ại khoa Nữ 6, bệnh viện Tâm thần Trung ương I, mặc dù vẫn nhận biết được mọi chuyện xung quanh nhưng bệnh nhân B.T.Th (sinh 1985, sống tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn trong tình trạng không giao tiếp, chống đối không ăn uống, chỉ nằm yên một chỗ. Mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ, ăn uống cũng phải qua đường xông. Theo nhận định của các y, bác sĩ ở đây, bệnh nhân Th. trầm cảm nặng và khá phức tạp.
Tâm sự với chúng tôi bên ngoài hành lang khoa Nữ 6, ông B.D.H. (bố đẻ bệnh nhân Th.) luôn thở dài. Gương mặt của ông rất hiếm khi xuất hiện nụ cười. Suốt 5 năm qua, ông H. đồng hành cùng con gái ngược xuôi các bệnh viện để điều trị căn bệnh trầm cảm.
Cũng theo ông H., sau khi Th. sinh con thứ 2 được khoảng 1 năm thì bắt đầu sống khép mình, không muốn nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả chồng, và thờ ơ cả việc chăm sóc con. Trong một tháng, chị Th. tự giam mình trong phòng không ăn uống, gia đình tìm mọi cách thuyết phục nhưng không thành công.
Ông H. đang chăm con trong viện
Ông H. bảo, Th. không gặp bất cứ chuyện gì khó xử trong cuộc sống, các mối quan hệ trong gia đình cũng hết sức hài hòa… nên không ai hiểu, nguyên nhân dẫn tới các triệu chứng trên của Th..
Sau đó, gia đình ông đã đưa Th. tới viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Sau 2 tháng điều trị, dấu hiệu trầm cảm của Th. thuyên giảm và được xuất viện, về nhà sinh hoạt bình thường. Th. đi chợ, chăm sóc con cái, đưa con đi học…
Thế nhưng, niềm vui đó không tồn tại được bao lâu, sang năm thứ hai căn bệnh trầm cảm của Th. tiến triển nặng hơn rất nhiều.
“Sang năm thứ 2, con gái tôi nằm bất động như người liệt, ăn uống bằng đường xông, vệ sinh cá nhân phải có người phục vụ. Cháu thường phát bệnh vào những tháng đầu năm, những tháng cuối năm sẽ tự khỏi, ngồi dậy và đòi về nhà. Tôi nhớ có lần cháu tự bật dậy và bảo bố viết đơn xin bác sĩ cho về điều trị tại nhà.
Khi điều trị tại bệnh viện, mặc dù không có phản ứng gì với mọi thứ xung quanh nhưng khi chồng, con vào thăm, gương mặt con gái tôi nhìn rất vui”, ông H. kể.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS.BS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Nữ, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hay, bệnh nhân Th. được chẩn đoán trầm cảm sau sinh và đã điều trị được 5 năm.
Trường hợp trầm cảm của bệnh nhân Th. khá phức tạp, thể chống đối, hoàn toàn không ăn, không nói chuyện, đã điều trị qua nhiều nơi.
Chia sẻ về hướng điều trị cho bệnh nhân Th., TS.BS. Tô Thanh Phương cho hay, hướng ban đầu các bác sĩ đã điều trị tấn công cho bệnh nhân. Đồng thời theo dõi bệnh nhân có vấn đề rối loạn nhân cách hay không. Nếu bệnh nhân có rối loạn nhân cách sẽ buộc ông H. là bố đẻ bệnh nhân phải về.
Biểu hiện điển hình của rối loạn nhân cách là bệnh nhân sợ bị bỏ rơi, thích làm nũng, ăn vạ… Nếu bệnh nhân bị trầm cảm kết hợp với rối loạn nhân cách khi điều trị sẽ phải vừa cứng vừa mềm.
Trầm cảm sau sinh ở người phụ nữ chiếm khoảng 0,15% sau sinh người phụ nữ xuất hiện căng thẳng, mất ngủ, bi quan… Triệu chứng này sẽ nặng dần nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Trầm cảm sau sinh có thể dự đoán được, nếu như trong quá khứ đã từng bị trầm cảm sau sinh gia đình cần chuẩn bị tâm lý tốt cho người phụ nữ. Hay những trường hợp mối quan hệ gia đình phức tạp, phụ nữ đơn thân sinh con cần phải quan tâm tới vấn đề trầm cảm sau sinh.
“Một bệnh nhân bị trầm cảm đơn thuần chỉ cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ khỏi được bệnh. Nhưng nếu kèm theo các rối loạn khác thì điều trị sẽ khó khăn và cần sự hợp tác của người nhà bệnh nhân”, bác sĩ Phương cho hay.
No comments:
Post a Comment