Thuộc cấp đồng loạt "đổ" trách nhiệm cho bị cáo Đinh La Thăng
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN cho biết, bị cáo được Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực phân công thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, việc phê duyệt đấu thầu cũng như lựa chọn nhà thầu để đàm phán và ký kết là việc của HĐTV.
“Anh Đinh La Thăng ký Nghị quyết lựa chọn nhà thầu, bị cáo chỉ đôn đốc tiến độ việc ký kết với nhà thầu”, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nói.
Bị cáo Khánh cũng thừa nhận Hợp đồng EPC số 33 sau này kiểm tra lại mới thấy thiếu các căn cứ, chưa được HĐTV PV Power phê duyệt, nội dung HĐ rất nghèo nàn, không có điều khoản chi tiết về kỹ thuật, thương mại, và những điều khoản liên quan đến thanh toán, tạm ứng. Do đó không có cơ sở để có thể tạm ứng được cho PVC. Tuy nhiên trên thực tế PVN đã tạm ứng cho PVC số tiền hơn 6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng là người chỉ đạo thành lập ban quản lý dự án và yêu cầu rà soát lại nội dung HĐ để ký HĐ 4941 để điều chỉnh lại HĐ số 33. Sau khi rà soát, vai trò chủ đầu tư dự án này được chuyển giao cho PVN thay vì PV Power như trước đây.
“Việc rà soát lại HĐ số 33 để chuyển chủ đầu tư từ PV Power về PVN do ông Đinh La Thăng chủ trì, trong đó có yêu cầu rà soát và ký lại HĐ. Đến 30/5/2011 khi PV Power ký biên bản bàn giao, đã xác định HĐ thiếu những thủ tục pháp lý và nội dung cơ bản.”, bị cáo Khánh thừa nhận.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVC.
Tuy nhiên, ngay cả HĐ số 4941 cũng không được bổ sung những điều khoản còn thiếu trước đó. Bị cáo Khánh cho biết việc để xảy ra HĐ số 33 là do cấp dưới làm liều, trách nhiệm của bị cáo là không kiểm tra, giám sát. Còn đối với HĐ số 4194 về nguyên tắc không có gì thay đổi ngoại trừ chủ thể chủ đầu tư.
“Anh Đinh La Thăng và TGĐ Phùng Đình Thực có văn bản ủy quyền cho bị cáo ký HĐ 4194”, cựu Phó TGĐ PVN cho biết.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó TGĐ PVN, trong cuộc họp giao ban ngày 1/6 ngay tại công trường, ông Đinh La Thăng đề nghị tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị HĐ.
“Quá trình chuẩn bị ký kết HĐ chuyển giao về Tập đoàn, bị cáo hoàn toàn không được tham gia. Sau khi đã chuyển về PVN, Chủ tịch (Đinh La Thăng) yêu cầu dự án này là dự án trọng điểm Quốc gia, được thực hiện cơ chế đặc thù nên cần đẩy nhanh tiến độ dự án, tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền theo HĐ đã ký”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết, tại thời điểm đó không nhận thức được rằng HĐ số 33 không đủ điều kiện thực hiện. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra và VKS bị cáo mới nghĩ rằng HĐ này vi phạm quy định của pháp luật, và mình đã có những sai sót.
“Bị cáo thấy rằng mình có trách nhiệm quản lý tài chính của tập đoàn, còn trách nhiệm kiểm tra giám sát nhà thầu sử dụng tiền có đúng mục đích hay không là trách nhiệm của Trưởng ban quản lý dự án.”
Nói về vai trò của Đinh La Thăng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết: “Người đứng đầu có yếu tố quyết định. Ở DN người đứng đầu đã quyết là làm.”
Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng BQL Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định đích thân bị cáo đã ký 03 văn bản gửi HĐTV và Ban TGĐ PVN để phản ánh năng lực thực hiện yếu kém của PVC cũng như kiến nghị lãnh đạo PVN xem xét cho ý kiến vì HĐ số 33 là trái với quy định của pháp luật.
