Vấn đề không mới
Mới đây, Dự thảo 2 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 25, trong đó có nội dung trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Có rất nhiều ý kiến tranh luận gay gắt và hàng loạt các vấn đề được các bà mẹ “bỉm sữa” đặt ra xoay quanh dự thảo này như: Liệu các cô giáo có đủ kỹ năng chăm trẻ, vấn đề bạo hành hay đơn giản nhất là nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ ra sao?...
TS Thọ cho rằng, nhiều người có thu nhập thấp sẽ gửi con nhỏ để đi làm.
TS.NGUT Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, nơi mỗi năm đào tạo hành trăm cô giáo mầm non cho biết, thực ra đây là vấn đề đã được thực hiện trước đây, chứ không phải mới.
Theo TS Thọ, trước đây trong hệ thống giáo dục mầm non có 2 hệ thống, đó là sư phạm mẫu giáo do Bộ GĐ&ĐT phụ trách và một mảng khác là đào tạo cô nuôi dạy trẻ do Uỷ ban Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em phụ trách. Từ năm 1988, nhà nước đã gộp hai mảng này về 1 mối do Bộ GĐ&ĐT quản lý và gọi chung thành Trường Nhà trẻ mẫu giáo Trung ương.
Nhưng do điều kiện kinh tế các gia đình ngày càng phát triển, nên các gia đình có điều kiện hơn và để trẻ chăm sóc tại nhà. Dần dần lứa tuổi nhà trẻ đến trường ngày càng ít, không đủ mở lớp nên các nhà trường cũng nuôi dạy trẻ ở lứa tuổi này nữa (lứa tuổi 3-6 tháng).
Vấn đề nuôi trẻ 3 tháng tuổi ở trường mầm non là không đơn giản với các cô giáo.
Nhiều người vẫn có nhu cầu, nhất là người thu nhập thấp
TS Thọ cũng cho rằng, việc Dự thảo lần này đưa lứa tuổi 3 tháng tuổi trở lên được gửi vào trường mầm non, xuất phát từ nhu cầu thực tế ở một số khu vực, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
“Nếu Dự thảo này được thông qua, thì nhiều gia đình ở các khu đô thị, nơi có điều kiện họ sẽ để trẻ ở nhà tự chăm sóc hoặc thuê người chăm sóc để đảm bảo mọi điều kiện cho trẻ được tốt nhất.
Nhưng ở nhiều khu công nghiệp, nguồn lao động đang trong độ sinh đẻ, cộng với những yêu cầu trong công việc thì nhu cầu gửi con trong độ tuổi 3 tháng trở lên là rất lớn”, TS Thọ phân tích.
Nhà trường sẽ phải lập phòng riêng để các mẹ về cho con bú.
Một vấn đề đặt ra, đó là khi được áp dụng vào cuộc sống liệu có chồng chéo Luật giáo dục với Luật Lao động hay Luật Trẻ em, nhất là khi nhà nước đang tuyên truyền người dân nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
TS Thọ cho biết, khi đó không còn cách nào khác là nhà trường và các bậc phụ huynh phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Theo Luật Lao động hiện hành, các bà mẹ trong thời kỳ nuôi con nhỏ vẫn có những chế độ ưu tiên, đó là đi làm muộn hơn, đi về sớm hơn, nghỉ giữa giờ, giữa ca để về cho con bú, chăm con.
“Thay vì giờ nghỉ đó các bà mẹ về nhà, thì bây giờ các bà mẹ đến trường để chăm con, cho con bú. Tất nhiên, khi đó các nhà trường sẽ phải chuẩn bị các phòng để các bà mẹ đến và cho con bú. Tôi nghĩ đó không phải vấn đề quá khó, quan trọng là kết hợp như thế nào”, TS Thọ nói.
Sẽ phải đào tạo lứa giáo viên nhà trẻ để phục vụ nhu cầu người dân.
Còn nhiều khó khăn trước mắt
Là cơ sở đào tạo các cô giáo mầm non lớn nhất cả nước, TS Thọ cho rằng nếu Dự thảo luật được thông qua thì sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là sự hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ từ 3-6 tháng tuổi của các cô giáo mầm non hiện nay còn hạn chế. Chính vì thế các cô giáo sẽ thiếu kỹ năng để thực hiện việc chăm sóc đối với trẻ trong độ tuổi trên sẽ gặp khó khăn.
Ngoài ra, cơ sở vật chất ở các trường mầm non, nhà trẻ hiện nay chưa thể đủ để đáp ứng được việc chăm sóc trẻ từ 3-6 tháng tuổi. Vì thế khi đã thành quy định cụ thể thì các trường phải bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng kiến thức cho các cô nuôi dạy trẻ.
Cũng theo thông tin từ ông Thọ, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, bắt đầu từ năm học 2016-2017 nhà Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương bắt đầu đào tạo chuyên sâu về nhà trẻ. “Hiện nay, sau khi các sinh viên học xong phần yêu cầu chung đối với giáo viên mầm non, nhà trường sẽ đi sâu vào các chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành nhà trẻ.
Chúng tôi phải đào tạo sâu chuyên ngành này vì, các cô giáo chăm trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng trở lên, ngoài kỹ năng sư phạm thì phải có kiến thức sâu về dinh dưỡng, kỹ năng chăm sóc trẻ…”, ông Thọ cho hay.
>>XEM THÊM: Tranh cãi gay gắt về dự thảo mới trẻ 3 tháng tuổi được học mầm non
No comments:
Post a Comment