Không phải lỗi do đơn vị từ thiện
Mới đây, UBND xã Suối Thầu (huyện Sa Pa, Lào Cai) tiêu hủy một lúc gần 11.000 hộp sữa của một đơn vị từ thiện dành cho học sinh trên địa bàn khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn.
Đa số dư luận lên án, cho rằng đơn vị từ thiện không nên cho trẻ sữa khi đã cận đát (ngày 9/4 hết hạn). Trao đổi với chúng tôi ông Tẩn Ỳ Guyện, Chủ tịch UBND xã Suối Thầu cho rằng, đây không phải là lỗi do đơn vị từ thiện. Bởi, đơn vị này cấp sữa cho hai trường mầm non và tiểu học của xã từ ngày 17/11/2017.
Nhưng sau đó, ngày 22/11 Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai có văn bản chỉ đạo tạm dừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh của tỉnh cho đến khi có hướng dẫn của bộ GD&ĐT.
Việc tiêu hủy số lượng lớn sữa là vô cùng đáng tiếc.
Chính văn bản trên là nguyên nhân khiến 11.000 hộp sữa không đến được tay các cháu học sinh, ngày 5/4 vừa rồi do sữa gần hết hạn nên trường học đã xin ý kiến chỉ đạo của phòng giáo dục và chính quyền xã đã là thủ tục tiêu hủy toàn bộ.
Khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Lào Cai đã có thông tin chính thức và cho rằng, cấp dưới chưa nghiên cứu kỹ, nên dẫn đến “hiểu nhầm” văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Người soạn thảo không cẩn thận, người ký không đọc kỹ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, văn bản chỉ đạo của văn phòng UBND tỉnh dẫn đến sự nhầm lần đó có nội dung như sau: “Ngày 6/11/2017, bộ GD&ĐT có văn bản số 5198/BGDĐT-GDTC đề nghị công ty TNHH N. Việt Nam tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh uống trên phạm vi toàn quốc, và hiện nay các cơ quan chức năng đang kiểm tra, xét nghiệm, xác minh để làm rõ nguyên nhân 2 học sinh của tỉnh Hậu Giang có triệu chứng “tương tự ngộ độc” sau khi uống sữa theo chương trình.
Văn bản gây hiểu nhầm về việc tạm dừng chương trình phát sữa miễn phí.
Về việc này, thường trực UBND tỉnh có ý kiến như sau:
Giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo toàn bộ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh của tỉnh cho đến khi có hướng dẫn của bộ GD&ĐT.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo để sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố biết, khẩn trương thực hiện”. Được viết văn bản này do bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai ký.
Lý giải về sự hiểu nhầm văn bản trên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai Vương Trinh Quốc cho rằng, dù văn bản đã dẫn nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhưng đến phần ý kiến của UBND tỉnh lại ghi là: “Tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh của tỉnh cho đến khi có hướng dẫn của bộ GD&ĐT”, mà không hề nhắc tới loại sữa cụ thể nào phải tạm ngừng, chính vì vậy nên đã gây ra sự hiểu nhầm là dừng tất cả các loại sữa cho học sinh.
“Lẽ ra trong văn bản cần ghi cụ thể loại sữa phải tạm dừng trong chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT như vậy sẽ rõ ràng hơn. Tôi cho rằng, lỗi ở đây chính là kỹ năng soạn thảo văn bản không rõ ràng.
Người soạn thảo không cẩn thận, người ký không xem kỹ nên rất dễ gây hiểu nhầm còn ở phần trên văn bản cũng viện dẫn văn bản của bộ GD&ĐT. Chúng tôi truyền đạt chỉ đạo của bộ GD&ĐT chứ không phải chủ trương của tỉnh”, ông Quốc cho hay.
Ông Quốc cho biết, ngay sau sự việc này (tiêu hủy sữa - PV), người soạn thảo văn bản đã thừa nhận kỹ năng soạn thảo văn bản chưa tốt. Đồng thời, chúng tôi cũng đã nhắc nhở người ký văn bản này vì không đọc kỹ trước khi ký.
Chia sẻ quan điểm về việc tiêu hủy 11.000 hộp sữa, ông Quốc cho rằng, bản thân ông cũng cảm thấy lãng phí trong khi các em học sinh vùng sâu, vùng xa rất thiếu thốn.
“Đây cũng là bài học để các nơi tiếp nhận các nguồn tài trợ phải sử dụng nguồn tài trợ một cách đúng địa chỉ và thực sự thể hiện thiện chí các nhà hảo tâm”, ông Quốc nói.
No comments:
Post a Comment