Tại nhà giữ xe Bệnh viện (BV) Sài Gòn ITO vào một ngày gần cuối tuần, bà Tuyết Châu ôm chặt một hộp quà vuông, gói giấy cẩn thận. Vừa đi về hướng các lầu BV, bà vừa hỏi bảo vệ: “Hôm nay bác sĩ (BS) Xuân Anh vẫn khám ở tầng hai hay khám ở tầng nào, chú ơi?”. Trước đây bà Châu mắc bệnh nặng, nằm một chỗ trong thời gian dài.
“Nhờ ổng, tôi ngồi dậy được rồi”
Đến khi gặp BS Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, BV Sài Gòn ITO, bà Tuyết Châu như gặp được ân nhân đời mình. “BS chữa cho tôi tận tình, nói chuyện nhẹ nhàng, hướng dẫn tỉ mỉ từng chút một. Mấy nay tôi ngồi được, đi được nên tranh thủ mua bức tranh về thêu. Ba tháng hơn tôi thêu mới xong, nay mang lên cảm ơn BS, của ít lòng nhiều” - bà Tuyết Châu chia sẻ.
Phòng làm việc của BS Xuân Anh, ngoài tranh ảnh hay những món quà xinh xinh của bệnh nhân còn thường nhận được tấm lòng bình dân của bà con đến khám tại đây, có khi đơn sơ là chục trứng, con gà.
Tốt nghiệp ĐH Y Dược năm 1998, BS Nguyễn Xuân Anh xin đến học việc tại khoa Cấp cứu, BV Chấn thương Chỉnh hình. Tại đây, anh thường xuyên phải chứng kiến cảnh bệnh nhân bị dập nát tay chân, phải cắt cụt mà không còn cách nào cứu giúp. Anh chủ động xin học vi phẫu, nghiên cứu các kiến thức vi phẫu, nối mạch máu… “Lúc đó BS mổ vi phẫu ít nên có quãng thời gian tôi đứng bàn mổ mỗi ngày gần 12 tiếng, từ sáng đến tối mịt mới ra ngoài. Riết rồi kinh nghiệm dày lên, tôi chuyển công việc đến nhiều BV, phòng khám khác để nâng cao tay nghề, tích lũy thêm kiến thức vi phẫu” - BS Xuân Anh kể.
Từ việc cố gắng học vi phẫu, tiến đến một môi trường làm việc chuẩn quốc tế nhưng sau đó BS Xuân Anh lại chuyển về làm hợp đồng cho các BV, phòng khám khác. “Đa phần bệnh nhân đến với tôi khi tôi còn làm BV lớn chủ yếu thuộc tầng lớp khá giả, có điều kiện. Trong khi đó, bên ngoài có rất nhiều người bệnh tật hoàn cảnh khó khăn cần mình giúp. Vì thế tôi tìm BV khác để có thể tiếp cận, giúp đỡ nhiều đối tượng bệnh nhân hơn” - BS Xuân Anh cho biết.
Niềm hạnh phúc của BS Xuân Anh khi cùng đồng nghiệp cứu được bàn tay đứt khúc của bệnh nhân Ngô Thị Mỹ Anh 10 năm trước. Ảnh: CTV
Bà Tuyết Châu mang bức tranh vừa thêu xong đến tặng BS Xuân Anh. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Bỏ tiền túi mổ miễn phí cho bệnh nhân
Tận dụng sức mạnh từ mạng xã hội Facebook, vị BS này thường xuyên chia sẻ những trường hợp tiểu phẫu, những ca phẫu thuật khó được thực hiện thành công.
Gia đình chị Phạm Thị Loan (ngụ Bình Thuận) vẫn chưa thể nào quên cảm giác hạnh phúc của cô con gái nhỏ Bùi Hà Minh Anh cách đây gần một năm. Bé Minh Anh mắc hội chứng Aperts hiếm gặp, hai bàn tay dính chùm cả năm ngón. Từ việc học tập đến sinh hoạt Minh Anh đều gặp khó khăn do không thể cầm nắm. Nhìn thấy con gái mình tự ti với bạn bè, chị Loan quyết đưa con vào TP.HCM với mong muốn tìm được cách cứu chữa cho con. Thế mà sau khi được BS Xuân Anh chẩn đoán bệnh và cho lời khuyên cần phẫu thuật sớm, chị Loan gạt nước mắt đưa con về, biệt tích không quay lại tái khám vì số tiền phẫu thuật quá lớn.
