Giáo viên đang bị “bó chân, cột tay”?
Tôi xót xa khi không ít bậc cha mẹ thời nay bảo vệ con đến mức sợ con bị phạt khi đến lớp (dù con có hư hỏng, ương bướng thế nào). Có lúc tôi cảm thấy các đồng nghiệp của mình như bị “bó chân, cột tay” bởi muốn mềm nắn rắn buông cũng khó vì không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.
Nhớ năm tôi chủ nhiệm lớp 9B, có phụ huynh thường xuyên đến trường bất ngờ để kiểm tra con. Khi lớp mất tập trung chỉ vì sự có mặt của người mẹ ấy, thì chị thanh minh: “Tôi chỉ muốn biết các cô đang dạy gì cho con tôi ở lớp”.
Chuyện trẻ con trên lớp xích mích nhau là bình thường nhưng phụ huynh ấy lại cho rằng người lớn cần phải can thiệp để không có gì đáng tiếc xảy ra. Thực tế con trai của người mẹ ấy rất ương bướng, cãi lời thầy cô, sẵn sàng đánh bạn nếu không ưng ý. Có lần, em còn đánh bạn chảy máu mũi, sưng mặt nên tôi đã yêu cầu em ra hành lang đứng hết buổi học.
Về nhà, không biết con truyền đạt thông tin thế nào, người mẹ ấy lại lên nói chuyện với giáo viên và hiệu trưởng để gây sức ép. Không hợp tác với giáo viên trong việc giáo dục con, người mẹ ấy còn đổ lỗi cho nhà trường, rằng ở trường học không an toàn, kỹ năng giáo dục của giáo viên kém. Thậm chí, chị còn nói: “Từ khi vào lớp này, con tôi bắt đầu khó bảo”.
Tôi ngậm ngùi không phải vì lời nói gây tổn thương của phụ huynh ấy. Tôi xót xa cho chính con trai chị bởi ngoài việc bênh con ra, phụ huynh không uốn nắn con. Tôi cứ nghĩ, không biết được cha mẹ nuông chiều như thế, kể cả mắc lỗi vẫn được bao che, liệu đứa trẻ ấy có thể nên người?
Dù gì thì các giáo viên cũng cần “chân kiềng” gia đình để có kết quả tích cực trong việc uốn nắn và giáo dục trẻ.
Một lần khác, tôi phạt một học sinh nam chỉ vì quay cóp trong giờ kiểm tra bằng việc hủy kết quả đó và thay bằng một bài kiểm tra khác. Cha của em đã đến trường nói: “Cô phạt thế là giết cháu rồi, liệu cháu có đủ điều kiện thi vào trường chuyên hay không?”.
Tôi bất bình trước sự vô lý của phụ huynh và có lý giải rằng, tôi không chấp nhận sự quay cóp trong thi cử. Tôi không muốn tiếp tay nuôi dưỡng sự dối trá trong nhân cách của các em trong tương lai. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm trước các em và tôi không thể làm khác.
Thế nhưng cha của học sinh ấy khăng khăng cho rằng, thời buổi này chuyện gian lận trong thi cử là bình thường. Thậm chí, người cha ấy còn lý luận cùn: “Tôi đổ tiền ra cho con đến lớp nên không chấp nhận một kết quả học tập tồi”. Khi ấy, tôi nghẹn ngào bất lực trước tư tưởng bảo thủ và lệch lạc của phụ huynh.
Chân kiềng… gia đình
Nhiều người cứ nghĩ, phạt học sinh bằng đòn roi, bằng sự nghiêm khắc là ác cảm với các em, là phản giáo dục. Nhưng thú thực, nhìn các em mắc lỗi mà phải làm ngơ, tự trong lòng, tôi thấy đau lắm.
Trong vài năm gần đây, tôi luôn trăn trở một điều, rằng làm sao để có thể giúp trẻ tỉnh ngộ mà không gây tổn thương cho em? Tôi hiểu, đứa trẻ dù có ương ngạnh, khó bảo đến đâu cũng là một đứa trẻ. Chúng cũng có cái tôi cá nhân, dễ bị tổn thương và luôn cần có thuốc chữa. Có giáo viên lựa chọn việc khắt khe đưa trẻ vào nếp bằng việc phạt. Có giáo viên lại lựa chọn một “sức mạnh mềm” khác để thức tỉnh các em. Dù gì thì chúng tôi cũng cần “chân kiềng” gia đình để có kết quả tích cực trong việc uốn nắn và giáo dục trẻ.
Con đường các em đi còn nhiều chông gai, nhiều chướng ngại vật đòi hỏi các em phải có bản lĩnh vượt qua. Nếu như ngay từ nhỏ, các em không nề nếp, nếu như các em cứ quậy phá mà không biết tôn trọng các thành viên khác nghĩa là em thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình.
Chúng ta không thể để các em “lớn người” nhưng chưa trưởng thành. Trẻ có thành công, có nên người trong tương lai hay không là do người lớn chúng ta uốn nắn ngay từ ngày hôm nay. Bởi thế, là một cô giáo, tôi tha thiết mong phụ huynh hãy thức tỉnh chính mình, đừng ru ngủ mình bằng việc che chắn cho con nữa.
Các con cần được vươn ra ngoài, cần được va đập mới nên người. Nếu không biết mình sai ở đâu, nếu mắc lỗi vẫn được cha mẹ bao biện, giáo viên làm ngơ, biết đâu các em sẽ còn mắc những lỗi lớn hơn, hụt hơi khi bước chân ra ngoài xã hội?
No comments:
Post a Comment