Chiều 4-1, người thân, chính quyền địa phương và nhà trường tổ chức lễ an táng nữ sinh Trần Thị Phương L. (học lớp 7, Trường THCS Tân Lâm, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Có rất đông học sinh (HS), người thân, người dân đến viếng, tiễn đưa em L. Ai cũng xót thương, rơi nước mắt khi đọc những dòng thư em để lại. Càng xót xa hơn khi mọi người biết trước đó L. vốn là HS học giỏi đều các môn và có năng khiếu về môn tiếng Anh.
Trẻ liên tiếp tự tử
Sáng 3-1, thầy cô giáo và các bạn HS bàng hoàng phát hiện em L. chết trong tư thế treo cổ bằng khăn quàng đỏ cột vào cửa sổ phòng học Trường THCS Tân Lâm.
Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 9-12-2017, hai em Nguyễn Thị D. và Lê Thị Thu Th. (cùng 14 tuổi, cùng là HS lớp 8, Trường THCS xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cùng tự tử trên sông Lam. Trưa 6-9-2017, ba HS lớp 3 gồm Xồng Bá H., Xồng Bá X., Xồng Bá R. (cùng tám tuổi, người dân tộc Mông, học điểm trường bản Thăm Hón thuộc Trường Tiểu học Na Ngoi 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ăn lá ngón tự tử vì lỡ dại sang trường mầm non lấy “trộm” trò chơi, đồ dùng học tập. Mặc dù được phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng em H. tử vong sau đó khoảng 30 phút, còn em X. và em R. được cứu sống.
Trở lại vụ việc nữ sinh treo cổ bằng khăn quàng đỏ, thầy Nguyễn Thừa Mạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lâm, nói trong nước mắt: “Sự việc không ai ngờ. Sau khi phát hiện em L. chết trong tư thế treo cổ, chúng tôi vừa báo công an đến khám nghiệm hiện trường, vừa yêu cầu các em ngồi trong lớp học để các em không xáo động, hoang mang. Hiện công an và cơ quan chức năng chưa kết luận nguyên nhân cái chết của em L. Nhưng em L. có để lại hai lá thư bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Trong thư bằng tiếng Anh em L. viết xin lỗi gia đình, thầy cô, bạn bè... Hai bức thư đều đề viết ngày 2-1 và hôm sau thì phát hiện em L. đã tử vong trong tư thế treo cổ. Chiếc khăn treo cổ là loại khăn thường dùng cho tổng phụ trách đội, dài 1,2 m và rộng 25 cm, chứng tỏ em đã có sự chuẩn bị trước. Đáng tiếc, trước khi xảy ra sự việc, em L. không tâm sự được với người thân, thầy cô giáo, bạn bè để chia sẻ. Cách đây chừng hai tháng, gần nhà em L. có người tự tử bằng cách thắt cổ, có thể từ sự việc trên, em L. đã nghĩ ra cách tự tử cho mình”.
Thầy Mạnh cũng cho biết sự việc xảy ra khiến giáo viên, HS, phụ huynh hoang mang nên ban giám hiệu đang ổn định, lấy lại tinh thần, tâm lý cho các thầy cô và các em HS. Bác bảo vệ trường cũng hoang mang, lo sợ, ban đêm không dám ở lại trường học.
Ảnh lớn: Trường THCS Tân Lâm, nơi em L. (học lớp 7) tử vong trong tư thế treo cổ bằng khăn quàng đỏ ở cửa sổ lớp học. Ảnh: Đ.LAM. Ảnh nhỏ: Bức thư của em Nguyễn Thị D. (học lớp 8, trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) để lại trước khi cùng bạn ra sông Lam tự tử. Ảnh: Đ.LAM
Các em đơn độc đối diện với điều tồi tệ
Trước cái chết thương tâm của nữ sinh nhà trường, thầy hiệu trưởng lo lắng: “Hiện trong chương trình chính khóa không có tiết học riêng về kỹ năng và phòng ngừa các em tự tử. Nhưng ngoại khóa, giáo viên đã lồng vào đó để dạy các kỹ năng sống cho các em, kể cả giáo dục giới tính, phổ biến pháp luật nhưng vẫn diễn ra sự việc HS tự tử” - thầy Mạnh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi, cha em L.): “Sáng 3-1, khi cháu ăn sáng để chuẩn bị đi học thì tôi có mắng cháu, bảo với cháu là “bố mẹ làm lụng vất vả nuôi ba chị em ăn học, con cố gắng học hành, đừng để cô giáo phải gọi điện nói con học hành giảm sút”. Tôi không ngờ cháu nghĩ quẩn hành động thế này”.
Cũng như em L., trước khi em D. cùng em Th. ra sông Lam tự tử có để lại lá thư tuyệt mệnh. Trong bức thư, em D. viết: “Từ giờ cha mẹ sẽ không có đứa con này nữa. Cha mẹ ở lại hạnh phúc và mạnh khỏe”. Trong thư em D. cũng cảm ơn cha mẹ, người thân đã nuôi em 14 năm qua và thú nhận có những lúc em chưa thật thà, còn nói dối để đi chơi… “Nếu có thể đánh đổi tính mạng của con cho cha mẹ được sống tốt hơn thì con sẽ bằng lòng làm chuyện đó. Hãy hứa với con rằng cha mẹ phải sống thật tốt đến trăm tuổi nhé! Cha mẹ đừng tìm và đừng lo lắng gì cho con cha mẹ nhé. Con xin lỗi. Đứa con hư!” - em D. viết.
Các thầy cô giáo cũng cho biết trước khi xảy ra sự việc đau lòng, hai em D. và Th. vẫn đi học đều và ngoan hiền, không kêu ca, phàn nàn gì trong cuộc sống.
Thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Chương, cho biết: “Sau cái chết của em D. và em Th., qua điều tra cho thấy các em tự tử và có để lại thư. Chứng tỏ các em có sự bế tắc và có sự chuẩn bị trước nhưng lại không nói ra với ai nên không có sự can ngăn kịp thời. Tuổi các em dễ xúc động và thường nghĩ nông cạn, tiêu cực. Do vậy, nhà trường cần tăng cường truyền kỹ năng trong cuộc sống cho các em”.
Cấp cứu tinh thần ngay khi các em gặp khủng hoảng tâm lý Đối với lứa tuổi vị thành niên, các em rất dễ rơi vào khủng hoảng nếu bị bắt nạt, bị bạo lực hoặc gặp những áp lực khác từ gia đình, nhà trường. Khi rơi vào khủng hoảng, các em cần được cấp cứu ngay về mặt tinh thần. Các em cần có người thân, bạn thân ở bên cạnh, thậm chí họ luôn túc trực và ngủ chung để các em không làm điều dại dột. Có một thực tế đáng buồn là nhiều người lớn gồm cha mẹ, thầy cô cũng không nắm bắt được tâm lý của các em để có sự trợ giúp kịp thời. Dạy trẻ ứng phó với điều tồi tệ Hầu hết các em nhỏ đều không được dạy về kỹ năng ứng phó với những tình huống xấu, bất ngờ, mà trong cuộc sống luôn có thể xảy ra những tình huống rất tồi tệ ở những thời điểm nào đó. Gia đình và nhà trường cần chú trọng điều này. Nếu nhà trường chưa làm được thì gia đình phải là trường học đầu tiên cho các em về kỹ năng sống. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bất cứ lúc nào cũng có thể có điều tồi tệ, bất công xảy ra và dạy trẻ cách ứng phó với nó. BS trị liệu tâm lý y khoa TRƯƠNG CHÍ THÔNG |
No comments:
Post a Comment