Ung thư vú phát triển hàng chục năm.
Căn bệnh đe doạ phụ nữ
GS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc sàng lọc ung thư vú vô cùng quan trọng, nó quyết định sự sống nếu không may mang bệnh.
Theo GS Khoa, ung thư vú là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 1 trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Số liệu thống kê chung trên thế giới cho thấy trong 9 người phụ nữ sẽ có 1 người mắc ung thư vú và khoảng < 1% nam giới có thể bị ung thư vú.
Ung thư vú có xu hướng tăng nhanh ở các nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Người ta ước tính tỉ lệ ung thư vú tăng gấp 2 so với những năm 50 của thế kỉ 20 ở một số nước có nền công nghiệp phát triển mạnh. Sự gia tăng nhanh chóng này có thể giải thích do sự thay đổi các yếu tố về môi trường, gen, di truyền, chế độ dinh dưỡng, độ tuổi…
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh gia tăng nhanh chóng nhưng tỉ lệ chết vẫn giữ ở mức ổn định nhờ các tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm và những thành tựu đạt được trong điều trị, đặc biệt là điều trị hệ thống: hóa chất, nội tiết, miễn dịch.
Tự khám vú để phát hiện sớm
GS Khoa cho biết hiện nay các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú bằng tự khám vú hàng tháng, khám định kỳ sau 30 tuổi và đặc biệt chụp X quang tuyến vú có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các khối u vú mà trên lâm sàng chưa thấy được. Chẩn đoán bệnh UTV cần dựa vào thăm khám lâm sàng, chụp X quang tuyến vú và xét nghiệm tế bào học khối u vú.
Không chỉ riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới đều đẩy mạnh việc sàng lọc ung thư vú. GS Khoa cho rằng việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong cộng đồng, chẩn đoán và điều trị.
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn I tỷ lệ chữa khỏi bệnh đạt hơn 80%, ở giai đoạn II tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn III khả năng khỏi hẳn chỉ đạt 40% và đến giai đoạn IV thì thường việc điều trị chỉ nhằm kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng cho người bệnh. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị cao, chi phí điều trị thấp.
Chính vì vậy, sự tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú không những có ý nghĩa cho chính người bệnh nhân mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội.
Ngoài ra, GS Khoa cũng bật mí một phương pháp sàng lọc sớm rất hiệu quả và đơn giản đó là tự khám vú. Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên có thể tự khám vú mỗi tháng một lần, sau khi sạch kinh. Một số phương pháp khác đó là siêu âm tuyến vú, chụp x quang tuyến vú định kỳ hàng năm.
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Mỹ về việc phát hiện ung thư vú sớm thì: Phụ nữ ở độ tuổi 40 đến 54 nên nên chụp x quang tuyến vú hàng năm. Phụ nữ ở độ tuổi 55 trở lên nên chụp nhũ ảnh 2 năm một lần, những phụ nữ có nguy cơ cao (tiền sử gia đình có bà, mẹ, chị em gái, con gái mắc bệnh ung thư vú, phụ nữ béo phì, không lập gia đình, không sinh con, không cho con bú, có kinh sớm, mãn kinh muộn,...) nên được khám sàng lọc thường xuyên 1-2 lần/năm để phát hiện sớm bệnh ung thư vú và điều trị kịp thời.
Với những bệnh nhân trong gia đình có người mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng (mẹ, chị em gái…) thì có thể tiến hành xét nghiệm xem có đột biến gen BRCA1 và BRCA2 không, nếu có thì sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư vú.
Trong đợt khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư vú vừa qua, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu của bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Quỹ ngày mai tươi sáng, Bộ y tế đã tham gia khám sàng lọc tư vấn, siêu âm, chụp X quang vú miễn phí cho gần 1700 phụ nữ và đã phát hiện được 5 trường hợp UTV giai đoạn sớm.
Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị bệnh và có hiệu quả rất tốt, các bệnh nhân này hoàn toàn có khả năng khỏi bệnh. GS Khoa cho biết phía trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm gen BRCA1, BRCA2 cho những phụ nữ trong gia đình có người bị mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng.
Trên thế giới hiện nay đã có các xét nghiệm bản đồ gen, nhằm dự báo nguy cơ mắc ung thư cho các thành viên trong gia đình có người mắc bệnh ung thư để từ đó cảnh báo, giúp họ sàng lọc phát hiện sớm bệnh và điều trị có hiệu quả. Nhưng tại Việt Nam thì chưa có.
No comments:
Post a Comment