Những ngày qua, sự việc chị Hà Thị H. (SN 1987), trú tại thôn La Khê, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang (Hải Dương) gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh việc TAND huyện Ninh Giang ban hành Quyết định ly hôn đồng thuận giữa chị và chồng là Hà Văn T (SN 1982) có dấu hiệu bị giả mạo chữ ký, vì thời điểm tòa ra quyết định chị đang làm việc tại nước ngoài khiến dư luận quan tâm.
Trước sự việc trên, ngày 17/7, chị H. gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ninh Giang và Viện Kiểm sát nhân dân, TAND tỉnh Hải Dương để phán ánh sự việc. Đồng thời, ngày 30/7, TAND tỉnh Hải Dương đã mời chị H. đến làm việc và ghi nhận sự việc cũng như những đề nghị của chị.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cao Cải – cán bộ tư pháp, hộ tịch UBND xã Ninh Thành cho biết: “Sáng 1/8, cán bộ của VKSND tỉnh Hải Dương đã về làm việc với địa phương về sự việc ly hôn của anh T. và chị H.”.
Ông Nguyễn Cao Cải - cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Ninh Thành cho PV xem hồ sơ kết hôn của anh T. và chị Th. Ảnh: Đ.Tùy
Theo ông Cải, khoảng 2 năm trước đây việc ly hôn được thực hiện theo quy định cũ. Tức là khi vợ hoặc chồng làm đơn ly hôn sẽ gửi về UBND xã. Căn cứ vào nội dung đơn, UBND xã chuyển cho cán bộ tư pháp thực hiện theo đúng thẩm quyền và đơn này được chuyển về tổ hòa giải của thôn, nơi vợ chồng cư trú.
Trong trường hợp hòa giải không được thì đơn ly hôn được chuyển lại về UBND xã và xã mời 2 vợ chồng lên tiến hành hòa giải tiếp một lần nữa. Nếu không nhất trí, xã chuyển đơn đó về TAND huyện.
Đối với quy định mới, đương sự không phải qua UBND xã mà nộp đơn khởi kiện và các thủ tục cần thiết cho TAND huyện thụ lý. Sau đó, tòa án gọi 2 đương sự xuống tiến hành hòa giải, nếu không nhất trí, tòa giải quyết theo quy định. Đối với quy định cũ và mới, khi có Quyết định ly hôn của tòa án, mỗi bên đương sự nhận được 1 bản, đồng thời UBND xã (nơi đương sự cư trú) nhận được 1 bản để lưu theo dõi.
“Trong sự việc ly hôn của anh T. và chị H., UBND xã chúng tôi không nhận được Quyết định ly hôn của TAND huyện Ninh Giang chuyển về, cho nên địa phương không nắm được sự việc.
Giấy chứng nhận kết hôn của anh T. và chị Vũ Thị Th. Ảnh: Đ.Tùy
Tuy nhiên, ngày 24/2 khi anh T. đến xã làm thủ tục đăng ký kết hôn có mang theo Quyết định ly hôn của TAND huyện, đồng thời nộp các giấy tờ liên quan của chị Vũ Thị Th. (SN 1985, trú tại huyện Thanh Miện, Hải Dương). Đến ngày 26/2, chúng tôi hoàn thiện hồ sơ của anh T. và UBND xã Ninh Thành tiến hành đăng ký kết hôn cho anh T. cùng chị Th. theo quy định”, ông Cải cho biết.
Lý giải việc tại sao, UBND xã Ninh Thành không nhận được Quyết định ly hôn của tòa án, ông Đàm Nhân Trác – Chánh án TAND huyện Ninh Giang cho hay, ngày 3/1/2018, TAND huyện ra Quyết định ly hôn đồng thuận giữa chị H. và anh T. Theo quy định, sau khi Quyết định có hiệu lực, TAND huyện sẽ gửi Quyết định này về các nơi sau: VKSND huyện, anh T., chị H, UBND xã Ninh Thành và lưu 1 bản tại đơn vị.
Do thời điểm ra Quyết định ly hôn của anh T. và chị H. trùng vào dịp Tết nguyên đán, cho nên ngày 12/3/2018 (hơn 2 tháng sau) TAND huyện Ninh Giang mới chuyển Quyết định về xã Ninh Thành theo đường công văn. Còn chuyện xã Ninh Thành không nhận được Quyết định thì kiểm tra lại các bên liên quan.
Quyết định ly hôn của anh T., chị H. do TAND huyện Ninh Giang ban hành. Ảnh: Đ.Tùy
Nói về trách nhiệm của cơ quan ra quyết định ly hôn và người trực tiếp ký quyết định ly hôn của anh T., Chánh án TAND huyện Ninh Giang cho biết: "Căn cứ theo quy trình, thủ tục của vụ án và toàn bộ số giấy tờ anh T. nộp cho tòa là hợp pháp. Cho nên, Quyết định ly hôn của TAND huyện Ninh Giang là đúng theo quy định. Tuy nhiên, đơn vị không nghĩ anh T. có sự gian dối trong việc cung cấp thông tin cho tòa án và chữ ký giả mạo của chị H.
Nếu Quyết định ly hôn của anh T. và chị H. bị tòa cấp trên hủy thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm giống như án hủy, án sửa. Còn cơ quan ban hành Quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến thi đua. Khi đơn vị có nhiều án hủy, án sửa và trong một nhiệm kỳ Thẩm phán để xảy nhiều lỗi thì phải xem xét chỗ Thẩm phán.
Đối với người trực tiếp ký quyết định thì cần phải xem xét, đó là lỗi chủ quan hay khách quan, từ đó đưa ra trách nhiệm để xem xét theo quy định. Tuy nhiên phải đợt kết quả xác minh từ cơ quan cấp trên ra quyết định hủy Quyết định ly hôn anh T.
Nếu quyết định ly hôn bị tòa cấp trên hủy thì cơ quan ra quyết định và người trực tiếp ký quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Đ.Tùy
Nếu hủy theo trình tự Giám đốc thẩm thì khác còn hủy theo trình tự tái thẩm thì khác. Hủy tái thẩm là gần như hoàn toàn do lỗi khách quan, có tình tiết mới và trong vụ án anh T. đang có tình tiết mới. Còn hủy theo Giám đốc thẩm là do lỗi chủ quan nhiều hơn. Tuy nhiên, có những lỗi không thể phát hiện ra trong khi người ký quyết định đã kiểm tra kỹ các công đoạn.
No comments:
Post a Comment