Sáng 22-9, trao đổi với báo chí về vấn đề đang được dư luận quan tâm: Bỏ hay giữ ban đại diện cha mẹ học sinh, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có những ý kiến chính thức.
Không nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận đúng là ở một số nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo như Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ở một số trường học đã lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra những khoản thu không đúng quy định. Để xảy ra tình trạng này có lỗi thuộc về ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng không nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Trách nhiệm của nhà trường là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường có thể truyền tải những nội dung nâng cao chất lượng giáo dục hay một số hoạt động thiết yếu của trường để tất cả phụ huynh trong trường, lớp biết… Có điều hoạt động của ban đại diện phụ huynh không nên bị biến tướng thành những người, tổ chức thực hiện việc lạm thu, thu tiền không đúng quy định ở trong nhà trường.
Theo bà Nghĩa, cần xem xét lại hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để sao cho họ làm việc theo đúng chức năng, hiệu quả công việc. “Trong Điều 10 của Thông tư 55 có quy định về hội phí. Có thể ở một số nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh đã lách quy định này để thực hiện việc thu ở trong lớp, trường học không đúng quy định hay thu thêm những khoản tiền khác. Vì vậy, sắp tới có thể hội phí sẽ không còn được đưa vào Thông tư 55 nữa” - bà Nghĩa nói.
Vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh là không thể thiếu trong nhà trường. Trong ảnh: Phòng thực hành STEM tại một trường học do các mạnh thường quân, ban đại diện cha mẹ học sinh tài trợ. Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Tiếng nói từ ban đại diện cha mẹ học sinh
Chị Thu Hương, TP.HCM gửi đến Pháp Luật TP.HCM những tâm sự thật lòng: “Sáu năm con tôi đi học cũng là sáu năm tôi nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, có những năm là của trường. Nhiều người cho rằng dẹp được ban đại diện cha mẹ sẽ dẹp được nạn lạm thu. Theo tôi, điều đó không mang lại kết quả. Một khi trường đã muốn thu thì họ sẽ tìm cách thu cho được, kể cả không qua ban đại diện. Tiền đó sẽ nằm dưới tên khoản này hay khoản khác. Các hạng mục như làm vườn cây, lót sàn gỗ trong lớp, sắm máy lạnh, máy chiếu… báo chí nêu vừa qua, nếu trường không “vẽ” ra thì chẳng ban đại diện cha mẹ học sinh nào tự biết đường để làm.
Việc thu nhiều khoản đầu năm từ ban đại diện là do hầu như phụ huynh nào cũng muốn tốt cho con từ việc học đến sinh hoạt, cũng là chính đáng. Nhiều trường còn khó khăn thì việc đóng góp của phụ huynh là sự hỗ trợ rất lớn để đảm bảo việc học, tất nhiên phải có sự thống nhất, công khai, minh bạch. Ban đại diện là cần thiết vì nó là một trong ba yếu tố quan trọng để phối hợp giáo dục con cái giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Do đó cả trường lẫn các ban đại diện cần xem và đánh giá lại vai trò, chức năng của mình trong nhà trường. Bởi nhiệm vụ chính của ban đại diện phải là phối hợp với nhà trường, giáo viên giáo dục và quản lý, chăm sóc con em, quan tâm đến những em còn yếu kém, hỗ trợ các em khó khăn đi học, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống... Ông TRẦN KHẮC HUY, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, TP.HCM |
Phải công nhận rằng ban đại diện cha mẹ học sinh tôi từng và đang tham gia hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi thường lập một group trên Facebook hoặc Zalo, là nơi để cha mẹ học sinh trao đổi, phản ánh thông tin về việc học hành, ăn uống của con. Đây là nơi chúng tôi trao đổi với cô giáo về tình hình lớp học nói chung, tình hình mỗi học sinh nói riêng. Những thông tin mới về chính sách liên quan tới giáo dục, cách học hay giúp con phát triển… cũng được chia sẻ. Ở đó, phụ huynh chúng tôi có sự gắn kết, thậm chí là hỗ trợ nhau rất nhiều”.
Để hoạt động hiệu quả, chị Hương cũng cho biết ban đại diện cha mẹ học sinh đương nhiên phải có kinh phí. Như năm nay, đầu năm lớp con chị mỗi phụ huynh đóng tối thiểu 200.000 đồng tiền quỹ, ai có điều kiện thì đóng nhiều hơn, học sinh nào khó khăn không phải đóng, ai không tham gia quỹ cũng không sao… Quỹ này có danh mục chi rõ ràng như để trả tiền điện máy lạnh, hỗ trợ học sinh khó khăn mua bảo hiểm y tế, tổ chức Trung thu, Noel, Tết, 1-6 đơn giản mà vui, ý nghĩa cho các cháu. Ngày 20-11 có thể có thêm giỏ hoa để bàn cô giáo cho lớp thêm phần không khí. Quỹ do cha mẹ góp và thụ hưởng hoàn toàn là con em mình. Mỗi cuối kỳ học công khai thu chi rõ ràng nên hầu như không có điều gì phải thắc mắc.
