“Con bụ bẫm, đáng yêu và ngoan ngoãn giống em Cuội. Con như thiên thần trong mắt cậu Hai, là viên kim cương của ông Bảy rừng, là sự hãnh diện trong gia đình ngoại. Con là niềm an ủi, động lực để mẹ con sống mạnh mẽ hơn. Còn với dì, con là nhân vật chính tạo lên cái kết có hậu trong câu chuyện cổ tích giữa đời thường”, lời tâm sự của cô giáo Huỳnh Thị Sang (32 tuổi, Quảng Ngãi) gửi đứa cháu nhỏ do chính mình sinh ra khi bé hơn 1 tuổi.
“Con đường gai” với đích đến chứa đầy hi vọng cho hơn 3 người
13 năm chạy chữa hiếm muộn, chị Lụa – chị gái chị Sang không có nổi một mụn con. Chị Sang kể bao tiền anh rể kiếm được đều dành cho chị gái đi viện trị bệnh rong kinh và dày niêm mạc tử cung. Đó cũng là nguyên nhân khiến họ 7 lần thụ tinh nhân tạo không thành công.
Dù thất bại song cặp vợ chồng vẫn không từ bỏ ước mơ làm cha làm mẹ. Họ miệt mài vào Sài Gòn chữa trị với hi vọng con yêu sớm về. Chị Sang tâm sự: “Lụa khoe lần này chọc trứng được 9 phôi. Tôi “buột miệng” bảo giá như chuyển bớt cho em mang thai hộ. Câu nói tưởng như đùa đã lóe lên hi vọng trong anh chị.
Tôi nghiêm túc nói với mẹ thì bị phản đối gay gắt. Bà bảo tôi đã sinh mổ 2 lần nên tiềm ẩn rủi ro cao. Hơn nữa tôi vốn là mẹ đơn thân nuôi 2 con gái nhỏ nên sinh thêm sẽ không còn cơ hội bước tiếp. Tôi thuyết phục mẹ rằng đã đổ vỡ hôn nhân một lần, giờ sẽ sống nuôi bọn nhỏ thành người. Tôi nguyện hi sinh cho Hai. Sau đó bà đã đồng ý với sự lựa chọn đầy mạo hiểm của tôi”.
Với chị Sang, con là nhân vật chính tạo lên cái kết có hậu trong câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Tháng 7/2015, chị Sang cùng chị gái bay vào Sài Gòn làm hồ sơ mang thai hộ. Nhưng bệnh viện Từ Dũ từ chối vì lý do đã sinh mổ 2 lần. Chị trình bày hoàn cảnh, chấp nhận mọi rủi ro và cầu xin bác sĩ giúp đỡ.
Trước sự quyết tâm ấy, bệnh viện đã đồng ý. Chị vội vã về quê xác nhận giấy tờ mang thai hộ, sau đó chính thức xin nghỉ dạy 1 năm để bắt đầu hành trình đầy chông gai và vất vả. Chị nhớ lại: “Lúc làm thủ tục mang thai hộ, bác sĩ hỏi vợ chồng Lụa có dám đánh đổi tính mạng của tôi để dành lấy tia hi vọng nhỏ nhoi. Lụa đã khóc, còn anh rể im lặng. Thấy vậy tôi liền nói chấp nhận mọi chuyện và đặt niềm tin vào các bác sĩ”.
Trải qua 2 tuần siêu âm, uống thuốc để cải thiện niêm mạc tử cung, chị Sang bất ngờ nhận kết quả niêm mạc thoái hóa và không thể cấy phôi. Thậm chí, bác sĩ còn khuyên tìm người khác mang thai hộ. Chị buồn chán nhưng vẫn xin bác sĩ cho thêm một cơ hội cuối.
“Trước mặt Lụa, tôi mạnh mẽ nói bác sĩ cho thực hiện thêm lần nữa, nếu không được thì ngưng. Sau vài tháng nghỉ ngơi, tôi vào lại Từ Dũ với hi vọng có phép màu diệu kỳ xảy ra. Cuối cùng bác sĩ thông báo có thể chuyển phôi. Khi ấy, tôi đã bật khóc – những giọt nước mắt hạnh phúc dành cho vợ chồng Lụa”, chị trải lòng.