Chờ mãi không thấy bệnh nhân, biết được nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình chị Loan quá khó khăn, BS Xuân Anh đã lên mạng xã hội nhờ cộng đồng mạng tìm cháu bé, hứa mọi chi phí sẽ được BS lo. Chưa đầy hai giờ, phép màu Facebook đã kết nối BS Xuân Anh với gia đình chị Loan. Và gần một năm sau, cô bé Minh Anh đã có thể cầm bút viết chữ.
Nhiều trường hợp bệnh nhân khác phải mổ nhưng không có tiền, BS Xuân Anh đều trích tiền túi ra giúp hoặc nhờ đến bạn bè, mạnh thường quân trên Facebook cùng chung tay. “Thực ra tôi quan niệm giúp được tới đâu tôi cứ giúp, trừ trường hợp nào bệnh nhân cần số tiền rất lớn, tôi mới phải nhờ giúp đỡ từ bạn bè. Đi xin tiền cũng ngại lắm nên tôi rất cân nhắc và hạn chế” - BS Xuân Anh bộc bạch.
Tận dụng “5 năm vàng” giúp người nghèo
Sau 10 năm phẫu thuật nối năm đoạn tay bị đứt khúc, chị Ngô Thị Mỹ Anh luôn nhớ hình ảnh người BS trẻ 10 năm trước đã tỉ mỉ từng mũi chỉ, mang đến cánh tay lành lặn ngày nay cho chị. Ngày chị bị máy cán nhôm cắt nát tay thành năm khúc, BV đã có chỉ định cắt toàn bộ phần tay dập nát. Tâm tư một cô gái sắp ra mắt nhà chồng chạm đến BS Xuân Anh. “Khi nghe cô gái kể về hoàn cảnh và mơ ước của mình, tôi đã quyết định khâu nối năm khúc tay bằng toàn bộ khả năng mình có thể. Hôm đó, tôi đứng bên bàn mổ từ tối đến lúc mặt trời mọc mới xong, hơn 12 tiếng, có đoạn tôi xây xẩm do bị hạ đường huyết, phải nằm tạm xuống ngay tại phòng mổ, uống chút sữa mới dậy phẫu thuật tiếp được. Công sức của tôi ngày hôm đó đến nay đã đơm hoa kết trái. Cô gái trẻ giờ đã có hai đứa con, hạnh phúc với gia đình. Vậy là quá đủ cho tôi và các đồng nghiệp” - BS Xuân Anh chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
“Cái nghề vi phẫu nó tỉ lệ nghịch với tuổi tác bởi càng lớn mắt BS càng mờ, tay càng run. Cho nên tôi muốn tận dụng năm năm tới, khi tay vẫn còn dẻo dai, khéo léo mà làm đẹp cho bàn tay, bàn chân bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, cần mình giúp đỡ” - BS Xuân Anh tâm sự.
GS-TS-BS NGUYỄN TẤN BỈNH, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Trân trọng từng đóng góp của đội ngũ Ngành y tế TP luôn luôn nỗ lực thay đổi, đầu tư để tiếp tục đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Thách thức đặt ra cho ngành y mỗi ngày là tìm ra giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, song hành với đó là nhu cầu của chính các đơn vị, BV phải tự thay đổi hoàn thiện mình để phát triển trong tình hình mới. Mỗi cố gắng, sáng tạo, nỗ lực của bất kỳ cá nhân hay tập thể BS nào cũng rất đáng ghi nhận. Sở Y tế rất trân trọng những đóng góp của đội ngũ y BS ngành y tế. Việc xây dựng hình ảnh người thầy thuốc trẻ vững tay nghề, chất lượng sống được nâng cao đều nhờ sự đóng góp quan trọng của đội ngũ y tế đang làm việc với tinh thần trách nhiệm, y đức và tình cảm đặc biệt với người bệnh. Sở Y tế TP.HCM luôn tạo điều kiện cho những nỗ lực của các thành viên ngành y tiếp tục cống hiến, tận tâm. Chúng tôi đang cố gắng làm sao để mỗi người thầy thuốc đều sống và làm việc đúng với mong mỏi “lương y như từ mẫu” như người dân mong đợi. Lấy móng chân cấy ghép thành móng tay Ngoài những tâm huyết và tấm lòng với nghề, BS Xuân Anh còn được biết đến là một người BS sáng tạo, tỉ mẫn từng chút một. Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân bị cắt cụt ngón do tai nạn không thể tái tạo móng, BS Xuân Anh đã mày mò, tự tìm tài liệu, nghiên cứu việc lấy móng chân làm thành móng tay cho bệnh nhân. Đến nay nghiên cứu của BS Xuân Anh đã thực hiện thành công cho trường hợp thứ ba, tạo cho bệnh nhân móng tay mới rất đẹp. |
No comments:
Post a Comment