Dòng trạng thái 'chạm' đến nỗi lòng của nhiều giáo viên
Sau khi công khai thu nhập trên trang Facebook cá nhân, thầy giáo Nguyễn Đăng Khoa - Giáo viên Ngữ Văn, trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vô cùng bất ngờ khi nhận được hàng ngàn lượt thích và chia sẻ rộng rãi của cộng đồng mạng.
Thầy Nguyễn Đăng Khoa trong một giờ lên lớp. (Ảnh. NVCC)
"Sau gần 20 năm ra trường, đây là lần đầu tiên mình công khai chia sẻ thông tin thu nhập của một viên chức ngành giáo dục. Không phải chê ít hay kêu ca phàn nàn gì mà do gặp được dãy số rất đẹp. Sau khi trừ đi các khoản như: Đảng phí, Công đoàn phí, quỹ tham quan, quỹ vì người nghèo, quỹ thăm hỏi và một số loại quỹ khác nữa thì còn lại con số 5.678.000 VND” – Thầy Khoa viết trên dòng trạng thái Facebook.
Lương mỗi tháng gần 6 triệu đồng nhưng thầy Khoa dự định phải chi tiêu rất nhiều khoản khác nhau. (Ảnh. FB)
Ngoài ra, với số tiền lương ít ỏi này, thầy Khoa còn dự định sẽ chi cho việc mua sắm quần áo, giày dép, dụng cụ dạy, học cho thầy và hai con chuẩn bị vào năm học mới; trả phí điện thoại, Internet, truyền hình, gas, điện nước; mua lương thực, thực phẩm dự trữ cho mùa mưa bão...
Thầy giáo dạy Văn còn “hóm hỉnh” cho biết sẽ tích lũy một phần số tiền trên để thực hiện kế hoạch mua ô tô, mua nhà ở thành phố và cho con học đại học rồi chạy việc vào công chức nhà nước.
“Mình không dám để dành cho khoản ốm đau bệnh tật vì thời buổi thuốc thật thuốc giả lẫn lộn, mua làm chi cho phí tiền. Lỡ có ốm thì phó mặc cho số trời vậy” – Thầy Khoa phân vân viết.
Bên cạnh đó, giáo viên này còn nhờ các bạn giỏi Toán tính giúp là với thu nhập đó, khoảng khi nào thì sẽ mua được nhà, xe và lo công việc cho con cái?
Cuối dòng trạng thái, thầy Khoa mong muốn "ai có việc gì đó làm thêm thì bảo thầy với".
Sau khi được đăng tải, dòng tâm trạng trên của thầy giáo dạy Văn đã được cộng đồng mạng chia sẻ một cách rộng rãi, đa phần đều trăn trở với mức lương thầy ở thời điểm hiện tại mặc dù đã có thâm niên 20 năm đứng lớp, đặc biệt là các thầy, cô giáo đang công tác trong nghề.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet về dòng trạng thái rất đời thường này, thầy Nguyễn Đăng Khoa cho biết: “Lúc đầu tôi cũng không nghĩ hiệu ứng truyền thông tốt đến như vậy, lâu nay cán bộ công chức, viên chức, người làm công ăn lương thì họ rất chật vật, khó khăn với đồng lương của mình để lo cho gia đình”.
“Với những người chỉ có lương, không có chức vụ và phụ cấp thì rõ ràng họ rất khó khăn trong cuộc sống. Những cái này không phải ai cũng nói được nên khi đăng tải đã được rất nhiều người chia sẻ và đồng cảm, đặc biệt là các thầy, cô giáo” – Thầy Khoa nhấn mạnh.
Ngoài công việc giảng dạy, thầy Khoa tham gia dạy võ để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh. NVCC)
Đam mê hoạt động thiện nguyện, xoay xở đủ nghề để kiếm sống
Chuyển từ Tây Nguyên về công tác tại Trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ từ năm 2002, vợ cùng là nghề giáo với đồng lương ít ỏi. Và để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống cho gia đình, thầy Khoa đã phải bươn chải, làm thêm nhiều công việc khác nhau.
"Mỗi tuần tôi dạy 17 tiết tại trường, những lúc rãnh rỗi thì tranh thủ đứng lớp dạy võ, làm MC đám cưới hay tư vấn bảo hiểm…" - thầy giáo dạy Văn nói.
Hay làm MC đám cưới... (Ảnh. NVCC).
Là người ham học hỏi, khi chia sẻ về môn học Ngữ Văn trong suốt 20 năm đứng lớp, thầy Khoa tâm sự: Trong quá trình lên lớp, tôi thường tích hợp thêm kiến thức của môn xã hội (như Sử, Địa) để trao đổi, trang bị cho các em một nền tảng kiến thức xã hội thật tốt để giúp các em có cái nhìn sâu sắc, tìm ra triết lý của cuộc sống.
Ngoài các hoạt động ở nhà trường, thầy giáo Đăng Khoa được nhiều người biết đến khi tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện để kêu gọi, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, éo le trên địa bàn.
Đồng thời kết nối với nhiều nhóm sinh viên tình nguyện để tìm chỗ ở, xe ôm miễn phí cho sĩ tử tại TP Vinh và các vùng phụ cận vào những mùa tuyển sinh đại học trước đây...
GV dạy Ngữ Văn còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. (Ảnh. NVCC).
Mặc dù với mức lương bèo bọt trong suốt 20 năm đứng lớp, đào tạo biết bao thế hệ cho học trò, thầy giáo Đăng Khoa vẫn sẽ luôn gắn bó với nghề “trồng người”. Đối với thầy, đã chọn nghề, yêu nghề thì phải luôn tâm huyết và có trách nhiệm với học trò.
“Muốn "đọc" được tương lai một quốc gia, hãy nhìn vào nền giáo dục nơi đó. Muốn đọc được tương lai của một nền giáo dục, hãy nhìn vào cách cư xử với nhà giáo” – Thầy Khoa tâm niệm.
No comments:
Post a Comment