Khi được hỏi về "quyết định lạ đời", họ đều có chung triết lý không thể đơn giản hơn: "Đợi đến chết mới có thể chia sẻ thì... lâu lắm. Chuyện bình thường mà, cho đi là để nhận lại, có gì đặc biệt đâu!".
“Với tôi, cho quả thận như đưa bát gạo cho người nghèo. Cứ nghĩ bình thường, đơn giản đi”, bà Lê Thị Thảo.
Đợi đến chết mới hiến thì lâu quá
Chiều cuối năm Bính Thân, chúng tôi tìm về thị trấn Thứa, Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tìm gặp mẹ con bà Lê Thị Thảo (SN 1961), cùng con gái là chị Bùi Thị Hòa (SN 1986), những người chúng tôi coi là “đặc biệt”, vì đã hiến tặng một quả thận của mình cho người dưng.
Căn nhà nằm bình yên ở ngõ nhỏ phố huyện, xây đã khá lâu nhưng tường gạch vẫn chưa trát xi-măng, quét vôi. Mảnh sân nhỏ trước nhà được tận dụng trồng cây cảnh, xanh mướt. Bà Thảo say sưa tưới cây, tỉa lá, thuần thục như một người làm vườn. “Sắp Tết rồi, cũng phải tỉa sớm, cây ra lộc, năm mới sẽ an lành...”, bà Thảo dừng tay vui vẻ chào chúng tôi.
Thoạt nhìn, người phụ nữ ngoại ngũ tuần này trông đậm chất nông dân với mái tóc ngắn, nụ cười tươi thân thiện, gương mặt đã điểm nếp nhăn tuổi tác, luôn tất tả vội vàng. Nhưng câu chuyện với chúng tôi chiều cuối năm lại cho một cảm nhận khác về người đối diện - Đó là một phụ nữ lanh lợi, có phần nam tính.
Bà Thảo không đếm nổi số lần chuyển “nghề” mà mình đã trải qua. Đi bộ đội, sau khi xuất ngũ ra làm hàng cơm phở, bán cà phê, nấu cơm thuê, giúp việc, chạy chợ, thậm chí cả… lơ xe rồi ... "chỉ trỏ" buôn bán đất cát. “Thăng lắm trầm nhiều, tôi cũng đôi lần vỡ nợ rồi đấy! Giờ vẫn nợ”, bà Thảo kể về biến cố cuộc đời mình như thể nói về cuộc đời ai khác, an nhiên, không vướng bận.
Năm 2012, khi cuộc đời ở điểm trầm luân nhất, người phụ nữ này vô tình đến với cửa Phật. “Phật pháp đã thay đổi suy nghĩ, cuộc đời của tôi, đưa duyên đến việc tôi tình nguyện hiến thận. Dù rằng, Phật không dạy dòng nào về việc hiến tạng”, bà Thảo nói. Các buổi giảng ở chùa gần nhà, bà được nghe về sự sẻ chia trong cuộc sống, bà cứ thấm dần, thấm dần.
“Trước đây, tôi chỉ biết chết đi có thể hiến giác mạc. Tôi đăng ký hiến giác mạc rồi đấy! Nghe giảng về hiến tạng xong mới hiểu ra. À, lúc sống cũng cho đi được khối thứ đấy chứ! Đợi đến chết mới có thể chia sẻ thì... lâu lắm. Thế là tôi đăng ký hiến thận, với điều kiện hiến cho người nghèo”, bà Thảo vô tư kể lại “tác ý” đầu tiên đưa bà đến với duyên hiến tạng.
Đang rổn rảng câu chuyện, bỗng giọng người phụ nữ đó chùng xuống: “Tôi luôn có tâm ý, hiến thận là để hồi hướng công đức cha mẹ. Bởi lúc còn trẻ, tôi hay cãi cha mẹ. Khi cha mẹ không còn mới thấy tiếc nuối. Ân hận thì không làm được gì nữa rồi... ”.
Cũng giống không ít người, bà Thảo cứ nghĩ: Khi mình đã tự nguyện thì mọi chuyện rất… đơn giản, cứ ra viện, bác sĩ “cắt cái là xong”. Nhưng mọi việc không thể đơn giản như vậy. Có rất nhiều yêu cầu về chỉ số, tiêu chuẩn được các bác sỹ đưa ra, bà lại về căn nhà nhỏ, tiếp tục chờ đợi.“Chờ lâu quá, không thấy Trung tâm (Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) gọi, tôi sốt ruột gọi điện cho các anh ở bên đó, chỉ sợ họ quên hoặc… mình không đủ điều kiện hiến thôi!”, bà Thảo thật thà kể. Mỗi lần trở về nhà sau khi kiểm tra sức khỏe lại là những ngày chờ đợi. Có lần Trung tâm gọi về bảo kết quả kiểm tra cho thấy bà hơi thiếu máu, đề nghị bà... tẩy giun. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến tẩy giun. Lại có lần các anh ấy bảo mỡ máu có vấn đề dù tôi ăn chay trường nhiều năm, có lẽ là vấn đề sinh lý phụ nữ tuổi trung niên”, bà Thảo kể.
