt chẽ. “Một số bạn lo lắng nó sẽ thay đổi gì: Thưa không, nó không thay đổi cái gì cả, chỉ là học sinh biết sử dụng luật chính tả, viết đúng chính tả kể cả việc đánh dấu thanh. Một số bạn hỏi cái ô vuông, hình tròn hay tam giác đầu vở của con là cái gì thế, con mình học vẹt chắc? Theo chương trình đó là một chuỗi âm thanh được tách ra từng tiếng.”

Cô giáo cũng chia sẻ thêm: “Đây là chương trình mình rất tâm đắc về luật chính tả: Từng bước rất chặt chẽ , thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Bản thân 20 năm kinh nghiệm dạy lớp1, mình thấy học sinh học chương trình này tốt.”

“Nhiều người chưa hiểu nên mới phê phán.”

Giữa tâm bão dư luận, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục đã chia sẻ với báo chí, đây là cách dạy của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Theo ông, một số người chưa hiểu hết về phương pháp học này nên mới phê phán.

"Thực ra đây chưa phải là giai đoạn học đọc mà đây là trong giai đoạn đầu của quá trình học đánh vần nên tác giả đã thiết kế các hình tròn, hình vuông để học sinh bước đầu có ý niệm, nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt chứ không phải học để đọc", PGS Hùng giải thích.

cach day vuong, tron hot mxh: nguoi hoang mang chi trich, nguoi tam dac ung ho - 2

Những ô vuông, hình tròn, tam giác là để thay thế các âm chứ không thay thế mặt chữ

PGS Hùng chia sẻ thêm, so với SGK Tiếng Việt đại trà, thì cách tiếp cận của Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt quan trọng nhất là cách dạy đọc, trong đó có cách dạy đánh vần. Theo đó, phương pháp mới này hướng dẫn trẻ học đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và sử dụng các khái niệm, các thuật ngữ ngữ âm học, như nguyên âm, âm đệm, âm cuối.

"Nhưng có cần như vậy khi dạy đánh vần cho học sinh hay không, đó là vấn đề vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Điều cần nói rõ là cách dạy đánh vần của Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục gây tranh cãi, thậm chí phản đối quyết liệt còn vì do nhiều người hiểu lầm là nó làm thay đổi chữ quốc ngữ, và tiếng Việt.

Thực chất là nó không làm thay đổi gì chữ viết và ngôn ngữ mà chỉ là một trong nhiều giải pháp giúp học sinh biết đọc thành tiếng và viết chính tả, mục đích mà tất cả các sách dạy học tiếng Việt lớp 1 đều phải hướng đến", PGS Hùng nêu.

Hiệu quả bất ngờ của chương trình “ô vuông, hình tròn”

Trước đó, Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiến hành khảo sát kết quả học tập của những học sinh theo chương trình Công nghệ giáo dục và học sinh theo chương trình giáo dục hiện hành vào tháng 9/2015. Trung tâm đo nghiệm 478 học sinh theo chương trình Công nghệ giáo dục và 220 học sinh theo chương trình hiện hành kết quả cho thấy, tỉ lệ học sinh đầu lớp 2 theo Công nghệ giáo dục đạt chuẩn đọc cao hơn của theo chương trình hiện hành (96,03% so với 92,73%).

cach day vuong, tron hot mxh: nguoi hoang mang chi trich, nguoi tam dac ung ho - 3

Hiệu quả của chương trình Công nghệ giáo dục tốt hơn so với chương trình hiện hành

Đối với kỹ năng viết, được tiến hành đo nghiệm được trên 516 học sinh theo chương trình Công nghệ giáo dục và 220 học sinh theo chương trình hiện hành cho thấy tỉ lệ học sinh viết đạt khá cao. Trong đó, 95,54% với học sinh học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và 92,27% với học sinh học Tiếng Việt lớp 1 hiện hành.

Tuy nhiên, sự phân hoá về kết quả phần viết giữa các địa phương học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục khá đồng đều, còn chương trình hiện hành thì có sự phân hoá rõ rệt: Học sinh ở Quảng Ninh học chương trình hiện hành có tỉ lệ viết đạt ở mức cao gần 100%, trong khi ở Trường Tiểu học Tú Sơn (Hoà Bình) chỉ đạt 57,89%. Điều này cho thấy chất lượng viết của học sinh học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là chắc chắn, không có sự may rủi, không phụ thuộc quá nhiều vào địa bàn.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment