Ở đó em được trao học bổng khoảng 300 triệu đồng vì Hội đồng giáo dục của trường nhận thấy “sự chính trực và lòng dũng cảm của em phù hợp với một trong các giá trị và mục tiêu đào tạo mà nhà trường lâu nay theo đuổi”. Bên cạnh “phần thưởng” lớn em còn món quà nho nhỏ khi được miễn phí xe buýt của trường đưa đón hàng ngày và bữa trưa bán trú.
Cuối cùng thì Toàn đã có một cái kết có hậu và chúng ta cũng bớt nặng nề cho bức tranh u ám của một quan hệ thầy trò lẽ ra không nên có trong môi trường sư phạm. Còn với tôi đó là một tin tốt lành cùng phần thưởng xứng đáng cho sự chính trực và dũng cảm của Phạm Song Toàn.
Thú vị hơn ngôi trường Toàn mới đến đề nghị báo giới giấu tên để “Song Toàn có thể yên tâm hòa nhập vào môi trường học tập mới”.
Nếu Toàn vẫn bế tắc và bị tẩy chay trong ngôi trường cũ hay là người gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất thì thật cay đắng cho cả em lẫn những người tin vào lẽ phải.
Thật ra em không phải người hùng hay “nhân vật chơi trội” như ai đó từng mỉa mai, đơn giản cô bé ấy chỉ nói lên sự thật mà suy cho cùng, về lâu dài tốt cho cả học sinh, cô giáo “câm lặng” lẫn nhà trường.
Em Phạm Song Toàn là học sinh dám lên tiếng vì cô giáo im lặng suốt một thời gian khá dài (nguồn ảnh: PLO)
Tiếng nói ấy không chỉ là những bức xúc bộc phát nhất thời mà như một cảnh tỉnh với cách giảng dạy, đối nhân xử thế trong nhà trường giữa thầy và trò. Tôi nghĩ từ câu chuyện này, học sinh và giáo viên rất nhiều ngôi trường khác sẽ “giật mình” nhìn lại để có những hành xử đúng đắn, hợp tình hợp lý, chan hòa hơn.
Con tôi trạc tuổi Toàn, cháu cùng bạn bè thường nhớ hay nghe lời thầy nhiều hơn vì cách đối xử thông cảm và thấu hiểu của ông ấy. Có lần cháu ốm, thầy nhờ bạn ngồi gần photo toàn bộ bài vở hôm đó rồi kẹp một mẩu giấy nhỏ “mau hết bệnh để năm nay thầy trò mình cùng qua lớp 12 vui vẻ L. C nhé!”.
Những chuyện như vậy khiến cháu và vài bạn nữa có lười mấy cũng cố học vì “thầy đã hứa với trường lớp không có bạn nào rớt tốt nghiệp và tụi con sẽ chung tay với thầy”.
Câu chuyện riêng có vẻ không ăn nhập gì với vụ việc của Toàn nhưng tôi muốn chép lại đây để muốn nói rằng cũng như học sinh khi giáo viên quan tâm, lo lắng các em cũng biết dành “phần thưởng” cho thầy cô. Mối quan hệ ấy tốt dần, chúng ta cũng nhẹ nhõm và bức tranh giáo dục cũng bớt những gam xám màu.
Còn với Toàn, có thể mấy ngày qua, em rất nặng nề và chịu nhiều áp lực cùng với gia đình. Có thể những ánh mắt nghi ngại của một vài giáo viên cùng trường không khó chịu bằng sự tẩy chay của bạn bè trong lớp. Điều ấy không chỉ làm em hụt hẫng mà có khi còn gây mất niềm tin chẳng những cho em và cả những học sinh khác muốn nói những sự thật các em cho là đúng.
Tôi còn e ngại rằng, nếu Toàn “sa lầy” ở ngôi trường cũ, hiệu ứng xấu của “thật thà thường thua thiệt” sẽ lan rộng. Rồi sẽ chẳng còn học sinh nào dám đứng lên nói những điều cần phải nói, không giáo viên nào còn đấu tranh trước sai trái của đồng nghiệp và hậu quả rất khó lường.
Phần thưởng chẳng riêng của Toàn mà là niềm vui chung của những ai tin rằng sự thật luôn có chỗ đứng, rồi sẽ được tôn trọng và tưởng thưởng xứng đáng.
Có thể đó mới chỉ là những tia sáng hiếm hoi hay còn là hy vọng lâu dài nhưng ít ra những gì đúng đã về lại chỗ đáng được trân trọng.
Học bổng đó khá lớn, tuy nhiên điều quan trọng hơn là Toàn sẽ được ở trong một môi trường mà những người lãnh đạo xác định rằng “sự chính trực và lòng dũng cảm phù hợp với một trong các giá trị và mục tiêu đào tạo mà nhà trường lâu nay theo đuổi”
Điểm số quan trọng, thành tích cũng cần thiết, danh dự của nhà trường hay thầy cô đáng được tôn trọng nhưng có lẽ ở đâu thì “sự chính trực và lòng dũng cảm” cũng nên được đặt hàng đầu. Một khi có điều đó, tôi tin không chỉ Toàn mà rồi con em và cả chúng ta chắc chắn sẽ có những “phần thưởng” xứng đáng trong tương lai.
No comments:
Post a Comment