“Như vậy, tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải để hay dẹp ban đại diện cha mẹ học sinh, thu hay không thu các khoản quỹ. Vấn đề cốt lõi là ban đại diện đó hoạt động thế nào, quỹ được thu phục vụ cho việc gì, có thực sự hợp lý hay không mà thôi” - chị Hương khẳng định.
Ban đại diện cha mẹ học sinh như tôi biết! Một phụ huynh không đồng ý với nội dung thư ngỏ của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban đại diện) về việc thu 400.000 đồng để lót sàn gỗ phòng học hẳn là chuyện bình thường. Bởi dù phụ huynh này (cùng hai phụ huynh khác) không đóng tiền thì việc lót sàn gỗ cũng đã xong rồi. Tuy nhiên, sự việc ồn ào khi thông tin được vài tờ báo khai thác, cùng với nỗi bức xúc của quý phụ huynh trên là kiến nghị: “Giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh”. Lý do để đưa ra kiến nghị này là: “Ban đại diện thực chất là “cánh tay nối dài” của nhà trường nhằm hợp thức hóa các khoản phí ngoài quy định”. Trên nhiều diễn đàn và bình luận còn ví ban đại diện là BOT của nhà trường. Thực sự, nếu lắng nghe, trong những trường hợp thật cụ thể thì ban đại diện cũng “có vấn đề”. Thế nhưng nếu nói ban đại diện là “cánh tay nối dài” hoặc là BOT nhà trường thì tôi thấy hơi quá đáng. Là người có hai đứa con (một đứa đang học lớp 5, một đứa đang học lớp 9), tôi có quá trình… trải nghiệm với ban đại diện khá dài (tuy chưa lần nào tham gia ban đại diện). Thực chất, ban đại diện là do chính phụ huynh bầu ra, đại diện cho các phụ huynh cũng như các em học sinh. Đây là những người (thường là) nhiệt tình, năng nổ, có điều kiện tài chính và đặc biệt là thích những hoạt động cộng đồng. Nhiệm vụ của ban đại diện là đại diện cho lớp để lo lắng cho các em học sinh. Ví dụ: Sắm các thiết bị cần thiết trong phòng học (chưa có hoặc quá cũ); tặng quà cho thầy cô nhân các dịp lễ, Tết (và phần thưởng thêm cho các em khi kết thúc năm học)… Lót sàn gỗ như Trường Tiểu học Hòa Bình là một ví dụ cho việc làm đó. Hiện nay các khoản sửa chữa nhỏ trong nhà trường đều phải xã hội hóa. Và việc thu tiền quỹ đầu năm từ ban đại diện chính là hình thức xã hội hóa này. Thường thì số tiền đóng quỹ không nhiều. Con tôi cũng học Hòa Bình nên biết rất rõ. Riêng lớp con tôi thì có ba phụ huynh tự nguyện góp (mỗi người 5 triệu đồng) để lót sàn gỗ. Vậy là xong, vui vẻ, nhẹ nhàng. Thật ra không chỉ lần này. Tôi nhớ khi con tôi học ở trường khác, khi ban đại diện có đề xuất gì đó mà… hơi tốn kém thì họ thường có phương án tốt. Phương án đó là gì? Là chính những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh… bỏ tiền túi ra mà làm. Chẳng hạn như việc lắp máy lạnh, sắm tủ để các em bỏ các vật dụng linh tinh, mũ bảo hiểm… thì không có nhà trường nào có ngân sách để làm. Chính ban đại diện thấy cần thiết, thấy tốt cho con em thì họ xin ý kiến và làm. Tóm lại, những người tham gia ban đại diện hầu hết đều là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ chẳng được hưởng lợi gì từ những khoản thu (mà có khi khiến chúng ta thấy vô lý, bực bội) ấy cả, mà thường là phải lấy tiền túi của mình để bù vào. Theo tôi, nếu chúng ta thấy ban đại diện chưa làm tốt vai trò của mình thì nên góp ý chân thành, thẳng thắn. Không nên xổ toẹt hoặc quy chụp họ. Điều này chỉ làm cho môi trường giáo dục thêm xấu đi. Trong khi chúng ta nỗ lực góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh, tốt đẹp. Xóa ban đại diện đi ư? Tôi không nghĩ đó là ý kiến hay. Đó chỉ là phản ứng lúc nóng giận và dường như là bế tắc?! TRẦN NHÃ THỤY |
No comments:
Post a Comment