Nụ cười viên mãn của chị Sang bên chị gái và đứa cháu nhỏ
Chuỗi ngày “mang thai hộ” đầy gian nan và bất ngờ
Tháng 5/2016, chị Sang vào viện chuyển phôi với tâm trạng đầy háo hức. Nằm trên giường bệnh, chị nghe bác sĩ nói phần trăm thành công khi chuyển 3 phôi rất ít. Nhưng chị vẫn quyết tâm và ước những “chấm tròn” trên màn hình siêu âm đều trọn vẹn.
Về phòng trọ, chị nằm một chỗ và ăn uống thật nhiều trứng gà, trái bơ giúp niêm mạc tử cung dày lên. Thậm chí, chị không dám đi vệ sinh nhiều vì…sợ phôi rớt ra ngoài.
Chục ngày sau, chị Sang giấu chị gái dùng que thử thai và bất ngờ thấy que hiện một vạch đậm một vạch mờ. Chị sung sướng rồi vội vàng gọi chị gái đang ở ngoài về nhà gấp. Đêm đó, họ thức trắng đợi trời sáng để đến bệnh viện kiểm tra. Chị nhớ lại: “Chúng tôi cùng ra Từ Dũ làm xét nghiệm máu, sau đó tôi về trước nằm nghỉ. 1h sau chị Lụa điện bằng cái giọng run run sắp khóc thông báo tôi đậu thai. Tôi bật khóc nức nở bởi sau bao vất vả kỳ tích cũng xảy ra với chị em tôi”.
Hiện cậu bé do chị Sang mang nặng đẻ đau đã hơn 1 tuổi, rất đáng yêu và kháu khỉnh
Chị Sang ở lại Sài Gòn dưỡng thai, còn chị Lụa về quê lo công việc. Tuần thứ 12, chị vào viện siêu âm thì cho kết quả thai một, đã có tim thai. Chị bớt lo lắng phần nào về cái thai trong bụng và có thể an tâm nghỉ ngơi.
Gần 4 tháng “nuôi dưỡng”, chị Sang được về quê với hai cô con gái nhỏ và gia đình. Thời gian ấy chị đã nghe những lời thiên hạ đồn không hay về mình. Chị mất thời gian suy nghĩ và quyết định bỏ mặc mọi lời ra tiếng vào để sống vui vẻ chờ đợi ngày con yêu chào đời.
Chị Sang đi siêu âm thì hay tin cái thai trong bụng là một bé trai. Khi ấy, chị và cả gia đình vui hơn rất nhiều lần. Và cứ thế, mỗi tháng chị bay vào Từ Dũ kiểm tra định kỳ một lần.
Thời điểm cuối thai kỳ chị Sang tăng 32kg nên phải vào Sài Gòn theo dõi. Chị không thể ngồi cũng không nằm ngửa được. Cả ngày lẫn đêm, chị chỉ nằm nghiêng bên trái với mong muốn con ở trong bụng ngày nào hay ngày đó.
Chị Sang đã qua về cuộc sống đời thường với công việc giảng dạy và chăm sóc hai cô con gái nhỏ
Khi thai 37 tuần, chị Sang đến viện kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán em bé có dấu hiệu suy tim cần mổ gấp. “Nằm trong phòng bệnh, tôi lo lắng mọi thứ rồi giục anh rể đề nghị bác sĩ mổ gấp. Tôi sợ đến giờ phút này có chuyện gì xảy ra với con thì sống sao nổi. Bất ngờ…tôi nghe thấy tiếng con khóc. Lúc ấy, tôi mỉm cười rồi nhắm mắt nghỉ ngơi mặc kệ mọi chuyện vì tôi biết rằng thiên thần nhỏ đã chào đời bình an”, chị Sang xúc động.
Bé trai chào đời với cân nặng 3,2kg. Nhưng con chưa một ngày được bú sữa mẹ bởi chị Sang không có sữa. Hơn nữa, chị cũng muốn đứa trẻ sớm bẹn hơi mẹ ruột nên bé được 10 ngày liền đưa về với bố mẹ. Khoảnh khắc ấy, chị đã nằm khóc nức nở vì nhớ con thương chị gái một mình chăm sóc liệu có ổn?
Nhờ tình yêu thương của gia đình, bé trai ngày một đáng yêu, bụ bẫm và kháu khỉnh. Chị Sang đã quay trở về cuộc sống đời thường với công việc giảng dạy và nuôi nấng hai đứa con gái nhỏ.
Chị Sang giống như cây xương giồng giữa xa mạc đầy cát và nắng gió. Dù đời khó khăn đến mấy, chị vẫn nở nụ cười và hát vang bài ca hạnh phúc!
No comments:
Post a Comment