Cuối tuần qua, tại phòng 112 khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ đã khỏi bệnh được về đúng dịp nghỉ lễ 2/9 vui mừng ngồi chờ cha mẹ hoàn tất thủ tục xuất viện.
Riêng giường bệnh phía trong, chị Huỳnh Thị Lệ Đảm (35 tuổi, Quảng Ngãi) tỏ vẻ mệt mỏi khi ngồi xoa bóp chân tay cậu con trai 6 tuổi – bé Lê Văn Đông.
“Bác sĩ nói thằng bé không thể đứng dậy đi..."
Nhớ lại 1 năm trước, chị Đảm kể trong lúc hai vợ chồng đang làm việc, bé Đông nghịch chơi một mình bị trượt chân, ngã mạnh vào bàn thờ ngoài sân và bất tỉnh. Hoảng sợ, họ đưa con trai vào bệnh viện địa phương cấp cứu và được chẩn đoán bị vỡ thực quản nặng.
Ngay lập tức, bác sĩ đã chuyển bé Đông đến một BV nhi ở Đà Nẵng. Tại đây, cậu bé được các bác sĩ mổ 3 lần để nối thực quản nhưng không thành công, chỉ cần đưa thức ăn vào miệng là dịch tràn xuống phổi.
Cuối cùng, bác sĩ phải mổ cắt đoạn thực quản bị vỡ và phẫu thuật đưa thực quản ra ngoài để bơm trực tiếp thức ăn, chất dinh dưỡng vào cơ thể.
Phải vất vả lắm chị Đảm mới dỗ dành bé Đông ngủ một lúc
Những tưởng bé Đông chỉ mắc từng ấy bệnh, ngờ đâu chị Đảm phát hiện thêm con trai bị liệt hai chi dưới. Chị tâm sự: "Hồi còn nằm ở viện ngoài Đà Nẵng, tôi thấy đôi chân thằng bé cứ thẳng tuột và trắng bệch nên mới véo thử thì thấy con không đau đớn gì. Vợ chồng tôi báo bác sĩ và được chỉ định đưa con đi chụp MRI.
Kết quả chụp chiếu cho thấy con bị chấn thương tủy sống đoạn D5-D6 khiến hai chi dưới liệt hoàn toàn, thậm chí đi vệ sinh cũng không thể kiểm soát. Ngoài ra, bác sĩ nói con trai tôi sẽ mãi mãi không thể đứng dậy đi".
6 tháng bé Đông nằm bất động tại Đà Nẵng, vợ chồng chị Đảm gần như đuối sức. Nhưng với tình thương con, chị không cam lòng, nỗi lực bằng mọi giá phải chữa bệnh cho con. Vì vậy, chị đã quyết định chuyển viện cho con trai vào Sài Gòn với hi vọng sớm khỏi bệnh.
Bé Đông đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật trong hơn 1 năm qua
Chấp nhận con trai "bán thân bất toại" cả đời
Khi bé Đông nhập viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật đóng thực quản nhưng tình trạng tắc nghẽn trong lúc ăn vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, do bé không tự chủ được vấn đề vệ sinh nên buộc phải lắp hậu môn nhân tạo.
“Sau phẫu thuật, con trai tôi có thể uống sữa hoặc ăn cháo loãng và nói được vài câu đơn giản. Hôm nay, bác sĩ kiểm tra thấy sức khỏe của thằng bé ổn hơn nên quyết định tuần sau cho xuất viện về quê. Khi nào tới ca phẫu thuật nong thực quản, hai mẹ con sẽ xuống lại bệnh viện.
Phần cơ thể từ ngực trở xuống của con đã liệt hoàn toàn. Họ nói chỉ có thể ra nước ngoài mới có khả năng chữa trị nhưng tỉ lệ thành công thấp vì con đã mổ quá nhiều”, chị Đảm buồn rầu cúi mặt nhìn những vết băng chằng chịt trên cơ thể đứa con trai bé nhỏ.
1 năm ròng đưa con chạy khắp các viện cứu chữa, vợ chồng chị Đảm chia ra mỗi người một nơi. Chị bảo, từ ngày bé Đông nằm viện, chị đã bỏ hết công việc theo con đi chữa bệnh. Mọi gánh nặng cuộc sống dồn lên đôi vai người chồng.
Đôi chân của bé Đông đã bị liệt hoàn toàn, rất khó có thể phục hồi
“Trước kia, vợ chồng tôi làm thợ hồ, mỗi ngày kiếm được chừng 200 nghìn đồng. Số tiền ấy, tôi dành dụm chi tiêu sinh hoạt và nuôi 3 đứa con ăn học. Giờ thằng hai nằm viện, ông xã phải gánh vác mọi thứ. Còn đứa lớn và bé gái út ở nhà tự chăm sóc nhau. Nghĩ đến chúng, tôi cũng xót lắm nhưng đành chịu”, chị Đảm nghẹn ngào.
Nhắc đến ca phẫu thuật nong thực quản sắp tới, chị Đảm cho biết chuỗi ngày con nằm viện đã tốn hơn 100 triệu đồng. Số tiền này phần lớn do họ hàng và làng xóm chung tay gúp đỡ.
“Thực sự, vợ chồng tôi không còn đồng xu nào chữa bệnh cho con. Giờ cứ đến đâu hay đến đó, có lẽ ca phẫu thuật tới tôi sẽ đi vay mượn tiền. Còn chuyện chữa trị bệnh liệt nửa người của con thì chắc không thể thực hiện được. Đành chấp nhận để thằng bé nằm yên một chỗ cả đời”, chị Đảm xót xa.
No comments:
Post a Comment