Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2018
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ 1/1/2018 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2018 áp dụng từ ngày 1/1/2018 tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng so với năm 2017.
Cụ thể: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV (quy định cũ quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng).
Đối tượng áp dụng: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
Năm tội bỏ án tử hình từ 2018
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, theo đó 11 tội danh tại Bộ luật Hình sự 1999 không còn gồm Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tảo hôn; Đăng ký kết hôn trái pháp luật. Trong đó, tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng được thay thế bằng 9 tội danh mới.
Nhiều tội danh khác bỏ án tử hình gồm Cướp tài sản, Đầu hàng địch, Chống mệnh lệnh, Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Ngoài Luật này, từ tháng 1/2018, nhiều Luật khác cũng có hiệu lực như Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịch.
Phạt người ngồi sau ô tô không thắt dây an toàn
Điều khoản "phạt tiền 100.000-200.000 với người ngồi trên ôtô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy" thuộc Nghị định 46/2016 chính thức có hiệu lực từ 1/1.
Điểm mới của nghị định này so với nghị định 171/2013 trước đó là mọi vị trí đều phải thắt dây an toàn, trong khi quy định cũ chỉ bắt buộc điều này với tài xế và người ngồi cạnh tài xế. Quy định mới được đánh giá là chặt chẽ và cần thiết hơn so với trước đây, buộc người đi xe ôtô hình thành thói quen thắt dây an toàn, ý thức vốn còn thiếu ở Việt Nam.
Việc cài dây an toàn khi lên xe có thể giảm thiểu nguy cơ tử vong với tỉ lệ lên tới 50% cho những người tham gia giao thông ngồi hàng ghế trước và tới 75% cho những người ngồi hàng ghế sau. Chính vì thế, không phải tự nhiên khi tại các nước phát triển, việc cài dây an toàn trên xe là bắt buộc.
Lãi suất ngân hàng tính theo năm
Từ 1-1-2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 1 năm được xác định là 365 ngày. Cho phép tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi.
Tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi trước khi thực hiện giao dịch. Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước năm 2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.
(Thông tư 14/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
No comments:
Post a Comment