Bắt đầu từ ngày 21.1, các tỉnh miền Bắc đón đợt không khí lạnh cường độ mạnh, kéo dài. Nhiều nơi ở vùng núi nhiệt độ xuống -4 độ C. Thủ đô Hà Nội nhiệt độ xuống thấp nhất 5,4 độ C.
Ngày 22.1, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn gửi phòng Giáo dục – Đào tạo các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc nêu rõ: Với cấp mầm non, tiểu học, nhà trường cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C.
Cấp mầm non, tiểu học, nhà trường cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C.
HS không nhất thiết phải nghỉ học khi lớp đủ ấm
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, điều kiện khí hậu ở các nước khu vực Châu Á khác so với Việt Nam. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc lạnh hơn Việt Nam, nhiệt độ có thể xuống -10 đến -20 độ C.
Tuy nhiên, do các trường học ở nước ngoài giữ ấm tốt, có hệ thống sưởi nên học sinh vẫn đến trường học bình thường. Trường học không có quy định nhiệt độ xuống âm bao nhiêu thì cho học sinh nghỉ học. Các trường học tự chủ, lãnh đạo trường sẽ quyết định cho học sinh nghỉ học khi thấy lớp học không đủ ấm hoặc thời tiết quá tồi tệ.
“Thêm nữa, hệ thống giao thông công cộng, tàu điện ngầm ở nước ngoài rất phát triển. Họ có xe buýt phục vụ riêng cho học sinh khi đến trường. Trên xe cũng có hệ thống lò sưởi để giữ ấm cho học sinh. Khi đến trường, học sinh chỉ phải đi vài chục mét là tới trường nên cái lạnh không ảnh hưởng nhiều tới học sinh”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, tại Việt Nam, khí hậu chưa hẳn là quá lạnh, tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của các trường học không đảm bảo, học sinh phần lớn tự đi học hoặc được bố mẹ chở đi học bằng xe máy. Do vậy, học sinh không đảm bảo sức khỏe khi đến trường ngày giá lạnh.
“Theo tôi, nếu như các trường học ở Việt Nam, cơ sở vật chất ở các trường tốt, có hệ thống chắn gió, lò sưởi, điều hòa 2 chiều, hệ thống giao thông công cộng phát triển… các em hoàn toàn có thể đến trường, kể cả khi nhiệt độ xuống tới mức âm. Tại lớp, thầy cô cũng có thể dạy học sinh các bài vận động hoặc trò chơi nào đó để học sinh làm nóng cơ thể”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cho hay, hiện nay, nhiều phụ huynh quay cuồng khi học sinh tiểu học nghỉ học ở nhà. Nhiều người phải đưa con đến cơ quan làm việc, vừa làm vừa trông con. Hoặc nhiều gia đình phải thuê người về trông con trong những ngày nghỉ. Như vậy, cũng gây phiền, rắc rối cho nhiều gia đình.
Nên có nhiều lựa chọn phụ huynh ngày giá lạnh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, hiện nay tại Hà Nội đã có một số trường mầm non có hệ thống điều hòa 2 chiều, đảm bảo giữ ấm đủ cho học sinh.
“Nếu như các trường tư nhân hoặc một số trường điểm xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, có hệ thống sưởi ấm tốt cho học sinh thì phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn. Kể cả trong trường hợp thời tiết dưới 10 độ C, học sinh được nghỉ thì phụ huynh vẫn có thể đưa con đến trường học để bố mẹ đảm bảo công việc”, ông Dũng nói.
Bác sĩ Lê Thắng Đức cho biết, nếu thời tiết quá lạnh, trẻ dễ bị ảnh hưởng đến đường hô hấp
Bác sĩ Lê Thắng Đức (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho rằng, tùy điều kiện thời tiết mỗi nước, khuyến cáo của cơ quan chức năng liên quan, phụ huynh sẽ đưa ra quyết định cho con đến trường hay nghỉ học.
Tuy nhiên trong trường hợp, lớp học giữ đủ ấm, phụ huynh đảm bảo được cho học sinh khi di chuyển đến trường thì hoàn toàn có thể nghĩ đến phương án đưa con đến trường, không nhất thiết phải nghỉ ở nhà.
Ông Đức cho biết, nếu thời tiết quá lạnh, học sinh dễ bị ảnh hưởng đến đường hô hấp khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm phổi… Vì thế, ông lưu ý người già, trẻ nhỏ nếu không có việc gì tốt nhất không nên đi ra ngoài mà ở trong nhà đóng kín cửa, ăn uống đồ ấm nóng phòng các nguy cơ sức khỏe do giá rét gây ra.
Người lớn phải để ý giữ ấm cơ thể, tránh gió lùa, đặc biệt giữ ấm ngực, đôi bàn chân là rất quan trọng để cơ thể không bị hạ nhiệt. Không nên tập thể dục vào sáng sớm, buổi tối ở ngoài trời. Khi đi ra đường phải mặc áo chống gió, có găng tay, tránh đi vào lúc trời mưa lạnh.
No comments:
Post a Comment