Wednesday, June 8, 2016

60 phút 'sân si' về từ thiện

Chương trình “60 phút mở” với chủ đề “Người ta làm từ thiện là vì ai” vừa gây bão trong dư luận.

Câu hỏi của chương trình “làm từ thiện vì ai”, “để làm gì” cứ xoáy vào trong tâm can người nghe. Hình như chương trình muốn “bóc mẽ” một số người làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để chụp ảnh khoe khoang trên facebook…

Và không chỉ thế, thông qua việc tranh cãi về quan điểm làm từ thiện của các vị khách mời trong chương trình (phần lớn là những người trong cuộc đến từ các nhóm từ thiện khác nhau như nhóm Từ Thiện Thật, nhóm Hà Nội Đủ, nhóm Xây trường Vùng cao, nhóm Tim hồng của ca sĩ Thái Thùy Linh…), dường như chương trình muốn đưa ra một cách làm từ thiện đúng đắn và hiệu quả, cảnh báo những cách làm từ thiện có thể để lại hậu quả.

loan1
“Các bạn đi làm từ thiện là vì ai, và để làm gì?” - Nhà báo Tạ Bích Loan đặt câu hỏi

Đáng chú ý là lo lắng của vị khách mời, TS Trần Hoàng Giang, cho rằng từ thiện áo ấm cho trẻ em vùng cao có thể làm… phai nhạt bản sắc dân tộc của bà con.

Nhưng có một câu hỏi mà tôi muốn đặt ra, trong các bạn, đã có ai nhận quà từ thiện chưa?

Tôi tin rằng, đa số quý vị đọc bài viết này thường đi làm từ thiện, chứ có lẽ chưa bao giờ nhận quà từ thiện.

Tôi cũng vậy. Cho đến khi vì một sự cố đặc biệt, gia đình tôi, hay chính xác là bố tôi đã được nhận quà từ thiện. Năm đó, bố tôi phải ăn Tết trong bệnh viện. Chiều 30 Tết, bệnh viện thông báo miễn phí 3 ngày cơm cho tất cả bệnh nhân. Tối đó, có nhóm từ thiện và tặng cho mỗi người một cái bánh chưng. Sáng mồng Một Tết, mỗi bệnh nhân được lãnh đạo bệnh viện đến “mở hàng” cho một cái phong bì có 50 nghìn đồng.

Bố tôi, tất nhiên không phải một ông già nghèo khổ nằm viện, ông được chăm sóc đủ thứ, không chỉ từ gia đình mà cả từ… bệnh viện (nhờ mối quan hệ đặc biệt). Ấy thế nhưng, món quà nhỏ lại khiến ông hạnh phúc khôn tả. Ông rưng rưng cảm động đến rớt nước mắt khi cầm trên tay chiếc bánh chưng của các cháu từ đâu mang đến giữa lúc ông đang buồn bã nhất trong chiều 30 Tết.

Có thể, bạn là người tỉnh táo đứng ngoài, bạn thấy tất cả các hoạt động từ thiện nêu trên chỉ là… bình thường, thậm chí theo phong trào hay mang tính hình thức. Nhưng một khi bạn là người trong cuộc, bạn đang cô đơn hay yếu đuối, thì một sự sẻ chia đến từ cộng đồng đáng quý biết chừng nào. Lúc bạn đang mạnh mẽ và an toàn, bạn sẽ không cảm nhận được điều đó.

Tôi kể câu chuyện này chỉ để tâm nguyện một điều rằng, tấm lòng từ thiện của bất kỳ ai cũng là điều hết sức đáng quý. Tất nhiên, tôi mượn câu nói của vị khách mời đến từ nhóm Từ Thiện Thật: của cho không bằng cách cho. Chỉ có những cách làm từ thiện thiếu chu đáo hoặc phản cảm (quà quá đát, hoặc cách trao thiếu tôn trọng…) thì mới là đáng phê phán.

Còn cho con cá hay cần câu, cho suất ăn hay cho tấm áo… tất cả đều là tấm lòng trao cho tấm lòng. Nhóm bán được mấy ngàn tấn dưa hấu cứu bà con là rất đáng quý. Nhưng nhóm tặng cái ô tô đồ chơi hơn trăm ngàn thỏa mãn ước mơ của một bạn trẻ khuyết tật cũng đáng quý không kém.

Chỉ hơi tiếc là các nhóm từ thiện, lẽ ra phải đồng cảm với nhau thì lại hơi… công kích nhau trong chương trình. Các bạn đều tốt, xã hội cần tất cả, đừng nghĩ ai tốt hơn và đừng chứng minh mình tốt nhất.

Bạn cũng đừng nghĩ rằng món quà từ thiện có thể “làm hỏng” người nhận. Đúng là có một số người được cho nhiều thì sinh tâm lý ỷ lại, nhưng số đó quá ít. Vấn đề căn bản là làm từ thiện dù rầm rộ đến đâu cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của tất cả những người nghèo khó.

Cho nên hãy nghĩ một cách khiêm tốn về những gì mình có thể mang đến, chỉ là một phần rất nhỏ để động viên cho họ mà thôi. Đừng nghĩ rằng món quà ấy là “nguồn thu” lớn khiến người ta trông vào.

Câu hỏi đặt ra là: từ thiện vì ai?

Dường như chương trình muốn ám chỉ đến những người làm từ thiện để khoe mẽ, từ thiện vì chính mình chứ không phải vì những người được nhận.

Trong cuộc sống, đương nhiên có những người lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi hay đơn giản là để được tranh thủ… đi chơi.

Nhưng Đạo Phật coi bố thí là một phương thức để tu tập: “Bố thí được xem như là một hành động gột rửa cái tâm bủn xỉn, tham lam để mài dũa tâm hồn trở nên quảng đại hơn, cao thượng hơn. Người thực hiện bố thí theo tôn chỉ Phật giáo, sẽ đạt được hai mục tiêu lợi ích: một là ban đến niềm vui, an lạc, hạnh phúc cho người khác và hai là trau dồi tinh thần từ bi, độ lượng ở chính mình”.

loan2
Khi 'anh hùng bàn phím' làm từ thiện...

Thảm họa động đất khiến hơn 7.000 người thiệt mạng ở Nepal trôi qua trong muôn vàn sự kiện đến với cộng đồng mạng Việt Nam.

Ngày nay, trong cuộc sống, chúng ta thường dùng từ “làm từ thiện” hơn là từ bố thí, dù nghĩa như nhau.

Theo triết lý trên, thì chúng ta không nên băn khoăn làm từ thiện vì ai và để làm gì, vì ý nghĩa hành động làm từ thiện (hay bố thí theo chữ của nhà Phật) mang lại cho cả người nhận và người cho.

Quan niệm nhà Phật không hề giáo điều. Ngày nay, khi các bạn trẻ về với người nghèo hay đồng bào vùng cao, có thể ban đầu chỉ vì tò mò, muốn được đi xa thôi. Nhưng chính trong quá trình “trở về” đó, các bạn sẽ trải nghiệm những điều bổ ích để suy nghĩ thêm về cuộc sống của chính mình. Cho nên đi làm từ thiện cũng là đi tưới tắm những cảm xúc tốt đẹp cho tâm hồn mình.

Vậy chớ đừng so đo thiệt hơn hay ganh đua tị nạnh (nói theo cư dân mạng là “sân si”) về việc từ thiện nữa.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment