"Không hề thích âm nhạc, nhưng vì bố mẹ lúc đó cứ muốn tôi trở thành thần đồng âm nhạc giống Đặng Thái Sơn nên đã bắt tôi phải học nhạc. Vừa ngồi học vừa khóc, nước mắt ròng ròng...."
Tôi "chộp" được Thắng 'vẹo' khi anh vừa từ Hải Phòng lên Hà Nội thu âm cho một quảng cáo. Dù đi một quãng đường dài, nhưng NSUT Quang Thắng vẫn rất nhiệt tình dành cho phóng viên những phút trò chuyện thân mật, những chia sẻ thật về nghề, về gia đình.
Tuổi thơ gắn với "cây đàn giấy"
Bộ phim "Sóng ở đáy sông" một thời khiến người yêu điện ảnh vừa xem vừa tức bởi có ông bố đặc trưng người Hải Phòng thời bấy giờ quá nghiêm khắc, cổ hủ đến tàn nhẫn. Hỏi Quang Thắng, anh sinh ra ở thành phố Cảng, trải qua thời đó, bố anh có phải người giống như trong phim? Quang Thắng gật đầu bảo, trong thời kỳ xoá bỏ bao cấp, lúc giao thời giao đó thì vẫn có một số ông bố muốn hướng tới cho con em mình có một tương lai sáng lạn, phải nhìn vào các tấm gương kiểu như nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn. Anh cũng không ngoại lệ.
Gia đình bắt anh học nhạc nhưng, nhà nghèo nên không có đàn. Bố mẹ anh vẽ các phím đàn lên giấy, lên gỗ rồi hàng ngày bắt anh ngồi học đánh, xướng âm. "Suốt ngày sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô la... Tôi không chịu được kiểu đó. Vừa học vừa khóc, nước mắt chảy ròng ròng, có khi ướt cả đàn. Tôi không chịu, bỏ đi học kịch, bị cả gia đình phản đối, nói nghề đó không sang. Đó không phải là nghề, bắt tôi phải chọn nghề gì mà có tương lai sáng lạn, cao sang. Nhưng mà tôi thích kịch rồi, gia đình ép mãi cũng không được", NSƯT Quang Thắng giãi bày.
Quyết tâm học kịch, khi đó bố Quang Thắng chỉ nói một điều: Làm cái gì thì làm nhưng đã làm thì phải làm tốt và nếu không tốt thì bỏ luôn! Vẫn quyết tâm vào học kịch nhưng đến bây giờ, Quang Thắng bảo, anh thấy lời bố nói là đúng. Chính vì thế, Quang Thắng phải nỗ lực hết mình, gấp nhiều lần các bạn khác song anh không hối tiếc vì đã chọn nghề này. Chính nỗi vất vả của nghề, Quang Thắng cũng hướng các con không nên theo nghề của bố mà nên chọn nghề khác. Mặc dù vậy, rút từ kinh nghệm bản thân, Quang Thắng nói: "Nếu các con không nghe thì mình đành... nghe chúng nó thôi".
Cái mặt "không cái gì liên quan tới cái gì"
Thời đi học trường Cấp 3 Ngô Quyền (Hải Phòng), Quang Thắng nổi tiếng nghịch ngợm, được cái anh nghịch kiểu học trò, chứ không phải hư hỏng gì. Anh nghịch tới nỗi, cho tới bây giờ, các thầy cô khi nhắc đến Quang Thắng vẫn còn sợ.
Nghịch là vậy nhưng Quang Thắng lại được cái thông minh, học giỏi, có năng khiếu ca hát. Anh hát rất hay, hay tham gia vào đoàn đội. Quang Thắng nhớ lại: "Khi đi học rất hay bị ghi sổ đầu bài vì tội ngồi hát trong lớp và đục bàn. Cái bàn tôi ngồi lúc nào cũng có một cái lỗ. Tôi hát rất hay nên toàn hát vào cái lỗ cho các bạn nghe. Tôi cũng đệm đàn bằng cách dùng ngón tay gõ vào bàn. Ngày đi học thế thôi chứ càng lớn càng xấu giai nên đành từ bỏ ước mơ thành ca sĩ. Nếu đẹp giai thì tôi đã thành ca sĩ và mình giàu lâu rồi. Ờ, thôi thì không thành ca sĩ, không giàu tiền được cái giàu tình. Hát hay nên các bạn nữ thích lắm. Đến giờ, sau mấy chục năm gặp lại nhau, các bạn vẫn nhắc về tuổi thơ hồn nhiên đó".
"Cơ mà xấu giai cũng có lúc may mắn nhá", Quang Thắng phá lên cười bảo vậy. Anh kể, cơ duyên đưa anh tới hài kịch chính là cái mặt "không cái gì liên quan tới cái gì" của mình. Đó là khi anh ở đoàn kịch Hải Phòng, đầu tiên anh được phân công vào vai hoàng tử trong vở Bá tước Monte Cristo, sau NSND Lê Hùng nghĩ lại, với cái mặt của anh, hình dáng đó, không thể vào vai hoàng tử được, anh bị buộc vào vai tướng cướp VamPa. Quang Thắng lúc đó buồn lắm, là diễn viên, ai chẳng muốn mình được lộng lẫy trên sân khấu, bị vào vai tướng cướp, NSND Lê Hùng phải động viên mãi, Quang Thắng mới chịu. "Thầy Hùng bảo Thắng yên tâm, Thắng vào vai này thì kể cả hoàng tử cũng lu mờ. Tôi vẫn còn nghi lắm, nhưng khi diễn thật, tôi vừa bước ra sân khấu thì khán giả cười ồ lên và vỗ tay. Bắt đầu từ đấy trở đi tôi thấy thích thú với hài kịch và tiếp tục đến bây giờ", Quang Thắng tâm sự.
Ai nói anh không giàu tiền, nghe nói anh mới mua nhà rộng thênh thang 70m2 với 3 tầng lầu ở Gia Lâm. Anh là đại gia trong làng hài rồi còn gì? - tôi hỏi. Quang Thắng cười bảo: "Ờ, thì cũng chắt chiu mãi mới mua được căn nhà nhỏ ở đó, làm nơi đi đi về về, nếu phải diễn trên Hà Nội vài buổi thì cũng có chỗ ăn ngủ"."Tôi có cái 'xấu' thứ 2 là tiếng, tiếng nói thì đối với sân khấu kịch rất quan trọng. Mọi người nói tôi có tiếng địa phương. Nhưng cái 'xấu' này cũng lại là cái lợi của tôi", Quang Thắng thật thà tâm sự. Anh bảo, trong diễn hài tiếng lại không quan trọng, miễn là có cái riêng của mình. Thế nên anh đã vận dụng cái riêng của mình vào thì thấy khán giả đón nhận rất nhiệt tình, đều ủng hộ. Mọi người nhớ anh bởi chất riêng đó, từ đó trở đi, anh cứ thế phát huy và không phải thay đổi gì cả. Giữ đúng bản chất của mình là được. "Nhiều lúc gặp người hâm mộ hay bạn bè, họ vẫn nhại lại câu tôi nói, nhất là Cô Đẩu (diễn viên Công Lý - PV) thường nhại tôi đó. Nhưng thôi kệ, họ quý họ mới thế chứ", Quang Thắng chia sẻ.
No comments:
Post a Comment