Tôi hỏi, sao bà lại “háo hức” đến thế? - “Tính tôi là thế, đã làm gì thì làm cho xong, gọn gàng, trọn vẹn không thích dây dưa để lâu...”, bà trả lời chắc nịch. Tôi chưa gặp người phụ nữ nông thôn nào "giỏi giấu" một việc lớn như thế. Năm lần bảy lượt, bà viện đủ lý do giấu chồng con, thậm chí giấu cả các Phật tử thân thiết ở chùa, một mình khăn gói lên Hà Nội để làm các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, mỗi lần mất dăm ba ngày. Người duy nhất biết chuyện là sư thầy ở chùa, nhưng cũng phải đợi đến lúc trước khi lên Trung tâm mổ ghép tạng một ngày, bà Thảo mới nói với thầy.
"Chưa chồng mà đi hiến thận thì cũng có sao..."!
“Việc tốt, tử tế gần gũi lắm, không cao xa gì”, chị Bùi Thị Hòa.
Gần một năm kể từ ngày đăng ký hiến đến cận Tết năm 2015, các cuộc kiểm tra hoàn tất, bác sỹ báo tin bà đạt yêu cầu để hiến tạng. Một ngày trước mổ, bất đắc dĩ bà phải cho người con gái thứ hai (chị Hòa) biết chuyện để có chữ ký đại diện gia đình vào biên bản trước khi phẫu thuật. Thời gian ngắn sau mổ, bà hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Sau khi hiến thận 12 ngày, bà đã lên chùa làm công quả, mang theo 300 bông sen dâng lên Phật. Sau đó một tháng, bà lại “cày” trả nợ, vẫn đủ sức khỏe để bê bao đất 40 - 50kg để trồng cây...
Nhưng có lẽ bà Thảo không ngờ ngay trong đêm chăm sóc mẹ hậu phẫu ở Bệnh viện Việt Đức, chị Hòa, người con gái thứ của bà đã cảm động, thấu hiểu, rồi quyết định giống như mẹ là tình nguyện hiến sống một quả thận cho người dưng.
“Khi tôi hỏi, mẹ chỉ bảo tôi suy nghĩ cho kỹ rồi quyết định. Dù thế nào mẹ cũng trợ duyên”, chị Hòa nhớ lại.
Nhờ có kinh nghiệm từ “công cuộc” kiểm tra sức khỏe của mẹ, chị Hòa hồ hởi khoe số lần chị phải chạy đi chạy lại làm kiểm tra, xét nghiệm ít hơn và chủ động hơn. Có lẽ vì làm việc thiện, nên chị cũng được nhiều người khác hoan hỉ trợ duyên. Nhưng tâm lý sốt ruột, mong đợi kết quả hoàn tất của hai mẹ con dường như giống nhau. “Đăng ký xong, chờ tới hơn một tháng chưa thấy tín hiệu từ Trung tâm, tôi lại gọi điện. Bên Trung tâm động viên bình tĩnh. Lúc đó, tôi đã xác định mình sẽ chủ động trong mọi vấn đề, kể cả chi phí kiểm tra. Thậm chí, tôi còn nghỉ hết mọi việc, khi nào hiến thận xong thì đi làm lại cũng chưa muộn”, chị Hòa kể.
Bà Thảo và chị Hòa thường xuyên giúp đỡ nhà chùa. Ảnh trong bài: VÕ THU
Mãi cận Tết Đinh Dậu 2017, gần 9 tháng sau khi mổ hiến thận (chị Hòa mổ vào tháng 3/2016), cô gái trẻ chưa lập gia đình này mới biết vì sao Trung tâm lại lần lữa. “Hóa ra vì các chú muốn tôi suy nghĩ thật kỹ, chưa chồng mà đi hiến thận sống thì có ảnh hưởng hay không. Có gì đâu nhỉ! Tôi phải nghĩ thật kỹ mới đặt bút đăng ký mà! Sự sống là cho đi chứ đâu chỉ nhận riêng mình”, chị Hòa bộc bạch.
Trên đường từ nhà ra chùa Đào Xuyên (xã Trung Chính, huyện Lương Tài), chị Hòa bật mí với tôi thêm một chữ “Duyên” còn mà hai mẹ con chị có được từ việc mổ hiến thận. “Em và mẹ cùng nằm một phòng bệnh, cũng trên chính giường bệnh sau khi phẫu thuật. Đó là nơi em phát sinh tác ý muốn hiến thận một năm trước đó, chị Hòa thủ thỉ.
