Nền công nghiệp "thời trang nhanh" dần chiếm lĩnh tư duy của mọi người, nếu muốn Haute Couture tồn tại, hiệp hội thời trang Pháp phải thay đổi những quy tắc và luật chơi của mình.
Các show diễn Haute Couture thường diễn ra âm thầm, không phô trương. Nếu những tuần lễ thời trang khác mang đến 20 buổi trình diễn trong một ngày, thì Haute Couture thường phải theo sự phân bổ không cố định bởi đây là khoảnh khắc tôn vinh những giá trị nghệ thuật lâu đời nên các nhà mốt cao cấp sẽ phải tuân thủ theo quy định chung của ngành thời trang.
Những bộ sưu tập như một lời khẳng định về sự chống lại nền công nghiệp thời trang "mì ăn liền" hiện nay. Haute Couture không phải là xu hướng cố định mà chúng chính là cả bầu trời nghệ thuật được "vun trồng" từ những nghệ nhân lành nghề.
Họ kết hợp giữa tư suy sáng tạo và trí tưởng tượng để mang đến những tác phẩm huyền thoại. Đôi khi chúng không thể định giá bằng vật chất. Theo thống kê từ nhiều tạp chí lớn, ước tính năm 2016 chỉ có khoảng 4.000 khách hàng đủ tài chính để sở hữu những thiết kế trong bộ sưu tập thời trang cao cấp. Vậy liệu trong thời đại ngày nay, nghệ thuật Haute Couture vẫn có thể đứng vững và tồn tại hay sẽ trở thành một phần ký ức trong tiềm thức của mỗi người?
Lịch sử Haute Couture
Nhà thiết kế Christian Dior và những tác phẩm nghệ thuật để đời mang tên Haute Couture.
Vậy cụm từ Haute Couture là gì và có ý nghĩa như thế nào đối với ngành thời trang? Từ "Haute" trong tiếng Pháp có nghĩa là sự xa xỉ, sang trọng còn "Couture" tương đương với từ "dressmaking" trong tiếng Anh ý chỉ công việc may đo, thiết kế nên một sản phẩm thời trang. Do đó, "Haute Couture" có thể hiểu là thời trang cao cấp.
Những bộ sưu tập này thường được thiết kế cho đối tượng khách hàng cụ thể. Chất liệu tạo nên trang phục là những loại vải đắt tiền được làm bằng tay với thủ công tinh xảo từ những người thợ lành nghề.
Mỗi sản phẩm sẽ được may đo chuẩn xác theo kích thước của người mặc để mang đến sự hoàn hảo khi khoác lên người. Do đó, các tác phẩm này thường không có mức giá cố định như dòng thời trang ready-to-wear. Chính điều đó đã giúp nghệ thuật Haute Couture trở thành biểu tượng của sự xa hoa, đẳng cấp trong ngành công nghiệp thời trang.
Haute Couture được khởi xướng vào cuối thế kỷ 18. Những trang phục xa hoa, cầu kỳ của hoàng hậu Marie Antoinette chính là minh chứng rõ nét nhất cho dòng thời trang cao cấp. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 19 người ta mới bắt đầu dùng cụm từ này để chỉ các sản phẩm của NTK Charles Frederick Worth (1826-1895). Ông được xem như cha đẻ của dòng Haute Couture và là người quyết định phong cách của Paris. Mặc dù sinh ra tại Anh nhưng Charles lại ghi dấu ấn trong ngành thời trang nước Pháp dưới thời Napoleon III.
Các quy tắc được đưa ra vào năm 1945, một hãng thời trang cao cấp phải sáng tạo ra các thiết kế dành cho khách hàng cá nhân và mỗi mùa có ít nhất 35 mẫu trình diễn trên sàn runway cùng đội ngũ hơn 20 nhân viên.
Những quy định nghiêm ngặt này đã khiến số lượng nhà thiết kế dòng Haute Couture giảm từ 106 vào năm 1946 xuống còn 20 người như ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào giúp những thương hiệu danh giá dễ dàng khẳng định uy tín và tài năng bậc thầy trong làng mốt thế giới.
Những thách thức mới cho chuẩn mực Haute Couture
Show diễn Haute Couture của nhà mốt Maison Margiela 2013.
Mặc dù những quy tắc về dòng thời trang cao cấp đã ra đời gần một thế kỷ nhưng vẫn còn vài nhà mốt như Maison Margiela thử thách với việc phá bỏ quy chuẩn cũ kỹ để hòa nhập vào xã hội hiện đại. Dù đã gia nhập vào nền nghệ thuật Haute Couture nhưng thương hiệu lại nhận định, "văn hoá cắt may thủ công vẫn không làm ông cảm thấy thích thú mỗi khi nhắc đến, những chất liệu vải hiếm và kỹ thuật tạo dưng phom dáng khác lạ mới chính là hướng đi quan trọng của Margiela".
Ngày xưa, các nhà mốt cũng từng có những cuộc hội thảo về chuẩn mực Haute Couture và làm như thế nào để vừa thỏa mãn yêu cầu khách hàng, nhưng vẫn phải cân bằng được cá tính riêng của mỗi thương hiệu. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là bài toán cần được giải đáp, nhưng với thị trường ngày nay thì thật sự khó khăn để tìm ra hướng giải quyết, cũng như thách thức ngày càng nhiều.
Các nhà thiết kế như Mary Katratzou, Sarah Burton và Haider Ackermann đều hiểu rằng bản thân phải thay đổi và "chạy đua" theo những tiêu chuẩn của xã hội, cũng như biết đâu là hướng đi mới cho thương hiệu của mình nhưng vẫn đúng quy chuẩn về nghệ thuật Haute Couture.
Sự lên ngôi của nền công nghiệp 'thời trang nhanh'
Dior cũng chạy theo xu hướng thời trang hiện đại trong bộ sưu tập Haute Couture 2016.
Không nhà mốt nào lại thử nghiệm một mẫu thiết kế ready-to-wear mùa mới trong tuần lễ Haute Couture. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, làng thời trang thế giới đã trở nên "dễ thở" hơn rất nhiều sau sự ra đi của NTK Raf Simons vào năm 2016 do không chạy theo kịp vòng quay liên tục của thời trang cao cấp.
Các thương hiệu như Burberry và Tom Ford đang cân nhắc lại tầm quan trọng của mỗi mùa mốt trong năm. Đó cũng chính là lý do nền công nghiệp thời trang "mì ăn liền" dễ dàng phát triển khi không chịu bất cứ sự chi phối nào từ những quy chuẩn nghiêm ngặt.
Balenciaga cũng đang bứt phá những chuẩn mực cũ để vươn lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, việc này chỉ đúng một phần khi giá thành cũng chính là yếu tố quyết định sự phát triển mạnh mẽ trong xã hội ngày nay. Nếu như bạn phải chờ rất lâu để sở hữu một mẫu trang phục trong bộ sưu tập Haute Couture với giá đắt đỏ thì trong ngành công nghiệp "thời trang nhanh" chỉ cần vài tuần là họ sẽ sản xuất các sản phẩm chạy theo xu hướng cùng mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng "tiền nào của đấy", nên việc đụng hàng với hàng loạt tín đồ khác là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra. Còn nếu chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để sở hữu một tác phẩm Haute Couture với thiết kế độc đáo từ phom dáng cho đến chất liệu thì bạn chính là một người trân trọng những giá trị nghệ thuật trong thời trang.
Tương lai nào cho nghệ thuật Haute Couture?
Show diễn Haute Couture 2016 của thương hiệu Viktor & Rolf.
Hiện rất ít ai có thể bỏ số tiền lớn để mua trang phục Couture và đối với những thương hiệu thời trang lâu năm thì việc trình diễn bộ sưu tập như cách để mọi người nhìn nhận về tài năng của mình, đơn cử như thương hiệu Viktor & Rolf tung ra các thiết kế độc đáo, đề cao tinh thần nghệ thuật và cuộc sống trong mỗi mùa mốt. Tuy nhiên, nếu như trong tương lai giới mộ điệu ngừng việc tìm hiểu và nhìn nhận về Haute Couture thì những điều tuyệt diệu này sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Nhưng muốn điều đó không xảy ra và thời trang cao cấp vẫn tồn tại trong thế kỷ 21, Couture phải học cách thay đổi để phù hợp với thời cuộc, tiếp cận gần hơn với các tín đồ thời trang hiện đại như Vetements từng làm trước đây.
Thương hiệu chính thức được chứng nhận là nhà mốt Couture trong hai mùa qua. Chính những bứt phá về định nghĩa truyền thống của nghệ thuật thời trang cao cấp đã khiến hiệp hội chấp nhận và nới lỏng các quy tắc cứng nhắc của mình.
Giám đốc sáng tạo Gvasalia chia sẻ: "Tôi thực sự ấn tượng với cách mà hiệp hội đánh giá lại định nghĩa: Couture hiện nay là gì?".
Rõ ràng một chiếc áo khoác hay mẫu váy thực hiện bằng phương pháp 3D bất chấp quy chuẩn vẫn có thể trở thành thời trang cao cấp. Tư duy thay đổi từng ngày sẽ giúp Haute Couture đứng vững và tồn tại song song với ngành công nghiệp Fast Fashion. Nghệ thuật chân chính sẽ luôn trường tồn theo thời gian.
Thiên Minh
Theo Zing
No comments:
Post a Comment