Những ngày trưa nắng tháng 7, chúng tôi có dịp về xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nơi một thời nổi danh về thói nói phét bằng ca từ đậm chất văn thơ.
Thói “nói phét gia truyền” chắc hiếm người nghe. Ấy vậy, ở làng Dương Sơn (xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), cái tiếng “ăn no, nói phét, người cười rụng răng” đã có một thời vàng kim, nổi danh khắp miền Bắc.
Cụ Vũ Văn Lập - người hiếm hoi của làng Dương Sơn nói phét có ca từ kể lại những câu chuyện cười
Nghe chuyện trong làng nói phét
Những ngày trưa nắng tháng 7, chúng tôi có dịp về xã Liên Sơn, nơi một thời nổi danh về thói nói phét bằng ca từ đậm chất văn thơ. Trên con đường dẫn vào làng Dương Sơn, chúng tôi gặp một cụ bà chừng 80 tuổi đang rửa thúng ngay bờ ao làng, tôi đánh liều hỏi: “Thưa cụ, đây có phải làng nói phét không ạ?”. Ngước nhìn người lạ với ánh mắt nghiêm nghị: “Ai bảo anh ở đây nói phét. Vào đây mà cứ bô bô cái miệng, vu oan nói phét là thanh niên ra úp sọt, đánh hội đồng đấy”.
Tôi cố giải thích: “Lâu nay con vẫn nghe câu Hoà Làng nói phét có ca - Dương Sơn nói phét bằng ba Hoà Làng. Thế có đúng không vậy cụ?”. Cụ ra dấu nói nhỏ: “Cẩn thận dân Hòa Làng sang vây bắt lại không ai can ngăn, mau đi đi, thừa hơi đến đây gây sự à?”. Giọng nói bình thản cùng nét mặt tỉnh bơ của cụ khiến tôi gai sống lưng, định quay xe ra khỏi làng.
Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng cười nhất cả nước, trong số 14 làng cười xứ Bắc, Bắc Giang có tới 8 làng. Trong 8 làng cười truyền thống ở Bắc Giang có 3 làng dùng nghệ thuật khoa trương, dân gọi là “nói khoác” hay “nói phét”, đó là các làng: Hòa Làng (nay xã Phúc Hòa), Dương Sơn (nay xã Liên Sơn, huyện Tân Yên); Tiên Lục (huyện Lạng Giang). Hai làng dùng nghệ thuật châm biếm “nói tức”, đó là Đông Loan và Nội Hoàng (huyện Yên Dũng). Một làng nói nước đôi (hiểu theo cách nào cũng được), dân gian gọi là “nói ngang”, đó là làng Phụng Pháp (tục gọi là làng Cua). Một làng nói phô trương “nói khoe” là Cao Lôi (tục gọi là làng Kẻ Chối). Một làng nói bài bác “nói giễu” là Khả Lý (tục gọi là Kẻ Xe). |
Bất giác nhìn sang gốc cây bàng cổ thụ, thấy mấy thanh niên tủm tỉm cười, tôi mới hiểu ra vừa được cụ bà cho ăn quả lỡm. Vỗ đùi, cười khoái chí, cụ bà nói: “Muốn nghe nói phét văn ca thì tìm ông Lập bên thôn Chiềng. Ông ấy mà không nói phét thì bị ốm ngay”.
Lúc này, cụ bà gọi một thanh niên đến để cho tôi số điện thoại của cụ Lập rồi dặn: “Trước khi đến thì gọi cho ông ấy một tiếng. Phải nói là đến mua mật ong vì ông bán mật, chứ nói đến chơi thì không gặp đâu. Nghe chửa?”.
Tin lời cụ, tôi bắt máy gọi và nói như lời cụ bà khuyên. Phía bên kia cuộc gọi, giọng nói của cụ Lập hào sảng: “Lại nghe mấy bà bên thôn Húng nói hả, sang đây cho mật ong chứ ông không bán”. Thế là một lần nữa tôi được ăn “quả lỡm” của cụ bà.