"Bạn gái "bảo tào lao" khi biết tôi tình nguyện hiến tạng..."
Trần Nguyễn An Khương.
Bà Thảo có lẽ cũng không ngờ việc làm của mình lại truyền thêm cảm hứng hiến tạng sống cho một nam thanh niên trẻ tuổi, xa lạ, sống ở một nơi rất xa xứ Kinh Bắc. Đó là Trần Nguyễn An Khương (SN 1988), ở huyện Bình Thới, đất mũi Cà Mau. Sau hành trình dài hơn 2.000km ra Hà Nội đăng ký hiến tạng sống (vào tháng 5/2016), Khương trở về TP HCM, làm nghề phục vụ khách sạn, một công việc hoàn toàn khác với trước chuyến hành trình xuyên Việt vận động hiến tạng.
“Nhiều người chia sẻ với tôi về việc hiến sống có ảnh hưởng sức khỏe. Tình cờ tôi đọc báo, biết đến trường hợp của bà Thảo ở Bắc Ninh, 54 tuổi vẫn hiến tạng, hiến tạng xong vẫn “khỏe như vâm”, nên tôi nhất định đăng ký hiến sống, ngoài ra tôi cũng đã đăng ký hiến đa tạng sau khi chết não”, Khương nhớ lại.
Khương cho biết, đến giờ vẫn chưa có kết quả nên anh tiếp tục chờ đợi. Thỉnh thoảng, anh lại gọi điện cho Trung tâm hỏi thăm tình hình rồi tự lý giải, có khi các cô chú lo cho sức khỏe của mình. “Chị trông tôi nhỏ con thế này thôi, nhưng khỏe mạnh lắm đấy!”, chàng trai trẻ, thường ngày ít nói, rụt rè, bỗng hóm hỉnh.
“Có khi cũng tại chưa tới “duyên”?”, tôi hỏi Khương. Anh gật đầu, cho đó là “duyên từ kiếp trước mới nhận tạng của nhau kiếp này”.
Dòng chữ đặc biệt xăm trên tay An Khương. Ảnh: VÕ THU
Trên đường di chuyển hơn 2.000km từ Cà Mau ra Thủ đô, Khương kể, anh nhận không ít ánh mắt dò xét, hiếu lạ của người bên đường, cũng bởi tấm băng rôn in dòng chữ “Cho đi là còn mãi” anh treo trên xe đạp, cùng rất nhiều thông tin về hiến tạng anh tự mày mò, thu thập. Trên facebook cá nhân, anh thỉnh thoảng đăng tải những hình ảnh nơi anh đã đi qua.
“Có người bình luận, tôi khùng, tào lao, làm việc không đâu. Bạn gái cũ cũng bảo vậy khi tôi thông báo ý định. Có khi cũng nản, muốn vứt xe đạp lên xe khách rồi “về quê cho lành!". Nhưng cũng có những lời động viên kịp thời lắm. Quan trọng nhất là mình bình tâm lại và nhớ tới mục tiêu ban đầu. Vậy là chặng đường cũng trọn vẹn, suôn sẻ, ngoại trừ vài lần xe đạp tự nhiên tuột xích mà thôi!”, Khương hóm hỉnh.
Những lời oan Nghiệt và triết lý sống của người “tốt lạ”
Ảnh từ facebook nhân vật
Sau khi hiến thận ở Bệnh viện Việt Đức, bà Thảo trở về quê nhà. Nhiều người biết chuyện, người quan tâm thì hỏi sức khỏe, người dò xét thì bảo bà ôm việc thiên hạ, người ác khẩu oan nghiệt bảo bà đi bán thận chứ đâu phải hiến tặng. Bà bảo, nhà bà đang nợ, người ta nói thế cũng phải chịu. “Tôi ít giao du, lại không hay để ý lời người đời nên cứ mặc nhiên cho trôi qua tai. Có người còn hỏi hiến xong thận, nhỡ sau này ốm thì sao? Tính sao được, có người đủ hai quả thận vẫn ốm đau đó thôi...”, bà kể lại. Giờ đây, phần lớn thời gian bà lại đi xe máy vài cây số lên chùa thăm đám trẻ mồ côi, có khi còn bảo con gái đến dạy bọn trẻ học, nghe giảng pháp…
Là người luôn rõ từng bước đi của mình, vài ngày sau mổ, cũng lường trước được việc thân nhân người nhận tạng sẽ “này nọ”, bà Thảo chia sẻ thẳng thắn về việc bà không nhận bất kỳ món quà cảm ơn nào. “Nếu nhà bác đưa cả bịch tiền, em cũng thả ngay giữa đường, ai nhặt thì mặc kệ nhà bác đấy!”, bà rắn giọng kể lại. Vậy là cuối cùng, sau nhiều lần chạy đi chạy lại, bà đồng ý nhận một bao bắp ngô nếp non, đôi cân hoa quả để dâng lên cửa Phật.
