Trong những ngày qua, thông tin Bộ Y tế ra công văn yêu cầu các cơ sở y tế không thực hiện phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ khiến nhiều chị em hoang mang, nhất là những người đã từng được sử dụng phương pháp này.
Trước những thông tin trái chiều, ngày 4/7 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có trả lời chính thức xung quanh vấn đề này. Đồng thời, Thứ trưởng chỉ rõ những trường hợp nào sẽ không được thực hiện gây tê tủy sống khi sinh mổ.
Theo Thứ trưởng Tiến, thực chất công văn này không phải là cấm hoàn toàn việc thực hiện gây tê tủy sống khi sinh mổ. Nó chỉ mang tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở về việc không thực hiện phương pháp này trong một số trường hợp vì dễ xảy ra tai biến.
“Từ lâu, các bệnh viện chuyên khoa sản, bệnh viện tuyến trung ương đã thực hiện rất tốt vấn đề này. Nhưng chúng tôi vẫn phải nhắc nhở, nhất là các bệnh viện tuyến cơ sở cần thực hiện nghiêm túc hơn để tránh những tai biến không đáng có ”, Thứ trưởng Tiến nói.
Thứ trưởng Tiến khẳng định, chỉ cấm gây tê tủy sống trong một số trường hợp nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng khẳng định tinh thần của công văn chỉ rõ chỉ không áp dụng phương pháp gây tê tủy sống khi mổ đẻ cho những trường hợp có nguy cơ dễ xảy ra tai biến như: rau bong non, rau tiền đạo chảy máu nhiều, sản giật, tiền sản giật hoặc những sản phụ bị rối loạn nặng các cơ quan chức năng trong cơ thể.
“Nếu sản phụ có vấn đề trên phải gây mê toàn thân cho sản phụ để đảm bảo an toàn. Còn đại đa số các trường hợp khác mà tình trạng của mẹ bình thường thì vẫn gây tê tủy sống cho mổ lấy thai.
Hiện nay, không phải chỉ riêng Việt Nam, hầu hết các nước trên thế chủ yếu dùng phương pháp gây tê tủy sống với tỷ lệ trên 95%, những trường hợp đặc biệt đã kể trên không thực hiện gây tê tủy sống chỉ chiếm 5%.
Nếu những trường hợp đó mà vẫn cố áp dụng gây tê tủy sống thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con như gây chảy máu, tụt huyết áp nặng, thậm chí ngừng tuần hoàn, ngừng tim… Nếu chủ quan thì sẽ phải trả giá rất đắt: người mẹ có thể tử vong", GS Tiến phân tích.
Nếu cố gây mê tủy sống khi mổ đẻ với những trường hợp chống chỉ định sẽ rất nguy hiểm.
Đối với những trường hợp có các triệu chứng như đã nêu trên, nhưng lại có một số vấn đề chống chỉ định với gây mê toàn thân như ăn no,... thì bác sĩ phải thực hiện đúng nguyên tắc làm sạch dạ dày rồi gây mê đối với trường hợp khẩn cấp.
Trong trường hợp không phải mổ cấp cứu có thể cho sản phụ đợi sau 6 tiếng thì tiến hành gây mê toàn thân và mổ đẻ. Tuyệt đối không thể cố chỉ định gây tê tủy sống để mổ lấy thai. Như vậy là rất nguy hiểm với người bệnh. Đó chính là lý do Bộ Y tế phải đưa ra văn bản để nhắc nhớ các cơ sở y tế.
No comments:
Post a Comment