Nguyễn Thị Tuyết (SN 1995, thôn Trường Lộc, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), sau nhiều năm lao động ở Đài Loan dự định sẽ về nước để chuẩn bị làm đám cưới, nhưng cách đây vài ngày Tuyết bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về khiến em tử nạn.
“Cháu có gọi về nhà bảo, đợt này bán thêm được ít đồ góp chút tiền cho gia đình trả nợ và Tết sẽ về quê chuẩn bị làm đám cưới. Giờ gia đình tôi cũng chưa biết làm sao để đưa cháu về quê an táng vì không có tiền".
Người thân của Tuyết trong nỗi đau mất con còn đau đáu ngày đêm làm sao đưa thi thể con về với quê nhà vì gia đình quá nghèo.
Đọc những dòng chia sẻ này của bố mẹ Tuyết, tôi không khỏi xót xa, em ra đi khi nhiều dự định còn dang dở, chỉ hơn một tháng nữa sẽ hạnh phúc sánh vai bên chồng nhưng giấc mơ đó mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Và, tôi cũng ngậm ngùi cùng bố mẹ em, trong nỗi đau mất con còn đau đáu ngày đêm làm sao để đưa thi thể em về quê nhà.
Tuyết ra đi mang theo ước vọng đổi đời của cả em lẫn những người thân và giờ đây ước vọng đó biến thành tro bụi, còn nỗi đau lại nhân gấp bội.
Nhưng thực tế, Tuyết không phải là trường hợp đầu tiên xa xứ mưu sinh rồi đột ngột ra đi như vậy. Không ít chàng trai và cô gái khác đã vĩnh biệt cõi trần này trong hoàn cảnh tương tự. Dù là ngoài đường hay ngay tại nơi làm việc. Khó có thể trách ai ngoài hai từ số phận dù có thể là bất cẩn của bản thân, của ai khác hay cả những điều khó lý giải.
Mỗi một cái chết lại ập đến một nỗi buồn cùng tên gọi nhưng nỗi đau lại khác khi bỏ mạng nơi xứ lạ là điều không người Việt nào mong muốn.
Có thể vài ngày nữa thôi, những tấm lòng hảo tâm, thân bằng quyến thuộc và địa phương hoặc công ty đưa Tuyết sang lao động sẽ chung tay để bố mẹ đưa em về quê nhà.
Nhưng một câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để không còn những trường hợp như Tuyết và gia đình Tuyết? Bởi mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày đau buồn và xót xa cho phận người tha hương kiếm sống rồi ra đi trong cô độc như vậy.
Chỉ cần gõ tìm kiếm trên Google, không khó để tìm thấy rất nhiều lao động Việt Nam tử nạn ở nước ngoài gặp khó khăn về kinh phí mỗi khi gia đình muốn đưa thi thể người thân về nước an táng. Đại đa số di hài họ trở về được quê hương là nhờ đóng góp của các nhà hảo tâm hoặc các công ty sử dụng lao động chứ chưa có quỹ nào căn cơ, lâu dài hay có sẵn.
Và, dù công ty xuất khẩu lao động có lo liệu thì đôi khi cũng chưa kịp thời hay thủ tục khá nhiêu khê khiến gia đình nạn nhân không thể an lòng.
Nghĩa tử là nghĩa tận, hơn nữa không ít thì nhiều họ đã đóng góp cho đất nước từ những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình nên dù muộn còn hơn không ngay lúc này cần những quỹ tầm quốc gia để lo cho những trường hợp tương tự.
Tôi nghĩ hơn ai hết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên có đầu mối để giải quyết thấu tình đạt lý việc này. Họ được về sớm ngày nào, hương hồn đỡ lạnh lẽo ngày ấy và tang gia cũng bớt đau đớn. Còn sau đó trách nhiệm của ai phân xử sau cũng chưa muộn.
Nếu được như vậy, những trường hợp như gia đình Tuyết sẽ đỡ phải ngược xuôi lo đưa con về trong hoàn cảnh không thể bi đát hơn. Tôi cũng tin những người như Tuyết ở bên kia thế giới rồi sẽ bớt cô quạnh hơn khi biết rằng nếu có rủi ro với người đồng cảnh, họ sẽ sớm được về lại quê nhà, nơi những người thân đang đỏ mắt đợi mong.
No comments:
Post a Comment