Đã có nhiều cái lắc đầu ngán ngẩm của phụ huynh lẫn thí sinh. Trong khi đó, một Giáo sư Toán học đã thừa nhận “bó tay” không làm hết đề thi Toán trong 90 phút và một thầy giáo THPT tại Hà Nội cũng “khóc” thương học sinh sau khi tự tay giải đề thi.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được đánh giá là đề thi khó, ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của thí sinh, phụ huynh. Ảnh minh họa: N.H
Giáo viên bật khóc vì đề Toán khó
Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, một kỳ thi khá thành công về khâu tổ chức, bởi thí sinh tham gia kỳ thi “hai trong một” sẽ giảm bớt đi một kỳ thi đại học như trước đây. Tuy nhiên, điều được quan tâm nhiều nhất về kỳ thi năm nay đó là đề thi có gì khác so với các năm trước. Kết thúc mỗi buổi thi, trong khi với nhiều thí sinh vui vẻ vì làm được bài, thì với các thí sinh khác lại khóc nức nở vì đề thi ra khó, thời gian không đủ để hoàn thành…
Không chỉ phụ huynh, thí sinh lo lắng về đề thi ra khó, cơ hội vào trường đại học sẽ phải cạnh tranh gắt gao hơn, ngay bản thân giáo viên cũng “ngán ngẩm” về độ khó năm nay. Bắt tay vào giải đề thi Toán, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), người đã có hơn 10 năm dạy học cũng đã “khóc” vì độ khó của đề thi, thương các học sinh của kỳ thi năm nay. Theo thầy Tùng, trong khoảng 90 phút làm đề thi Toán, thầy “vật vã” làm không xong mã đề 106. Khi làm đến câu 45 theo tuần tự thì hết tròn 90 phút (trong khi đề thi 50 câu, độ khó tăng dần), nhìn các câu còn lại thầy đã khóc.
Thầy Trần Mạnh Tùng tâm sự: “Tôi khóc vì thấy thương các em đã quần quật cả năm trời nhưng đề Toán làm khó các em. Đề dài, nhiều câu như bài tự luận ngày xưa, làm cũng mất 10 phút mới xong. Đề dài thì không tuyển được người giỏi. Đề khó hơn nhiều so với đề minh họa 2018 và đề chính thức 2017. Học sinh nếu mất 45 - 60 phút cho 30 câu đầu thì có là “Tôn Ngộ Không” mới làm được 15 câu tiếp theo trong khoảng hơn 30 phút còn lại. Nếu cứ ra đề thế này, năm học tới, thầy và trò lứa 2001 (dự thi ở kỳ thi năm 2019) sẽ bạc mặt ngay từ đầu năm học... rồi cũng chẳng để làm gì”.
Thậm chí, ngay cả Giáo sư Toán cũng phải “bó tay” với đề thi năm. Cụ thể, chia sẻ với báo chí, Giáo sư Toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi làm đề Toán mã số 119, dù không thể đặt đồng hồ để tính giờ, nhưng ông cho rằng 90 phút không đủ để ông làm hết 50 câu của đề thi. Đồng thời, GS Việt Hưng nhận định, đề thi này khó, nhưng sẽ không phân loại được học trò. Học trò rất vững vàng về kiến thức có lẽ chỉ được chừng 5,5 - 6 điểm Toán.
Đề thi thiếu tính sáng tạo
Không chỉ môn Toán, môn Ngữ văn cũng trở thành tâm điểm với những chi tiết trong đề được xã hội quan tâm. TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét, đề Ngữ văn đã có những đổi mới theo hướng tích cực, nhưng vẫn cần quan tâm nhiều hơn về khả năng triển khai vấn đề của trò trong câu hỏi Đọc hiểu và Nghị luận xã hội, về tính logic trong yêu cầu nghị luận của câu hỏi Nghị luận văn học.
Câu 2 phần Nghị luận văn học yêu cầu so sánh sự đối lập giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu… sự thiếu logic này sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm trong bài làm của học trò.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố barem điểm môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cũng đã bảy tỏ quan điểm lo lắng về các cách chấm có phần chung chung. Cụ thể, câu hỏi Nghị luận xã hội (câu 4, phần Đọc - hiểu) đề bài yêu cầu lý giải nhưng đáp án chỉ ra rằng thí sinh lý giải chỉ cần thuyết phục. Với câu hỏi này, có thể xảy ra tình trạng giám khảo chấm qua loa hoặc người chấm “chùn tay”, không dám chấm điểm tối đa, chỉ cho điểm trung bình. Còn ở phần Nghị luận văn học, đáp án phần kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 0,5 điểm, không tương thích với 20% kiến thức lớp 11 như công bố. Việc đặt ra thang điểm 0,5 cho khả năng sáng tạo cũng rất mơ hồ...
Còn theo đánh giá của các giáo viên THPT của Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi các môn năm nay khó hơn so với năm 2017, các thí sinh năm tới cần “bắt kịp” với xu hướng ra đề này để có kết quả tốt. Tiêu biểu, đối với môn Lịch sử, đề thi có xu hướng không chấp nhận những học sinh chỉ học thuộc lòng sách giáo khoa, bởi đề thi đang chuyển dần sang xu hướng học để hiểu, học sự kiện này cần phải liên hệ với các giai đoạn khác nhau… Học sinh cần học chắc kiến thức về các sự kiện, nắm các điểm chính của mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện bởi dù không cần ghi nhớ các mốc sự kiện nhưng để làm được, học sinh phải có kiến thức căn bản về sự kiện, đặc biệt là các sự kiện, dấu mốc quan trọng.
Tương tự, ở môn Địa lí, đề thi đã nhấn mạnh vào yếu tố thực hành, giảm hẳn ghi nhớ máy móc SGK. Với số lượng câu hỏi thực hành đang ngày càng tăng lên trong đề thi Địa lí cho thấy, học sinh còn cần có kĩ năng thực hành Địa lí, đặc biệt là kĩ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam. Thậm chí, nếu biết cách khai thác tốt, học sinh còn sử dụng được Atlat để trả lời cả những câu hỏi lí thuyết. Đề thi lồng ghép nhiều vấn đề mang tính thời sự như vấn đề du lịch biển đảo, vấn đề Biển Đông, vấn đề việc làm… Từ đề thi, ngoài kiến thức sách giáo khoa mà cần liên hệ, mở rộng kiến thức xã hội và thực tế, rèn kĩ năng làm bài tập.
Chia sẻ về đề thi Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT khẳng định, độ phân hóa đề thi được cân đối 60 - 40 (60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và 40% nâng cao để xét tuyển đại học), nâng cao độ phân hóa của đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và khó hơn so với năm 2017. Bộ sẽ tổ chức đánh giá lại toàn diện kỳ thi để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp hơn, xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, giảm độ “vênh” giữa các mã đề phục vụ tốt hơn cho kỳ thi năm sau. |
No comments:
Post a Comment