Friday, January 29, 2016

Đạo diễn Lê Hoàng: Đàn ông Việt sợ Tết đến chết!

Đàn ông trong mấy ngày Tết rất giống con gà được bơm thuốc kích thích, gáy to, chạy khắp sân sau đó lảo đảo, ngật ngưỡng ở một góc khuất trong vườn.

Nếu cứ tin vào phim ảnh và văn học nghệ thuật thì cả đất trời, hoa lá và chim muông đều say sưa tưng bừng với Tết.

Nhưng đàn ông không phải hoa lá, cũng không phải chim muông, càng không phải đất trời. Đàn ông sợ Tết vô cùng. Sợ cho đến chết.

Hình ảnh phổ biến của trai tráng trước mấy ngày Tết là mặt nhăn nhó, quần áo nhăn nhó, chạy chiếc xe máy nhăn nhó trên đường. Kẻ thì vội vã đảo qua cơ quan hy vọng vào đồng bạc thưởng còm phút cuối cùng đột nhiên xuất hiện.

Kẻ thì xông tới nhà cha mẹ hay anh em để giật lửa vài ngàn. Ông phi tới công ty vì có tin sắp được chia gì đó, ông đâm sầm vào gốc cây vì đã đến ngày cùng tháng tận mà con đề nuôi mãi không về.

Tóm lại là đàn ông nháo nhác, tán loạn ngoài đường, vụt qua nhà rồi lại vụt đi mỗi ngày có khi tới 3 đến 4 bận.

Kẻ thì lủng lẳng chậu cây. Đứa thì nhễ nhại khúc giò hoặc két bia thủng đáy, mặt bơ phờ, mồm tuyệt vọng, chân lỏng chỏng đôi giày có tất không thay.

Họ sục sôi mà không hiểu sục sôi gì, hớt hải mà chả biết vì sao hớt hải, bồn chồn vì nhiều chuyện quá nên không rõ lý do để hết bồn chồn, khóc cười không theo quy luật.

Đàn ông chen vai thích cánh trở thành một dòng sông cuồn cuộn chảy trên đường, mà nước sông chủ yếu là màu xám, thỉnh thoảng gặp chỗ kẹt xe nước đông cứng lại thành tường đá lô nhô.

Những khuôn mặt đàn ông lúc đó dù đẹp trai như Bình Minh hay xấu trai như Lê Hoàng đều quyện vào nhau trở thành một khối mờ mờ khiến ta bỗng dưng muốn khóc.

dao-dien-le-hoang-dan-ong-viet-so-tet-den-chet
Đạo diễn Lê Hoàng. Ảnh: Hoàng Anh.

Nói một cách đơn giản nhất, nhiệm vụ của đàn ông trong mấy ngày giáp Tết là làm sao phải tha đủ thứ về nhà, từ mới măng khô, từ con gà đã nhổ lông hoặc còn nguyên lông cho tới chậu hoa vừa xâu xé được; hoặc giỏ quà vừa mới cướp xong.

Tha càng nhiều càng tốt. Tha càng nhanh càng tốt. Trong khi đàn bà thì lại lo đừng để con khác tha đi.

Tai họa từ trên trời rơi xuống đâu thấy nhưng từ Tết rơi xuống có rất nhiều. Đột nhiên trong những ngày này đàn ông phải chứng tỏ óc thẩm mỹ bằng cách mua chậu Cúc

Rồi phải chứng minh văn hóa bằng phương pháp mở băng đĩa Xuân Hinh và phải tỏ ra chân tình với sếp bằng quà, tỏ ra yêu kính cha mẹ, vợ cũng bằng quà. Không cho phép bằng gì khác.

Đàn ông đột nhiên thấy mình bị đặt trước một nhiệm vụ vẻ vang là làm cho Tết nhà ta không kém nhà chúng nó, dù chưa khi nào hiểu chúng nó là ai.

Con phải có áo mới. Vợ phải có mới cả áo lẫn quần. Còn bản thân có phờ phạc hay xơ xác là chuyện không ai cần biết, hoặc có biết cũng chả ai thương.

Chưa kịp hoàn hồn, tất cả còn ngổn ngang thì Tết đã đến rồi. Tết xồng xộc vào nhà. Thân hình còn ê ẩm.

Tay chân còn tê dại, mặt mũi còn ngơ ngác đã phải khoác vội cái áo vest mua sẵn ở chợ, chòng vào chiếc cà vạt mua cũng ở chợ nhưng tận vỉa hè, ngoác mồm ra cười đón bà con đến chúc Tết, gườm gườm nhìn những đứa bé bà con dắt theo vì biết phải phát bao tiền.

Sau đó là ăn những món năm nào cũng ăn, uống những chai năm nào cũng uống và nói những câu năm nào cũng nói cho đến lúc ngã vật ra.

Đang nôn nao sợ ác mộng tràn về thì vợ lay dậy để đến nhà các cụ, con lay dậy để lấy thêm tiền. Còn điện thoại réo vang do anh em hẹn cùng nhau tụ tập.

Cố hết sức lảo đảo đứng lên thì máy lại giẫy thêm vài cái. Đó là tin nhắn chúc Tết vừa nũng nịu lại vừa trách móc của em bồ gửi từ tối qua nhưng hôm nay nhà mạng mới cho gửi tới.

Phần lớn đàn ông trải qua mấy ngày Xuân như qua một cơn say choáng váng, bụng ngổn ngang thực phẩm quá đát, đầu ngổn ngang những lo lắng và những món chi tiêu chưa biết sẽ quyết toán vào đâu, đã thế còn nhấp nhiều chai rượu pha thuốc từ sâu nên toàn thân lảo đảo, cứ vô duyên nói nói cười cười và cứ chúc đi chúc lại những câu ai cũng chúc.

Bên ngoài comple cà vạt nhưng có khi bên trong chưa tắm đã 3 ngày. Kể với khách khứa là mình sắp lên sếp đầu Xuân nhưng thực ra chỉ là chức phó phòng.

Giữ bạn bè lại ăn cơm nhưng toàn những món hâm lại vừa lôi ra từ tủ lạnh. Khoe về một ông chú làm lớn vừa ghé qua chơi nhưng giấu kín chuyện hôm qua chờ đưa quà ở nhà ông từ 5 giờ sáng.

Nói cách khác, đàn ông trong mấy ngày Tết rất giống con gà được bơm thuốc kích thích, gáy to, chạy khắp sân sau đó lảo đảo, ngật ngưỡng ở một góc khuất trong vườn.

Nhìn có thể chúng ta rơi nước mắt.

No comments:

Post a Comment