"Khaisilk thay mác là xúc phạm các nghệ nhân lụa truyền thống"
Những ngày vừa qua, thông tin về việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn có nhãn mác “Made in China” đang khiến người tiêu dùng hoang mang.
Đặc biệt, trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khải Silk thừa nhận suốt gần 30 năm qua, Khaisilk đã nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn Việt Nam.
Ông Khải nhấn mạnh ngành tơ lụa của Việt Nam một thời gian dài phát triển khá chậm. Thậm chí, đến làng nghề tơ lụa Vạn Phúc (Hà Đông), bản thân ông cũng khó phân biệt hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam. Và để mua được sản phẩm đúng của Việt Nam chính ông cũng không chắc chắn.
Trước thông tin trên, chúng tôi đã tìm về làng lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc – Hà Đông. Tại đây, từ các hộ kinh doanh đến gia đình sản xuất lụa truyền thống đều vô cùng bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Thoa (56 tuổi) người kinh doanh mặt hàng lụa thủ công lâu năm ở làng Vạn Phúc nói: “Những mặt hàng chúng tôi bán hoàn toàn là lấy từ các xưởng sản xuất thủ công trong làng. Nói chúng tôi bán hàng Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt”.
Bà Thoa cho biết, việc thay nhẵn mác là xúc phạm các nghệ nhân làng nghề truyền thống
Còn về hành vi cắt mác của Trung Quốc, dán mác của Việt Nam vào để lừa dối khách hàng là việc làm không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến thương hiệu lụa ở làng Vạn Phúc nói riêng và các mặt hàng lụa trên cả nước nói chung.
“Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu, mà nó còn sự xúc phạm tới những nghệ nhân dành cả đời tâm huyết với làng nghề truyền thống”, bác Thoa bức xúc.
Một nghệ nhân già đang se tơ
Nhiều công đoạn vẫn được làm thủ công
"Ở Vạn Phúc có liên kết trao đổi chứ không đánh tráo thương hiệu"
Là một nghệ nhân có hơn 30 năm kinh nghiệm dệt lụa, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà thẳng thắn nói: “Việc cắt mác lụa của Trung Quốc, gắn mác của Việt Nam vào là việc làm phi đạo đức, đây là hành vi lừa dối khách hàng.
Ông Hà nhận định việc thay nhẵn mác là phi đạo đức trong kinh doanh
Tại địa phương chúng tôi, hiệp hội luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng.
“Lụa là mặt hàng kén khách, vì thế ai bán lụa mà lừa dối khách hàng thì sẽ không thể tồn tại. Theo tôi, để kinh doanh thành công với mặt hàng này thì trước hết phải tâm huyết với nghề, phải trung thực với sản phẩm mà mình làm ra và phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng về sản phẩm”, ông Hà nói.
Ông Phạm Khắc Hà chia sẻ về vấn đề đạo đức khi kinh doanh sản phảm lụa truyền thống
Cùng quan điểm trên, bà Mão - chủ một xưởng dệt có tiếng ở làng luạ Vạn Phúc khẳng định, khi sản xuất ra một sản phẩm lụa, việc trao đổi là có, nhưng chỉ là trao đổi giữa các làng nghề truyền thống, chứ không có chuyện “hoán đối” nhãn mác.
“Chúng tôi chỉ dệt vải, chứ không nuôi được tằm, nên phải liên kết với nơi nuôi tằm để lấy tơ về dệt vải. Hay muốn tạo ra một chiếc chăn tơ tằm, chúng tôi phải liên kết với làng nghề chuyên sản xuất chăn… Nhìn chung là sự liên kết trong các làng nghề là có, nhưng đó đều là những làng nghề truyền thống chứ không có chuyện “đánh tráo” thương hiệu”, bà Mão nói.
Ông Phạm Khắc Hà chỉ cách chọn lụa Vạn Phúc chuẩn: - Nhìn vào hoa văn: Lụa Vạn Phúc làm ra, hoa văn được tạo ra trong quá trình dệt, còn hàng nước ngoài đa số là hoa văn được in lên trên lụa.
Sản phẩm lụa của Vạn Phúc được in logo chìm - Lụa của Trung Quốc chỉ sử dụng được một mặt, còn lụa của Vạn Phúc sử dụng được cả hai mặt. - Nét hoa văn ở Vạn Phúc mang đậm văn hóa của Việt Nam, nên khi mua chúng ta phải nhận biết được những hoa văn thể hiện văn hóa của đất nước. Không bao giờ Trung Quốc sử dụng hoa văn văn hóa của Việt Nam để in lên lụa Trung Quốc. |
>> Xem thêm: Khaisilk thừa nhận bán khăn Trung Quốc, xin lỗi và hứa bồi thường
Theo Lê Phương (Khám phá)
No comments:
Post a Comment