Thả cá không đúng cách còn tạo nghiệp
Mấy năm nay nhà chị Lê Thị Hằng (ở Nghi Tàm, Hà Nội) đều dùng cá chép giấy bán kèm bộ áo mão Táo quân để cúng tiễn Táo quân. Chị chia sẻ, mỗi mùa cúng Táo, thấy mọi người nô nức đi thả cá chép đỏ, hôm sau cá chết nổi trắng hồ, đầm… nhìn mà xót.
Thả cá chép phải thả từ từ, nhẹ nhàng, để tránh những va chạm mạnh có thể làm cá chết. Ảnh minh họa
Từ xưa trong dân gian dùng cá chép thật để cúng Táo quân và ngày nay nhiều người có điều kiện vẫn chuộng dùng cá chép đỏ thật làm lễ tạ ông Táo, sau đó thả phóng sinh. Theo đó, người dân mua cá chép sống về thả vào chậu nước sạch, để bên mâm cỗ cúng ông Táo (chứ không bày cá sống vào mâm cúng).
Sau khi cúng Táo quân xong thì mang cá chép ra ao, hồ hoặc sông suối để thả phóng sinh, cho cá hóa rồng đưa các Táo lên thiên đình.
Phóng sinh là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng, nhưng thả cá thế nào để vừa có ý nghĩa, vừa có mục đích tái tạo nguồn lợi và bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng có ý thức.
Rất nhiều người dân đã đổ cả chậu cá, hoặc ném, quăng những con cá xuống nước, mà không cần biết cá rơi xuống nước, hay rơi vào kè bê tông hoặc đứng trên cầu rồi thả rơi tự do xuống lòng sông từ độ cao 5-20m xuống, mà không biết rằng ở độ cao đó nước không hề mềm, mà rất cứng và không cá chép nào có thể sống được.
Thả cá chép sai cách không tỏ được lòng thành kính trọn vẹn, còn gây thêm nghiệp khi làm cá chết hoặc thêm thảm họa cho cá, ví như cá đang sống yên ổn ở ao nhà lại bị bắt sống ở nơi ao lạ, cá sống ở nước ngọt lại đem thả ra vùng nước lợ (nhiễm mặn), cá vùng nước mặn đưa vào nước lợ, cá tung tăng bơi lội ở sông ngòi thì đưa vào ao nhà tù túng… Các hồ trong nội thành, hay sông Tô Lịch, Kim Ngưu (Hà Nội) hoặc kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hủ... (ở Sài Gòn) nước ô nhiễm, sau ngày 23 tháng Chạp thì hôm sau cá ngửa bụng trắng, do cá phóng sinh bé tí, thả xuống môi trường lạ, ô nhiễm thì chả mấy con sống nổi, và phóng sinh hóa thành… sát sinh cá.
Đại đức Thích Đức Thiện - Trụ trì chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cho rằng, nếu phóng sinh đúng nghĩa, công đức rất lớn. Nhưng phóng sinh thực hiện không đúng cách, len lỏi vào đó sự mê tín, hoặc “mua danh phóng sinh” (lấy việc phóng sinh để phô trương, khoe khoang, muốn được nhiều người biết đến) sẽ không có hiệu quả .
Không có quy chuẩn về phóng sinh, nhưng các nhà sư đều cho rằng, phóng sinh là khơi lòng hiếu sinh, thương yêu của con người, cần phát xuất từ lòng từ bi, vì sự sống của cá. Phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, không chạy theo số đông. Tuyệt đối không nên mê tín, hay vụ lợi, đầu cơ công đức.
Các phật tử khi phóng sinh có nghi thức riêng (gồm lễ quy y, sám hối, đọc kinh chú đọc cho cá “nghe” trước khi phóng sinh). Còn người dân cúng Táo quan xong là đem phóng sinh cá. Dù làm cách nào thì đều cần thao tác nhanh gọn trong thời gian ngắn – tính từ khi mua cá về - để tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh.
Nhiều người phải coi ngày giờ tốt xấu, chờ khi có lễ lớn thả cá để mong nhiều phúc đức – đó là mê tín. Phóng sanh là việc làm từ tâm, nên khi thấy cá là tâm phát khởi muốn phóng sinh. Nhưng trước khi thả cá, cần tìm hiểu về môi trường thả cá, kẻo vô tình làm cá chết. Do đó khi phóng sinh cá cần lưu ý là:
Không nên gọi điện thoại đặt mua cá trước, mà ra chợ thấy cá thì mua tùy tâm. Như thế tránh được việc huy động người buôn bán mua nhiều cá để đáp ứng nhu cầu.
Không nên mua cá nhiều lần ở một cá nhân, địa điểm và không có tính chất định kỳ… để tránh cá bị đánh bắt lại.
Cá bị săn bắt ngày nào cũng có, sự nguy cấp như nhau. Tùy khả năng mua và phóng sinh 3 - 5, hay nhiều cá chép hơn, thì số lượng không quan trọng, cũng không phân lượng lớn nhỏ. Công đức phóng sinh không phụ thuộc vào cá to hay nhỏ, nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào tâm rộng mở của người phóng sanh, và phóng sinh cá càng nhanh càng tốt.
Các bước thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời
Theo Đại đức Thích Đức Thiện, phóng sinh cá trước hết phải xuất phát từ lòng từ bi, bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng chính kiến chứ không chạy theo số đông… kẻo việc làm thì tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế.
Khi phóng sinh cần chọn nơi ít người câu cá để tránh lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức. Cũng không nhất thiết thả ở ao hồ gần chùa (nhất là chùa đô thị sẽ làm người tham đánh bắt lại).
Nên tìm hiểu xem môi trường định thả cá có nhiều người câu không? Ao hồ chất lượng nước có ô nhiễm không, nông hay sâu, bề mặt rộng hay hẹp… có thích hợp để cá chép sống lâu không.
Nghi lễ phóng sinh cần nhanh gọn, rồi nhanh chóng đưa cá đi thả, kẻo cá sợ hãi, ngột ngạt, tù túng sẽ bị chết.
Thả cá đúng cách như sau:
- Cần quan sát và chọn mua những con cá chép khỏe mạnh (bơi nhanh, quẫy mạnh, không tróc vẩy) thì mới sống được lâu ở nơi nước lạ.
- Tâm thái khi đi khi đi phóng sinh cá cần vui vẻ, thoải mái, luôn tâm niệm phóng sinh cá là việc thiện lành, phúc đức.
- Thả cá chép phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ, để tránh những va chạm mạnh có thể làm cá chết. Thả cá mang theo sự thành kính chứ không phải làm cho có lệ.
- Không nên cầm cả xô đổ cá. Không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước… vì như thế cá dễ chết. Cũng không nên thả cả túi nilon vì cá sẽ bị chết. Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.
- Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ.
Chọn thời gian thả cá thích hợp: Theo quan niệm dân gian, cá chép nên thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23/12) để Táo quân có đủ thời gian lên chầu trời.
Nhưng nếu không có điều kiện thì cứ thả trong ngày 23 tháng Chạp là được.
Cúng cá chép giấy được không? Việc cúng tiễn Táo quân chầu trời ngày nay người dân có thể dùng cá chép thật hoặc cá chép giấy để cúng đều được. Nhưng vì ở đô thị ao hồ bị san lấp hết, không còn chỗ để thả cá nên giờ người ta dùng cá giấy để cúng xong là thiêu hóa áo mão các Táo – đó một cách giản tiện hóa tập tục cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Theo GS Ngô Đức Thịnh (Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) |
No comments:
Post a Comment