Gặp cụ Vũ Văn Lập (81 tuổi, trú tại thôn Chiềng, xã Liên Sơn) ngay tại kênh mương sát ruộng thôn Chiềng. Trên tay cầm khúc gậy, đôi chân đi ủng dính bùn. Tôi hỏi: “Thưa, cụ đi làm đồng về ạ?”. Cụ Lập trả lời ngay: “Tôi đi câu cá, một con cá rô dính lưỡi. Nó quẫy ghê quá. Giằng co nhau mà đuôi cá phá nát mất sào mạ. Tôi phải về lấy cái cào năm đinh ra để hạ nó. Nhất định có bữa chiều khao cả làng”. Hỏi ra mới biết, đứa cháu nhỏ cùng cụ đi bắt cá, vô tình dẫm dập mạ non nên cứ cho là lỗi do con cá quẫy mạnh.
Cụ Lập cho biết, người làng Dương Sơn mang tiếng nói phét nhưng không đi lừa đảo, làm việc xấu. Những câu chuyện, sự việc chỉ được nói quá lên mang tính giải trí, nghe rồi mới ngẫm ra là đúng. Cụ Lập ví dụ, trước kia các cụ trong làng thường kể cho con cháu nghe: “Dân Dương Sơn có thể bắt được quan tây, quan tàu - bỏ mũ, xuống ngựa, cúi đầu chào dân - Dân ưng, dân chịu mới cho vào làng”. Thoáng nghe thì ai cũng bảo nói phét, nhưng luận ra thì trước đây cổng làng Dương Sơn nhỏ, thấp nên quan muốn vào làng phải bỏ mũ hoặc xuống ngựa đi bộ mới vào được bên trong.
Hay như câu chuyện phét về việc bán mật ong của cụ Lập được người dân nơi đây truyền tai:
“Ổ ong một ngày thu được vạn can
Ong no bụng quá xếp hàng đùa nhau
Mật vàng như thể vàng thau
Mời nhau một giọt, mười năm sau vẫn thèm
Thư cảm ơn còn nhiều hơn tiền mặt
Cứ mỗi ngày, mấy chục vạn lá thư
Từ Mỹ, Nga, Trung Hoa, Anh, PhápQua Nhật, Hàn, giáp Đại Tây Dương
Mật ngon xuất khẩu bốn phương
Làm giàu chính đáng, cụ Lập ấm no”.
Hỏi ra mới biết, cụ Lập nuôi và bán mật ong, nhiều người trong xã đi xuất khẩu lao động nên có ghé qua mua rồi mang ra nước ngoài. Vậy nên, việc cụ Lập xuất khẩu mật ong cũng “không sai”.
Thời “hoàng kim” của làng cười
Theo cụ Lập, người làm vang danh làng Dương Sơn nói phét là cụ Cả Tam, cụ đã mất cách đây 30 năm. Thuở còn nhỏ, những đứa trẻ chăn trâu như cụ Lập được cụ Cả Tam kể nhiều câu chuyện hài hước mang chất liệu dân ca, thơ vè và tất nhiên đều “phét”, nghe nhiều thành quen, rồi thấm. “Cụ Cả Tam hay ra Hội quán Dương Sơn để kể chuyện phét cho người dân nghe. Dù không có văn bằng chứng chỉ nào công nhận, nhưng cụ được làng phong “nghệ nhân” nói phét hay “trạng bố”, cụ Lập cho biết.
Chuyện của cụ Cả Tam đã thành giai thoại ở Dương Sơn. Một trưa hè, ngồi với mấy người trong thôn, cụ Cả Tam muốn khoe tai mình thính mới kể rằng: “Thời đánh Mỹ, bọn phi công nó ném bom ta nên cho máy bay bay thấp lắm. Có lần tôi đang đi làm đồng, tàu bay Mỹ bay qua đỉnh đầu, tôi còn nghe bọn phi công nó nói chuyện rầm rầm với nhau”.
