Sau nhiều năm ở xứ người, những bà mẹ trẻ này buộc phải đưa con về quê nhà gửi ông bà ngoại rồi tiếp tục đi làm ăn xa.
Chúng tôi tìm đến bản Ang (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An) hỏi về những đứa trẻ mang họ mẹ thì được ông Lô Khăm Nhưn - Trưởng bản Ang dẫn đi. Men theo lối đi nhỏ ở sườn đồi để đến nhà những đứa bé mang họ mẹ, ông Nhưn trầm tư nói ở bản này hiện có khoảng 8 người phụ nữ đang làm ăn bên Trung Quốc và hiện có 4 trẻ nhỏ được đưa về từ Trung Quốc mang họ mẹ.
Ông L.V.H chăm bẵm hai người cháu ngoại. ẢNH: A.THƯ
Thiếu hơi ấm của cha...
Chỉ lên ngôi nhà nằm lưng chừng sườn đồi, ông Nhưn giới thiệu đó là nhà ông L.V.H đang nuôi nấng hai cháu ngoại sinh đôi mới hơn 2 tuổi do người con gái đưa về từ Trung Quốc. Chúng tôi vừa bước tới cổng thì ông Nhưn chỉ tay nói: "Ông H đang ngồi chơi với hai cháu ngoại trước thềm nhà đó. Khổ nỗi ông H chăm bẵm hai cháu từ bé nhưng có biết mặt mũi bố chúng nó đâu".
Ôm cháu vào lòng, ông H kể: "Năm 2014, con gái tôi nghe lời rủ rê của bạn bè nên quyết sang Trung Quốc làm ăn. Tại đây, nó quen một người đàn ông Trung Quốc rồi chung sống với nhau. Sau một thời gian thì con gái tôi sinh đôi được 2 bé gái. Khi hai cháu được 5 tháng tuổi thì con tôi đưa hai đứa bé về đây rồi làm khai sinh mang họ mẹ cho chúng.
Biết cháu mang họ của mình nên tôi cũng hiểu được phần nào nỗi khổ tâm của con gái. Giờ chỉ mong con gái tôi có được một công việc ổn định để lo cho hai đứa con. Vắng bóng bố nhưng vợ chồng tôi sẽ cố bù đắp để hai đứa không phải chịu nhiều thiệt thòi".
Cách nhà ông H không xa là nhà chị M.T.H (34 tuổi) cũng có con mang họ mẹ. Chị H theo bạn bè rủ rê mà sang Trung Quốc làm ăn. Sau 3 năm ở xứ người, chị gặp một người đàn ông Trung Quốc gần chỗ trọ rồi sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn. Hai người đã có với nhau một bé gái.
Khi bé gái được 10 tháng tuổi thì chị H đưa con về quê nhà và làm giấy khai sinh họ của mẹ rồi gửi con cho bà ngoại và sang Trung Quốc làm ăn tiếp. Bà V.T.L (mẹ chị H) cho biết, cách đây một tháng, chị H về nhà, bà gặng hỏi con gái thì chị H cho biết chồng đã gặp nạn và mất từ đầu năm. Vì cư trú bất hợp pháp nên chị H phải quay trở về quê hương.
Nhiều hệ lụy khó lường
Không chỉ ở Tương Dương mà ở các huyện miền Tây Nghệ An như Kỳ Sơn, Con Cuông… cũng có rất nhiều trường hợp con mang họ mẹ. Đại úy Kha Văn Hiền, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện Kỳ Sơn) cho biết, trên địa bàn có hàng chục trường hợp phụ nữ mang con từ Trung Quốc về sinh sống. Những người này về không khai báo rồi tiếp tục trở lại Trung Quốc làm ăn nên rất khó trong công tác quản lý.
Đặc biệt, trên địa bàn có tình trạng phụ nữ làm ăn bên Trung Quốc rồi quay trở về quê nhà móc nối để thực hiện hành vi mua bán người. Gần đây, nhất là trường hợp của Cụt Thị Đào lừa bán 2 bé gái mới 11 và 14 tuổi.
Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Hành chính, tư pháp (Sở Tư pháp Nghệ An) thông tin, một số cô gái Việt Nam lấy chồng có yếu tố nước ngoài không hôn thú, khi có con thì trở về quê nhà đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, mang họ mẹ và phần tên cha bỏ trống. Những đứa trẻ này cũng được hưởng mọi quyền lợi như những đứa trẻ khác.
Ngoài ra, nếu người phụ nữ có hôn thú với người nước ngoài thì giấy khai sinh của con bắt buộc phải có tên cha, mẹ. Trường hợp người phụ nữ có hôn thú nhưng vì cuộc sống khó khăn bị chồng bạo hành mà trốn về quê nhà thì việc làm khai sinh cho con sẽ rất phức tạp. Có trường hợp sẽ không thể làm được nếu không có các giấy tờ thủ tục ly hôn.
Oái ăm hơn, có nhiều trường hợp người phụ nữ có con, có hôn thú với người nước ngoài khi về quê nhà thì sẽ không đăng ký kết hôn được với người khác được nữa. Vì thế mới có những trường hợp có con chung, sống chung với chồng thật nhưng người con lại mang họ mẹ, còn tên người bố thật bỏ trống. Việc này rất thiệt thòi cho những đứa trẻ này.
Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương cho biết, tình trạng chị em phụ nữ không ở địa phương và không rõ đi đâu xảy ra hầu hết ở các bản của các xã: Xá Lượng, Nga My, Tam Đình… Theo thống kê thì có khoảng 291 người. Qua khảo sát thu thập thông tin thì có đến 173 người đi Trung Quốc còn lại đi sang nước Lào, Thái Lan. Theo bà Oanh, phần vì nhận thức còn hạn chế khi nhiều phụ nữ nghe theo lời dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc nhẹ, lương cao. Nhưng khi sang đó thì họ vỡ mộng rồi quay về nhà với những đứa con lai. Cũng có nhiều trường hợp cuộc sống hôn nhân chị em bế tắc, chồng nghiện ma túy, rượu chè, bạo hành nên cũng tìm cách sang Trung Quốc làm ăn. |
No comments:
Post a Comment