Bệnh nặng thêm chỉ vì mẹ chủ quan
Cháu Long Nông Minh Nhật (6 tháng tuổi, ở Trùng Khánh, Cao Bằng) khi sinh ra là một đứa trẻ bình thường. Thậm chí trong những tháng đầu đời, cháu Minh Nhật ăn ngủ rất tốt.
Tuy nhiên, từ khoảng tháng thứ 4 trở đi, cháu Nhật Minh bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạ trên cơ thể. Đó là môi và đầu ngón tay có dấu hiệu bị tím. Theo lời kể của mẹ cháu Nhật Minh thì khi bú hoặc khóc những biểu hiện tím tái càng xuất hiện nhiều hơn.
Chị Thu Phượng (mẹ cháu Nhật Minh) cho biết, do thấy con ăn ngủ, tăng cân tốt nên thời gian đầu gia đình không quan tâm và nghĩ đó là sinh lý thông thường.
Chị Phượng suýt mất con vì căn bệnh hiếm gặp biểu hiện qua vết tím ở môi.
“Phải nói là thời gian đầu gia đình tôi rất chủ quan, vì nghĩ rằng một đứa trẻ ăn được, ngủ được, tăng cân đều thì làm sao mà có vấn đề về sức khỏe.
Nhưng càng ngày, tình trạng con càng xấu đi, lúc đó gia đình tôi cũng chỉ nghĩ con bị ốm thông thường do thời tiết lạnh. Không ngờ khi đưa đến bệnh viện các bác sĩ khẳng định con tôi mắc bệnh tim bẩm sinh và cần phải phẫu thuật ngay, nếu không sẽ tử vong bất cứ lúc nào.
Khi nghe bác sĩ nói vậy tôi rụng rời chân tay, đầu óc không nghĩ được gì nữa chỉ biết ôm con khóc. Sau đó cháu được đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cũng kết luận cháu mắc bệnh tim bẩm sinh”, chị Phượng kể lại.
Giành lại sự sống từ tay “tử thần”
Th.s Cao Việt Tùng (Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, cháu Nhật Minh được chẩn đoán mắc tứ chứng Fallot.
Đây là trường hợp bệnh nhi có cùng lúc 4 dị tật (thông liên thất, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất, thất phải dày, đường ra thất phải hẹp).
Ngay sau khi thăm khám và hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định mổ phẫu thuật để vá lỗ thông liên thất, tạo hình đường ra thất phải cho rộng.
Th.s Cao Việt Tùng - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tuy nhiên, diễn biến 24 giờ sau mổ xấu đi nhanh chóng mặc dù các tổn thương đã được sửa chữa rất tốt. Các tạng trong cơ thể của bệnh nhân bắt đầu suy chức năng nghiêm trọng: mạch và huyết áp không ổn định, thận suy, gan suy, rối loạn đông máu.
Trước những diễn biến bất thường của bệnh nhi, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm thực quản ngay tại giường hồi sức cho cháu và phát hiện ra một lỗ thông liên thất phần cơ rất lớn ở mỏm tim gây nguy kịch cho tính mạng.
Bác sĩ Tùng đang thăm và hỏi bệnh cháu Nhật Minh.
Ca can thiệp đã được thực hiện thành công, tuy nhiên các bác sĩ vẫn phải vật lộn hồi sức các cơ quan bị suy để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.
Sau 12 ngày điều trị tại khoa hồi sức cháu đã được rút máy thở và sau khoảng 1 tháng điều trị, cháu đã được xuất viện về với gia đình.
Nhớ lại giây phút con trai phải đối mặt với tử thần, chị Phượng cho biết: “Thời gian đó đã có lúc bác sĩ nói gia đình cần phải chuẩn bị tinh thần con có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Lúc con được các bác sĩ quyết định chuyển xuống phòng can thiệp tim mạch để can thiệp tim một lần nữa tôi đã khóc rất nhiều. Tôi lo sợ con có thể mất ngay trong ca mổ do thể trạng có lúc đó rất yếu. Từ khi con nhập viện không ai dám về nhà.
Cả ngày đứng ngồi không yên trông đợi kết quả tốt đẹp để con có thể tỉnh dậy lại cười nói bi bô cả ngày như trước”, chị Phượng nói.
Tứ chứng Fallot là bệnh hiếm gặp gây ra bởi sự kết hợp của bốn khuyết tật tim lúc mới sinh. Những khiếm khuyết bẩm sinh làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, gây ra máu nghèo ôxy trong tim vào phần còn lại của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ em với tứ chứng Fallot thường có da màu xanh tím vì không mang đủ oxy. Tứ chứng Fallot thường được chẩn đoán trong giai đoạn phôi thai hoặc ngay sau đó. Tuy nhiên, tứ chứng Fallot có thể không được phát hiện cho đến khi sau này, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của khuyết tật và các triệu chứng. Với phát hiện sớm bệnh và điều trị thích hợp, hầu hết trẻ em với tứ chứng Fallot sống cuộc sống tương đối bình thường, mặc dù cần thường xuyên chăm sóc y tế và có thể có các hạn chế về thể lực. |
No comments:
Post a Comment