Trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trong những cuộc xung đột vũ trang. Ngay khi cả cuộc chiến đi qua, những đứa trẻ vô tội vẫn phải hứng chịu những hậu quả khôn lường như bệnh tật, thương tích, thiếu lương thực hay nguồn nước, không được đi học hay tiếp cận dịch vụ y tế.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa cho biết, năm 2017 là ‘một năm ác mộng’ của trẻ em. Tổ chức này thống kê, chiến tranh ở vùng bắc Nigeria và Cameroon đã khiến ít nhất 135 đứa trẻ phải tử vong do bom mìn, con số này gấp 5 lần so với năm 2016.
Những đứa trẻ bị thương cùng một người phụ nữ đang chờ đợi để được điều trị sau đợt tấn công của quân đội nhà nước Syria ở gần Damascus ngày 20/2.
Một cậu bé đứng trên đống đổ nát, nơi từng là lớp học của cậu ở Saada, Yemen. Tại đất nước này, Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 5.000 đứa trẻ bị chết hoặc bị thương, nhưng cho biết con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Một bé trai đang được cân đo ở một bệnh xá dã chiến để các bác sĩ tiến hành điều trị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cho em tại Kasai, CHDC Congo. Ở đất nước Trung Phi này, UNICEF nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Kasai đã khiến 850.000 trẻ em phải chịu cảnh gia đình ly tán.
Những đứa trẻ người Rohingya cố gắng xin những phần ăn cứu trợ từ một con thuyền đi từ Myanmar đến Shah Porir Dip, Bangladesh. Những người dân tộc thiểu số Rohingya của Myanmar đã bị tấn công và phải rời khỏi quê hương của mình ở Rakhine, bạo lực diễn ra rất căng thẳng giữa chính phủ và những người Rohingya nổi dậy.
Một cậu bé bước qua đống đổ nát ở Aleppo, Syria. Liên Hiệp Quốc cho biết khu vực này vẫn còn rất nhiều bom mìn chưa nổ, có thể phát nổ bất kỳ lúc nào và gây nguy hiểm cho người dân dù cuộc chiến đã trầm lắng.
Một đứa trẻ chỉ mới 18 tháng tuổi nằm ngủ tại một khu tị nạn của người Syria ở ngoại ô Zahle, miền đông Lebanon. Tính đến giữa năm 2017, có khoảng 1,5 triệu người Syria đến Lebanon tị nạn vì xung đột vũ trang nơi quê nhà.
Căng thẳng kéo dài ở vùng Trung Đông và Bắc Phi đẩy hàng triệu trẻ em lâm vào tình trạng nguy kịch. Cuộc nội chiến kéo dài 3 năm ròng ở Yemen làm hơn 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nguy cấp cùng 385.000 trẻ em có nguy cơ tử vong do tình trạng sức khỏe cực kỳ nguy hiểm, cũng như 11 triệu em khác cần sự cứu trợ khẩn cấp.
Cậu bé Mohammed Yasin (8 tuổi) cùng các bạn trong khu nhà tạm dành cho người tị nạn ở Cox’s Bazar, Bangladesh.
Cuộc giao tranh dữ dội ở Ukraine vào đầu năm 2017 đã khiến hơn 17.000 người mà trong đó có đến 2.500 trẻ em phải chịu cảnh màn trời chiếu đất trong cái lạnh âm chục độ. Cô bé Dask (17 tuổi) đang ở trong hầm trú ẩn của gia đình tại làng Hranitne, Ukraine.
Bi kịch hơn cả là những đứa trẻ tại Nam Sudan, nơi có hàng ngàn trẻ em bị các lực lượng vũ trang sử dụng để biến thành những chiến binh nhí. Các em không những không được đến trường, chăm sóc y tế, mà còn phải cầm súng giết người và bỏ mạng trên chiến trường đổ lửa.
Năm 2017, Nam Sudan là quốc gia có tỷ lệ trẻ thất học cao nhất thế giới. Đất nước này có đến 72% trẻ em bỏ học ngay từ bậc tiểu học. Trong hình này cho thấy một cậu bé đứng từ bên ngoài quan sát vào trong lớp học do các tổ chức thế giới dựng nên.
Ở thành phố Mosul của Iraq, nơi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng, nhiều gia đình đã phải di tản để tránh những cơn mưa bom dội xuống bởi các lực lượng quân sự. Ước tính có hơn 220.000 người cùng rất nhiều trẻ em phải rời bỏ nhà của mình mà tị nạn ở nơi khác.
No comments:
Post a Comment