Tối 7/8, xác nhận với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng cục Thuế TP.HCM cho biết, người có thu nhập hơn 41 tỷ đồng từ Facebook, Google, YouTube… đã nộp số tiền thuế bị truy thu 3 tỷ đồng. Riêng số tiền phạt 1,1 tỷ đồng do nộp chậm hiện đang được các bộ phận liên quan xác minh lại.
Trước đó, cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định truy thu 4,1 tỷ đồng đối với một cá nhân sinh sống tại TP này. Trong số 4,1 tỷ đồng trên có 3 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu và 1,1 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Sở dĩ người này phải nộp số thuế trên là do có nguồn thu từ việc viết chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng xã hội như: Google, Facebook, YouTube… và đã chạy quảng cáo trên các trang này.
Người có thu nhập "khủng" từ Google, Facebook, YouTube đã nộp thuế.
Theo cơ quan thuế, người này có thu nhập lên đến hơn 41 tỷ đồng trong thời gian 2 năm (2016, 2017). Tuy nhiên, cá nhân này lại không kê khai và nộp thuế.
Theo thông tin mà PV có được, người này có hộ khẩu ở tỉnh Quảng Nam và đang tạm trú tại TP.HCM. Trước đó, cục Thuế TP.HCM cũng đã gửi công văn đến cục Thuế tỉnh Quảng Nam đề nghị xác minh về thông tin người có số thu nhập "khủng" từ Google, Facebook, YouTube… Có động thái này là do khi cục Thuế mời lên làm việc, người này không còn ở địa chỉ đăng ký tạm trú.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, những trường hợp có thu nhập từ các tổ chức như Google, Facebook, YouTube vẫn được tính vào mục thu thuế thu nhập từ kinh doanh. Nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế 7% thu nhập. Trong đó, 5% là thuế giá trị gia tăng và 2% là thuế thu nhập cá nhân.
Cơ quan thuế đang và sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube… nhưng không kê khai và nộp thuế như trường hợp nêu trên.
Liên quan tới các trường hợp như trên, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có cơ chế phối hợp tốt hơn để tránh thất thu nguồn thu thuế. TS Nguyễn Mạnh Thắng, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Thực chất, những trường hợp như trên là hoạt động kinh doanh, dù là trên môi trường internet. Họ sinh sống và làm việc (kiếm tiền) tại Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định hiện hành, chứ không thể nói, tôi có thu nhập từ nước ngoài, không qua trung gian nào”.
“Những trường hợp này cũng tương tự như Uber hay Grab. Do đó, ngành thuế và các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống ngân hàng cần phải kiểm soát dòng tiền để thu thuế. Thậm chí, ngân hàng có thể thu thuế ngay từ dòng tiền chuyển về cho người đó, đồng thời chuyển vào ngân sách Nhà nước. Có như vậy, mới có thể tránh thất thu thuế”, chuyên gia này nói thêm.
Ông Nguyễn Nam Bình cũng cho biết thêm: “Cơ quan thuế đang và sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube… nhưng không kê khai và nộp thuế như trường hợp nêu trên”.
No comments:
Post a Comment