Mới đây, báo chí đưa tin, nước Mỹ đang chìm sâu trong một đợt rét kỷ lục. Không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống khiến nhiệt độ giảm xuống mức âm độ C. Các nhà khí tượng học gọi đây là một đợt “bùng phát Bắc Cực".
Nhiệt độ ban ngày ở thành phố Chicago có lúc xuống tới -15 độ C; thành phố International Falls giảm xuống -38 độ C. Thậm chí, đỉnh núi Washington, ở New Hampshire ghi nhận mức nhiệt độ giảm sâu tới -70 độ C…
Cậu bé Trung Quốc tóc bị đông đá khi đến trường (ảnh Chinanews)
Ở bên này châu lục, Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng của một đợt rét khủng khiếp. Nhiệt độ nhiều nơi giảm xuống chỉ còn -20 độ C, một số nơi như Tân Cương giảm xuống đến -41 độ C. Những trận tuyết lớn, dày tới 2-8mm, thậm chí 12 - 15mm xảy ra khiến giao thông tê liệt và gây thiệt hại lớn.
Tại Việt Nam, từ ngày 8/1, một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống cũng khiến thời tiết nước ta giảm sâu nhất từ đầu đông. Rét đậm, rét hại xảy ra diện rộng; vùng núi cao đã xuất hiện băng giá.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn so với 3 năm trở lại đây. Các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện và mỗi đợt sẽ kéo dài từ 7-10 ngày.
Còn nhớ, mới đây, các nhà khoa học của Đại học Anh Northumbria đưa ra dự báo, đến khoảng năm 2030 gần như toàn bộ diện tích Trái đất có thể bị phủ một lớp băng tuyết. Bởi vậy, mùa đông sẽ trở lên lạnh giá hơn và Trái đất sẽ trải qua thời kỳ tiểu kỷ băng hà.
Việt Nam cũng đang trải qua một đợt rét đậm, rét hại diện rộng, cây cối hóa đá trên các đỉnh núi cao. (ảnh: Anh Đức Nguyễn).
Với mùa đông khắc nghiệt diễn ra ở nhiều quốc gia như hiện tại, nhiều người lo lắng, liệu có phải tiểu kỷ băng hà đã quay trở lại sớm hơn dự kiến?
Về vấn đề này, ngày 11/1, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay, đợt lạnh này ở một số quốc gia là chu kỳ biến đổi tuần hoàn của khí hậu trên trái đất, do hoạt động dòng biển ở đại dương gây biến đổi khí hậu chứ không phải tiểu kỷ băng hà.
“Tiểu kỷ băng hà là do ảnh hưởng hoạt động của Mặt trời. Mặt trời sẽ hoạt động yếu hơn nên lượng nhiệt Trái đất nhận được sẽ ít hơn. Vì thế, cả Trái đất sẽ lạnh đi chứ không riêng quốc gia nào”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, theo như dự báo thì tối thiểu phải năm 2030 tiểu kỷ băng hà mới quay trở lại. Khi ấy, gần như toàn bộ diện tích Trái đất sẽ bị đóng băng vào mùa đông.
Tuy nhiên, tiểu tức là nhỏ nên tiểu kỷ băng hà sẽ không đáng sợ như kỷ băng hà. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến các nước có khí hậu ôn đới.
Còn đối với Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nó có thể xảy ra nhưng sẽ nhẹ nhàng. Con người vẫn sống bình thường, chỉ có thời tiết sẽ rét hơn rất nhiều, tuyết rơi nhiều hơn ảnh hưởng đến đời sống người dân, giao thông đi lại, hoạt động sản xuất...
Kỷ băng hà là một giai đoạn giảm nhiệt độ lâu dài của khí hậu Trái Đất, dẫn tới sự mở rộng của các dải băng lục địa, các dải băng vùng cực và các sông băng trên núi. Nguyên nhân của các kỷ băng hà được các nhà khoa học cho rằng, đó là tổng hợp của ba yếu tố khác nhau gồm thành phần khí quyển (đặc biệt là tỷ lệ của CO2 và mêtan), những thay đổi của quỹ đạo Trái Đất quanh Mặt Trời và vị trí của các lục địa. Có 4 thời kỳ băng hà chính trong lịch sử Trái Đất. Kỷ băng hà sớm nhất xảy ra khoảng 2,4 tới 2,1 tỷ năm trước; kỷ băng hà thứ 2 xảy ra cách đây khoảng 460 đến 430 triệu năm trước; kỷ băng hà thứ 3 khoảng 40 triệu năm trước; kỷ băng hà cuối cùng xảy ra khoảng 100.000 năm trước. Thời kỳ băng hà, khí hậu cực kỳ lạnh. Đây cũng là thời kỳ của các loài động vật khổng lồ như voi ma mút, gấu Bulldog, sói khổng lồ… Chúng có những thay đổi trong cơ thể để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, được bao phủ bởi các lớp lông dày và ấm. Kỷ băng hà cuối cùng kết thúc cách đây khoảng 10.000 năm trước. Khi đó, con người vẫn sinh sống bình thường bằng việc săn bắn và hái lượm, xây dựng nơi trú ẩn bằng xương của loài voi ma mút và may vá quần áo ấm bằng lông thú vật. |
No comments:
Post a Comment