Nếu như người Việt không thể thiếu bánh chưng, bánh tét trên mâm cỗ ngày Tết thì Mông Cổ cũng có món bánh Buuz truyền thống.
Ngày Tết truyền thống của người châu Á nói chung luôn đong đầy tinh thần cầu mong cho năm mới an lành, hạnh phúc. Trong những ngày Tết trọng đại, những món ăn dân dã có mặt lâu đời chắc chắn không thể thiếu.
Tsagaan Sar được gọi là ngày tết cổ truyền của người Mông Cổ hay còn gọi là tết Tháng Trắng. Thời gian ăn Tết của họ cũng gần như trùng khớp với người Việt khi diễn ra vào 3 ngày đầu của tháng 1 Âm Lịch. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là lễ báo hiệu kết thúc một mùa Đông dài lạnh lẽo để đón chào một mùa Xuân mới, mà còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.
Trong những ngày Tết Tsagaan Sar, mọi người thường tụ họp lại nhà của người già nhất trong vùng tặng nhau những món quà ý nghĩa, nhất là các trẻ em. Sau đó, họ sẽ cùng nhau ăn các món ăn truyền thống chẳng hạn như món cơm sữa đông, cơm với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, sữa ngựa lên men và đặc biệt là món bánh Buuz, món bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông Cổ.
Bánh Buuz có vẻ ngoài khá đơn giản như các món bánh bao hấp thường gặp của người Trung Hoa. Vỏ bánh Buuz được làm từ bột mì, được nhào với nước ấm, muối và một ít lá thì là, vỏ bánh phải dẻo, chắc nhưng không quá dai và đủ bao bọc lớp nhân đầy bên trong.
Phần nhân bánh cũng không quá phức tạp với nguyên liệu chính là thịt cừu băm nhuyễn, đôi khi người Mông Cổ cũng thay thế bằng thịt bò kết hợp với các loại gia vị như hành tây, tỏi hoặc một số loại thảo mộc khác. Nhân được trộn đều với gia vị rồi nhồi vào lớp vỏ nhỏ xinh được cán mỏng, nhân bánh Buuz không nhỏ như các loại bánh hấp khác mà to hơn, được nhồi đầy vỏ sau đó đem hấp chín. Món bánh Buuz có thể dùng một mình hoặc thể dùng chung với xà lách, bánh mì, rượu sữa ngựa hoặc rượu Vodka.
Cách ăn bánh Buuz của người Mông Cổ cũng khác biệt so với các quốc gia khác, họ phải dùng tay cầm trực tiếp để ăn chứ không cần dùng đến đũa hay muỗng nĩa. Người Mông Cổ luôn chào đón một lượng khách khá nhiều trong dịp Tết, vì thế mà các bà nội trợ sẽ chuẩn bị một lượng lớn bánh Buuz và dự trữ trong tủ lạnh để dành dùng trong nhiều ngày. Vì thế mà họ cũng không cần phải dùng món bánh ngay mà có thể để cả tuần. Cho dù dưới thời tiết giá rét khắc nghiệt, hương vị bánh cũng không hề thay đổi khi được hấp lại nóng hổi.
Như Huyền
No comments:
Post a Comment