“Bị cáo đã cảnh báo với lãnh đạo tập đoàn bằng 3 văn bản rằng HĐ số 33 có vấn đề và không đủ điều kiện thực hiện, đề nghị tập đoàn có ý kiến về việc này, nhưng tập đoàn vẫn không có ý kiến gì. Ngoài ra, bị cáo đã báo cáo trực tiếp cho TGĐ Phùng Đình Thực,” bị cáo Vũ Hồng Chương nói.
Trước lời khai của Chương, Thẩm phán Trương Việt Toàn đặt câu hỏi vì sao khi biết HĐ số 33 là sai nguyên tắc nhưng bị cáo vẫn ký chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Vũ Hồng Chương cho biết:
“Bị cáo bị ép bởi lãnh đạo tập đoàn. Tôi đã làm hết tất cả mọi trách nhiệm nhưng vẫn không cản được anh Đinh La Thăng và TGĐ lúc nào cũng giục phải giải quyết nhanh. Tôi lại là cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên, trong quy chế tập đoàn tôi phải thực hiện công việc do TGĐ phân công.”
Bị cáo Phùng Đình Thực, cựu TGĐ PVN phủ nhận việc được bị cáo Chương phản ảnh trực tiếp về tính pháp lý của HĐ số 33. Đồng thời đẩy trách nhiệm cho cấp dưới khi khẳng định chính bị cáo đã giao trách nhiệm giám sát Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho phó TGĐ phụ trách, nên các văn bản của bị cáo Chương đã được gửi thẳng đến các Phó TGĐ.
Kỳ diệu: Em bé đã tím tái vì ngạt khi mẹ đẻ rơi trên taxi hồi tỉnh bật khóc
Sáng ngày 6/1, chị Triệu Thị Hương (SN 1995, dân tộc Dao ở Xóm Suối Mý - xã Đú Sáng - Kim Bôi – Hòa Bình) bất ngờ xuất hiện những cơn đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ khi mới mang thai chưa đầy 35 tuần. Ngay lập tức chị Hương được gia đình bắt taxi đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để sinh con.
Cháu bé được sinh ra trên xe taxi may mắn được cứu sống kịp thời.
Khi di chuyển đến đỉnh dốc Cun, cách TP Hòa Bình 10km, bất ngờ sản phụ Hương sinh con ngay trên xe ô tô, lúc này trên xe chỉ có mẹ đẻ và dì của Hương.
Theo bà Triệu Thị Kim dì của Hương, do sản phụ Hương bị khuyết tật (bại não, khó vận động) nên mất sức sau cuộc vượt cạn trên xe ô tô. Còn em bé bị ngạt nên người tím tái, dây rốn vẫn còn nguyên một bọc do không có dụng cụ để cắt, nên mọi người nghĩ là không cứu được bé nữa.
Khi gần đến bệnh viện, em bé đã tím tái vì bị ngạt bất ngờ bật tiếng khóc. Nhờ có sự hỗ trợ của đội ngũ điều dưỡng, y, bác sỹ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sức khỏe hai mẹ con bé đã dần ổn định.
Điều chuyển bác sĩ chẩn đoán nhầm, khiến bà mẹ suýt bỏ con sang làm sổ sách, giấy tờ
Liên quan đến sự việc bác sĩ khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – Hà Nội) chẩn đoán sai khiến thai phụ suýt mất con, sáng ngày 8/1 bà Trần Thị Nhị Hà – Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin sự việc. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều chuyển công tác đối với bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, người trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và yêu cầu người bệnh đi hút thai.
BS Tiến bị cấm không được khám và điều trị cho người bệnh, chỉ được làm giấy tờ, sổ sách.
“Chúng tôi điều chuyển hẳn bác sĩ này sang làm công tác khác, cụ thể ở đây là làm ở phòng kế hoạch tổng hợp, làm công tác sổ sách, giấy tờ chứ không được trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Tôi cho rằng, việc làm này không phải là xử lý bác sĩ một cách nặng nề, mà quan điểm của Sở Y tế là phải làm đến nơi, đến chốn. Qua trường hợp này cũng để cảnh báo tất cả các cán bộ y tế trong ngành, khi mà thực hiện chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phải có tinh thần trách nhiệm cao” – bà Hà cho biết.
No comments:
Post a Comment