Rượu bia phá hoại sức khỏe
Mặt đỏ - Tín hiệu báo nên dừng
Theo bác sĩ Cấp, rượu chứa chất ethanol, khi vào cơ thể ethanol sẽ khiến hoạt chất acetaldehyde tăng cao và tích tụ trong máu. Trong các hoạt chất chuyển hóa của rượu thì acetaldehyde độc hại nhất vì có khả năng gây đột biến ADN và gây ung thư, đặc biệt là ung thư thực quản.
Khi hoạt chất acetaldehyde tích tụ trong máu sẽ gây nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa và tim đập nhanh ở một số người. Ngoài ra, acetaldehyde cũng là thủ phạm gây ra những cơn nhức đầu sau mỗi trận “chè chén”.
Cũng theo bác sĩ Cấp, mỗi người đều có mức độ phản ứng đối với nồng độ cồn trong máu khác nhau. Nồng độ cồn cao cũng sẽ làm mao mạch giãn trên toàn cơ thể, khi đó đối với người có ngưỡng đáp ứng thấp, những nơi tập trung mao mạch dễ thấy như mắt và các vùng da mỏng như mặt, cổ, lưng, mắt… dễ bị đỏ lên.
Các mao mạch ở mắt hiện rõ màu đỏ. Việc giãn mao mạch này cũng là một tín hiệu để người uống bia rượu biết dừng đúng lúc.
Ngoài ra, trong rượu bia bình thường có chứa ethanol, có thể gây độc hại nếu sử dụng nhiều. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.
Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Ngộ độc nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp,…
Ngoài ra, trường hợp nạn nhân uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa cồn công nghiệp gây độc cho cơ thể dẫn đến ngộ độc rượu. Hậu quả có thể dẫn đến những rối loạn về thị giác như nhìn thấy mờ, nhìn một vật thành hai, hoặc không nhìn thấy, nặng hơn nạn nhân bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến tử vong.
BS Nguyễn Trung Cấp lý giải vì sao uống rượu bia lại đỏ mặt
Từng ngày từng giờ phá hoại sức khỏe
Theo các chuyên gia, rượu bia không chỉ có tác động lớn tới kinh tế, mà còn là nguyên nhân của hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông mỗi năm. Lạm dụng rượu bia đang từng ngày, từng giờ tàn phá, hủy hoại sức khỏe của hàng triệu người dân Việt Nam.
Ông Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương cũng cho biết, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân chính của những vụ bạo lực gia đình, tội phạm xã hội.
Theo thống kê, 68% số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu bia; 38% số vụ gây rối trật tự tai nạn an toàn xã hội có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia...
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, sử dụng rượu bia ở mức có hại là nguy cơ gây tử vong thứ 3 trên toàn thế giới, là yếu tố nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở nam giới trong độ tuổi từ 15-59. Ngoài ra, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,3% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.
Tình trạng nghiện rượu bia ngày càng tăng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, phát sinh các tệ nạn xã hội, làm giảm sút kết quả lao động, học tập, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và nòi giống.
Các rối loạn tâm thần do rượu thường là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ, cảm xúc không ổn định, rối loạn ý thức. Chi phí điều trị cho người nghiện rượu một ngày từ 500.000 đến 1 triệu, ngoài điều trị các rối loạn tâm thần như: Hoang tưởng, ảo giác, rối loạn nhận thức, rối loạn hành vi còn phải điều trị nhiều bệnh lý cơ thể kèm theo như gan mật, tim mạch, dạ dày, viêm đa dây thần kinh chưa kể vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc.
Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cảnh báo, lạm dụng rượu và nghiện rượu ngày càng tăng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, phát sinh các tệ nạn xã hội, làm giảm sút kết quả lao động, học tập, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và nòi giống.
Bác sĩ Lý Trần Tình chia sẻ: “Rượu khiến những nụ cười trong công việc, giao tiếp, quan hệ đời sống hằng ngày hiếm hoi nhưng lại rền vang ở bất cứ quán nhậu nào. Thậm chí, những đứa con không có sữa để uống nhưng bố chúng vẫn có rượu, bia. Mâm cơm gia đình có thể thiếu thịt, cá nhưng chén rượu vẫn luôn bốc mùi cồn”.
Để góp phần ngăn chặn hậu quả khôn lường của việc lạm dụng rượu bia, theo nhiều chuyên gia y tế, điều quan trọng nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng, giúp họ nhận thức được mức độ nguy hại.
No comments:
Post a Comment