Buổi chiều oan nghiệt
Không khí tang thương bao trùm xóm Xiểm (xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) trước giờ phút tiễn đưa 4 nạn nhân xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngồi trước di ảnh của các nạn nhân xấu xố, anh Trương Văn Ngợi (39 tuổi, người dân xóm Xiểm) - một trong những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ tai nạn lao động vẫn chưa hết bàng hoàng. Cách đây vài ngày, anh Ngợi cùng 6 người khác trong làng được thuê đào hố, chôn cột kéo cáp viễn thông trên địa bàn xã.
Rất đông người đến chia buồn với gia đình anh Quân. Ảnh: V.Đồng
Chiều 26/6, khi đang cùng nhóm người nói trên dựng cột bên dưới đường điện 35kV, bỗng dưng anh Ngợi nghe thấy tiếng xẹt của dòng điện chạy ngang qua tai, chưa kịp định hình thì 7 người đàn ông to khỏe đang thi công đã bị hất văng ra tứ phía. Anh Ngợi bị hất xuống mương nước gần đó nên may mắn sống sót. Tỉnh dậy, thấy mình mẩy đau nhức, bị cháy xém, lại thấy 4 người trong nhóm bị tử vong, anh Ngợi hoảng hồn chạy về làng cầu cứu mọi người.
Vụ điện giật đã khiến 4 người tử vong gồm: Anh Trương Văn Tuấn (34 tuổi, cán bộ địa chính xã Hạ Sơn), anh Trương Văn Toàn (37 tuổi), Trương Văn Quân (32 tuổi) và anh Bùi Văn Tý (41 tuổi, ngụ cùng địa phương). Ba người khác bị thương nặng, được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trong số 4 người tử vong, anh Tuấn là cán bộ địa chính xã Hạ Sơn và là người trực tiếp thuê nhóm lao động dựng hệ thống cột viễn thông. Các nạn nhân còn lại chỉ là lao động thời vụ, không có hợp đồng lao động. Tại hiện trường, cột điện viễn thông bị đổ nghiêng, nằm ngay dưới đường dây 35kV. Một trong ba dây điện của đường 35kV bị đứt, rơi xuống ruộng mía, gây cháy.
Ông Hoàng Văn Luân - Giám đốc Vietel chi nhánh Nghệ An cho biết, việc kéo đường dây cáp được Công ty hợp đồng với Công ty CP Đông Đông (chi nhánh Nghệ An). Quá trình thi công đối tác đã thuê người địa phương trực tiếp thực hiện. Sau khi vụ việc xảy ra, Công ty đã cử người đến địa phương thăm hỏi, chia buồn và động viên những gia đình có người bị nạn.
Đại tang quê nghèo
Anh Trương Văn Quân - một trong số 4 nạn nhân tử vong có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Năm năm trước, vợ anh bỏ đi biệt tích, một mình anh gồng gánh nuôi hai con thơ cùng người mẹ già. Anh là lao động chính, duy nhất trong gia đình. Chăm chỉ, siêng năng, người đàn ông này luôn cố gắng làm thuê làm mướn khắp nơi, mong muốn xây được căn nhà nhỏ thay thế căn nhà đã xuống cấp, dột nát mỗi khi trời mưa, để cho cả gia đình có chỗ ở kiên cố, an tâm nhữn g ngày mưa bão.
Nhưng, nguyện vọng chưa kịp hoàn thành thì anh đã phải ra đi mãi mãi. Bàn thờ, cùng di ảnh nạn nhân Quân được dựng tạm trên nền đất ngổn ngang cát đá trong ngôi nhà nhỏ đang xây dựng dang dở. Người thân đến phúng viếng, chia buồn không khỏi xót xa khi nhìn thấy cậu con trai đầu mới 13 tuổi đứng chống gậy, khóc nấc nghẹn bên quan tài cha. Ngồi phía dưới, cô con gái út mới 9 tuổi cùng người mẹ già ôm quan tài khóc vật vã.
“Mới hôm qua con còn động viên mẹ và hai đứa con nhỏ rằng cố gắng thêm vài hôm nữa sẽ được lên nhà mới ở. Khuôn mặt con rất vui vì tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời sắp thực hiện được. Vậy mà… nhà chưa kịp xây xong thì con đã bỏ lại mẹ cùng hai đứa con đi rồi. Mẹ ra đường ở cũng được. Mẹ không cần nhà mới, chỉ cần con tiếp tục được sống thôi. Dậy đi Quân ơi, hai đứa con của con còn quá nhỏ dại. Chúng đã sớm chịu thiệt thòi vì không có mẹ bên cạnh rồi. Giờ con đi nốt thì chúng sẽ sống thế nào đây”, bà Bùi Thị Toán (61 tuổi, mẹ anh Quân) khóc nghẹn.
Cách nhà anh Quân chưa đến 200m, người thân và bà con thôn xóm cũng đang tiến hành tổ chức tang lễ cho anh Bùi Văn Tý (41 tuổi). Khuôn mặt ai nấy đều thất thần khi chứng kiến cảnh cô con gái của nạn nhân ngất lịm bên quan tài người cha xấu số.
Số phận anh Tý cũng giống anh Quân khi phải sống cảnh “gà trống nuôi con”. Hai năm trước, vợ anh Tý cũng bỏ chồng con đi biệt tích. Một mình anh vừa làm cha, vừa làm mẹ, gánh vác bao công việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngoài công việc đồng áng, anh còn làm phụ hồ, cuốc đất, bốc vác thuê để kiếm thêm thu nhập. Sự ra đi đột ngột của anh là cú sốc lớn khiến cô con gái ngã quỵ.
“Mẹ đi xa không về, hai anh em cháu chỉ có cha là chỗ dựa duy nhất. Giờ cha cũng bỏ đi thì chúng cháu sẽ ra sao đây?”, cháu Bùi Thủy (16 tuổi, con gái anh Tý) gào khóc.
Nạn nhân thứ 3, cũng là anh em họ hàng với 3 nạn nhân trên trong vụ tai nạn lao động là anh Trương Minh Tuấn. Dù may mắn được ăn học đến nơi đến chốn, ra trường có công ăn việc làm ổn định, là cán bộ địa chính của xã, thế nhưng, đồng lương công chức ba cọc ba đồng của anh nhận được hàng tháng cũng không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Vừa qua có công trình dựng cáp viễn thông trên địa bàn xã, anh Tuấn đã đứng ra xin cho những nạn nhân trên đi làm thời vụ, mong muốn anh em có công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập, đỡ đần cuộc sống. Nhưng rồi, tai họa bất ngờ ập xuống khiến anh cùng 3 người khác mãi mãi ra đi, để lại cho vợ một nách hai đứa con thơ dại. Nhìn vợ anh Tuấn ngất xỉu bên quan tài chồng, cậu con trai mới 11 tuổi đứng chống gậy luôn miệng van xin người cha sống lại mà chẳng ai cầm được nước mắt.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, sau khi tiếp nhận vụ việc, chính quyền huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng xuống hiện trường điều tra, làm rõ vụ việc. Lãnh đạo huyện đã cử người đến cơ sở thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 11 triệu đồng. Mong các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống. |
No comments:
Post a Comment