Rồi cụ khoe tài săn bắn: “Tôi vác cung đi săn. Bắn một phát tên trúng bụng con hươu cái, trúng dái con hươu đực, trúng ức con hươu con. Ba con chết co tròn một đống”. Mới nghe chuyện đã thấy cụ nói khoác, nhưng ngẫm lại cũng có lý bởi con hươu có mang, thai của hươu thường là một đực một cái, nằm giở đầu đuôi và còn trong bụng nên “co tròn một đống” là đúng rồi.
Khi được hỏi về câu dân gian: “Hoà Làng nói phét có ca - Dương Sơn nói phét bằng ba Hoà Làng”, cụ Lập cho biết, từ xa xưa đã có sự so sánh giữa 2 làng nói phét nổi tiếng ở Bắc Giang là Dương Sơn và Hoà Làng. 2 ngôi làng này cách nhau một quả đồi. Người dân làng nào cũng cho rằng người làng mình có tài nói phét giỏi hơn cả. Ấy thế mới có những câu chuyện tranh tài nói phét. Như chuyện người Dương Sơn và Hoà Làng khoe vợ mình da trắng. Người Hòa Làng nói:
- “Da vợ mình thật trắng khủng trắng khiếp, trắng từ chân lên đến cổ. Cô ấy mà xắn quần lên thì thôi, ai muốn gọi là đùi cũng được, ai muốn gọi là khúc sắn bóc vỏ cũng được”.
Người Dương Sơn lại nói:
- “Thế đâu đã trắng bằng vợ tớ. Tớ nhớ, hồi máy bay Mỹ còn đánh phá khắp nơi, hôm ấy vợ mình đi ăn cưới, cô ấy diện chiếc áo pôpơlin Nhật trắng, mới nguyên. Đang đi giữa cánh đồng thì nghe tiếng máy bay, cô ta đang trên đường chạy tới bờ mương để nấp thì những người ở dưới mương đã kêu lên: Cởi ngay cái áo ra, không máy bay nó trông thấy mất. Nghe vậy, cô ấy vừa chạy vừa cởi áo. Nhưng vừa cởi áo xong mọi người ẩn dưới lòng mương lại gào to hơn: Mặc áo vào, mặc ngay áo vào, không nó bắn chết cả đám bây giờ!”.
Trăn trở về một làng cười
Ông Nguyễn Thế Trường (56 tuổi, trưởng thôn Húng, xã Liên Sơn) cho biết: “Hiện nay, làng Dương Sơn có rất ít người có khả năng nói phét theo kiểu thơ ca. Có chăng cũng chỉ là nói quá, nói khoa trương một sự việc ít gây tiếng cười hoặc không thâm thúy. Dù biết nói phét là “đặc sản” của địa phương từ thuở ông cha nhưng nay đã mai một. Nhiều năm nay, chúng tôi rất muốn phục dựng lại để lưu giữ nét văn hóa xưa, tạo thành một sân chơi bổ ích, giáo dục cho con cháu thông qua các hội thi nói phét có ca nhưng gặp nhiều khó khăn.
Theo cụ Vũ Văn Lập: “Người làm nghệ thuật nếu được đào tạo chính chuyên được gọi là nghệ sĩ còn người làm theo năng khiếu gọi là nghệ nhân. Với “bộ môn” nghệ thuật dân gian, cốt yếu vẫn là tự lưu truyền qua các thế hệ thông qua thói quen sinh hoạt, qua cuộc nói chuyện hàng ngày. Và gia đình tôi đang làm điều này ở thói nói phét có ca”.
Ở ngôi làng này, phụ nữ đi tắm không cần đóng cửa, nhà dân không cần đóng. Thậm chí, ngay cả ngân hàng cũng không cần khóa.
Theo Hữu Tuấn (Báo Giao thông)
No comments:
Post a Comment