TS bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Đau đầu chuyện con trẻ
Chị Nguyễn Thu Phương trú tại Đình Thôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội tâm sự, hai tuần vừa qua, từ khi nghỉ Tết, con gái chị 4 tuổi, con trai 2,5 tuổi, vẫn chưa thể quay lại nhịp sống như cũ. Ra Tết, đứa thì táo bón, đứa lại rối loạn tiêu hoá.
Nhìn con trai 30 tháng tụt mất 1kg, còn 12 kg, bố mẹ cho ăn gì cũng lắc đầu quầy quậy khiến chị Phương vừa bực mình vừa mệt mỏi.
Bé Diệp An nhà chị 4 tuổi vì ăn nhiều đồ ngọt, không ăn rau xanh và trái cây nhiều như trước khiến cháu bị nhiệt trong người.
Hay như gia đình anh Nguyễn Đăng Hải trú tại Đại Cồ Việt, Hà Nội cũng tương tự. Sau Tết, anh chị vội cho con đi tìm bác sĩ vì cháu bị rối loạn tiêu hoá sụt mất 1kg. Sau Tết, ăn gì cháu cũng kêu chán và đi ngoài phân sống nên vợ chồng anh cho con đi kiểm tra.
Anh Hải kể, năm nào cũng thế, sau Tết là vợ chồng anh thấy mệt mỏi vô cùng vì các cháu biếng ăn, bỏ bữa liên miên. Phải mất 1 tháng thì mới quay trở lại như cũ được.
Không bị biếng ăn như con chị Phương, con trai chị Vũ Kim Anh – Hoàng Mai, Hà Nội lại tăng 3kg, từ 60 kg lên 63kg. Cháu lớn nhà chị nghiện đồ ngọt và nước đóng chai nên Tết đến là cháu lại thả phanh.
Dù nhà chị không uống nhưng vẫn phải mua về để tiếp khách. Còn cu cậu hễ cứ khát là bật lon nước ngọt lên uống. Ngày Tết, chị cũng không muốn càu nhàu con chuyện ăn uống nhiều nên để bé ăn thoải mái. Kết quả là chỉ sau 10 ngày Tết cháu tăng 3kg.
Cần giữ thăng bằng ăn uống
TS BS Nguyễn Trọng Hưng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết, sau mỗi dịp Tết, số người tìm đến các bác sĩ để khám và tư vấn dinh dưỡng lại tăng cao. Người thì than thở con lười ăn, không tăng cân. Người lại khổ sở vì con tăng cân không kìm hãm được.
Theo TS Hưng, bình thường ở trẻ nhỏ hấp thụ tốt cũng chỉ tăng từ 2-3 lạng mỗi tháng, với trường hợp tăng 2-3 kg chỉ trong thời gian ngắn như vậy là bất thường. Đặc biệt việc tăng cân nhanh và dễ dàng trong thời gian ngắn như thế lại hay rơi vào những đứa trẻ có thể trạng béo phì.
Ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng có nhiều đồ ăn dễ tăng cân như bánh mứt kẹo, đồ uống có ga, bánh chưng, các loại thực phẩm giàu chất béo và bột đường khác.
Cộng thêm thói quen sinh hoạt thay đổi, ít vận động thể lực khiến cho không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn vốn có thể trạng béo càng dễ tăng cân hơn.
Trong khi đó, béo phì lại là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh mạn tính không lây nguy hiểm khác như đái tháo đường, tăng rối loạn mỡ máu, tim mạch, gout…
Nguyên nhân là do bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con, trẻ thường ăn uống lung tung. Nhiều trẻ vốn đang trên đà phục hồi chứng biếng ăn, vì những thay đổi trong sinh hoạt ngày Tết, khiến trẻ tái lại, thậm chí còn biếng ăn hơn trước. Trẻ lại rơi vào vòng luẩn quẩn “biếng ăn – kém đề kháng - ốm – biếng ăn”, khiến cả trẻ và cha mẹ cũng mệt mỏi.
Chính vì vậy, việc đầu tiên phục hồi cho trẻ cả béo phì, biếng ăn chính là thiết lập lại chế độ sinh hoạt; tiếp đến là lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Cha mẹ cần kiên trì với trẻ.
Để giữ được chế độ dinh dưỡng đảm bảo và cân bằng, TS Hưng cho biết, bất cứ ai cũng phải đảm bảo đủ khẩu phần ăn nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối 3 chất đạm, đường, béo cho cơ thể.
Để tránh ngán, hạn chế dầu mỡ nên thay các món chiên rán, xào nấu các món luộc, trộn, hấp. Và quan trọng vẫn là tăng cường tập luyện, vận động.
No comments:
Post a Comment