Còn với Khương, sau khi ra Hà Nội đăng ký hiến thận sống, Khương trở về Đà Nẵng. Tại đây, chiếc xe đạp cùng Khương xuyên Việt bị lấy cắp mất. Anh lên xe khách trở về TP HCM, tiếp tục chia sẻ về hiến tạng. Không lâu sau, một cuộc điện thoại lạ gọi đến anh, sau khi hỏi han sức khỏe, người ở đầu dây bên kia đã ngả giá trả quả thận của anh với giá 250 triệu đồng. “Tôi thấy bị xúc phạm, tổn thương lắm. Tôi không nói nhiều, cũng không giải thích vì tôi không quan tâm. Nếu tôi ham tiền bán thận thì khác gì tôi tự sỉ nhục mình”, Khương nhớ lại.
Tôi hỏi về triết lý “Cho đi là nhận lại” của Khương. Anh kể câu chuyện, khi anh đang đạp xe qua Phan Rang (Ninh Thuận), trong ánh nắng ngày hạn, anh gặp hai cha con người dân tộc vẻ mặt rất mệt mỏi, tiếng Kinh không sõi. Anh nghĩ, chắc họ đang đói, bèn đưa hết bánh và chai nước cho hai cha con, dù mình không còn gì để phòng thân. Ra đến Tam Quan (Bình Định), anh ghé vào nghỉ trưa ở quán cóc ven đường, gặp một bác lớn tuổi. Sau khi chia sẻ mục đích chuyến đi, anh được đưa về nhà, chăm sóc, ăn uống rất ấm cúng. “Có lẽ đó là cho đi là còn mãi đúng không nhà báo?”, Khương hỏi tôi.
Tôi hỏi anh Khương, chị Hòa - những người chưa lập gia đình, dù cũng đã ở tuổi “các cụ giục”, bỏ hết công việc, thậm chí cả “một nửa” của mình, để đi vận động, đăng ký và hiến thận sống, có kì lạ quá không? Khi ai cũng vật vã với miếng cơm manh áo, với những mối quan hệ công việc, gia đình… thì họ lại tự mình thực hiện những việc tốt lạ “không giống ai”. Khương bảo, anh không đặt nặng vấn đề kiếm tiền, cũng không nghĩ đến việc chuyến đi của mình lại "độc đáo" như báo chí, truyền thông đăng tải. Đơn giản, theo anh đó là việc nên làm. Tôi liền bảo: "Sau chuyến đi của Khương, nhiều người đã đến Trung tâm đăng ký hiến tạng vì cảm phục anh. Khương ngạc nhiên: “Tôi không đặt mục tiêu trong và sau khi đi có bao nhiêu người hiến tạng mà là sẽ có nhiều người biết đến hiến tạng, mong họ thay đổi quan niệm, giúp nhiều người suy tạng được thay tạng”.
“Ngày trước, khi chưa theo Phật, Tết cũng rình rang, nhiều nỗi lo lắm. Nhưng giờ, nhà tôi đơn giản, có sao dùng vậy, nhưng vẫn không thiếu những món chắc chắn phải có của Tết miền Bắc. Tôi nhớ cái Tết năm ngoái, bởi năm đó nhà tôi đón thêm một đại gia đình, đặc biệt là người nhận thận của tôi, cùng nhau ăn bữa cơm Tết, trò chuyện cả ngày. Cô ấy khỏe mạnh là món quà Tết lớn với tôi, tôi mãn nguyện lắm rồi”, bà Thảo chia sẻ về kỷ niệm ngày Tết. |
Còn với Khương, chàng trai trẻ vóc người nhỏ thó nhưng ưa “xê dịch” này lại ngậm ngùi nghĩ về ba mẹ. Khương bảo trước đây không hay về nhà đón Tết cùng gia đình, nhưng năm nay sẽ khác. Bởi còn một nhiệm vụ anh nhất định phải làm là đăng ký giúp ba mẹ hiến tạng. “Khi biết em đăng ký hiến tạng, rồi đạp xe hiến tạng sống, ba em im lặng, còn mẹ thì khóc. Ba mẹ không nghĩ em có suy nghĩ đó. Mẹ nói, mẹ cũng có ý đó, nhưng mẹ không biết phải làm sao”. |
No comments:
Post a Comment