Saturday, February 25, 2017

Dòng nhật ký đặc biệt của hot girl trên bục giảng đang từng ngày giành giật sự sống

"Bệnh tật cũng chỉ là một biến cố trong cuộc đời"

Đó là những dòng chữ trong cuốn nhật ký của cô gái còn rất trẻ Nguyễn Phạm Thanh Hằng (SN 1989, giáo viên trường THCS Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội). Không đau khổ đầu hàng số phận, ngày ngày Hằng đều đặn viết vào cuốn sổ mà cô đặt tên là "Nhật ký chiến đấu với ung thư trực tràng giai đoạn cuối" với một tinh thần lạc quan, kiên cường chống lại bệnh tật.

"14h30 ngày 28/12/2016 rút kim xong tớ lả đi. Nằm mê man không thể dậy được. 16h anh đến dọn đồ chở tớ về thì cũng là lúc tớ bắt đầu đau đớn. Những cơn đau bụng chỉ cách nhau 1 - 2 phút. Bụng nổi cục cứng giống như khối u trồi lên. Bụng tớ như muốn vỡ ra, tớ không thở được, tim giống như bị ai bóp nghẹt lại ... tiêm giảm đau cơn đau đã ngừng, tớ cảm thấy sợ hãi cái giường bệnh mà mình bị trói tay 3 ngày qua. 

21h hết thuốc giảm đau tớ lại đau y hệt như lúc chiều. Sức chịu đựng yếu hơn. Tớ nằm rét run trên giường giống như bị sốt rét. Tớ khóc và đã gọi bố cho con đi theo với con không chịu đựng được! Mẹ nằm cạnh và nắm chặt tay tớ. Tớ ngủ thiếp đi lúc nào không biết...

Câu chuyện về nghị lực vượt qua căn bệnh hiểm nghèo của cô giáo Nguyễn Phạm Thanh Hằng khiến nhiều người cảm phục.

29/12/2016: 3h sáng tớ tỉnh, bụng còn đau quặn nhè nhẹ, sờ thấy cục cứng nổi lên. Mẹ đã ra giường gấp nằm ngủ. Lúc ý thấy thương mẹ ghê gớm...

9h sáng anh chở tớ về. Về đến khu chợ quen thuộc tớ bật khóc, những mớ rau, những hàng rong, những xô bán hoa quen thuộc đây mà, tớ được về nhà rồi. Tớ nằm mê man ở nhà từ mấy giờ đến mấy giờ tớ cũng chẳng nhớ được. Chỉ nhớ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng mẹ gọi sau đó mẹ đổ vào mồm tớ nước và sữa.

Khoảng chiều 4 - 5h tớ dậy được. Đau tớ cố chịu không uống giảm đau nhiều tớ sợ nhờn thuốc... Nhớ trường, nhớ học sinh, thèm được nghe các con hát quá...

30/12/2016: Mở mắt ra nhìn thấy phòng mình, tớ biết mình còn sống!

Bị trói tay truyền 3 ngày 2 đêm liền, tớ mong chờ từng giây đến lúc rút kim truyền để có thể về nhà và sáng hôm sau xuống trường. Thật không ngờ:

...29 Tết: Bệnh gì thì cũng đẹp, làm mứt dừa để ăn Tết đã. Yên tâm cho cả nhà có dừa sợi, dừa viên rực rỡ luôn. Thứ 2 vào viện; 29, 30 Tết mới được về cũng chả lo. Bạn Hằng yêu lắm Tết cổ truyền Việt Nam...

...24/2/2017: Những đợt truyền trước về nhà là bị dị ứng nổi nốt dày bì 2 bên chân xong 1 thời gian lại lặn. Đợt vừa rồi về không nổi chân nữa mà nốt nổi trong mồm ăn đến là đau. May mình cầm tinh con lợn nên đau vẫn chén… Mấy hôm dã chiến nước đỗ đen thì nó cũng lặn, lại đến lượt lợi chân răng tự nứt ra, xót thắt tim, đánh răng là máu me như đi đấm nhau về. Lại dã chiến nước đỗ đen hầm, có vẻ đỡ dần. Sang ngày thứ 2 của đợt 5 rồi, mai chắc được về nhà”.

Trong hành trình hơn 2 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối từ hồi trung tuần tháng 12/2016 đến nay, Hằng đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Khóc lóc, buồn bã, hoảng loạn thậm chí có lúc tưởng như sắp từ giã cõi đời nhưng trên hết người ta thấy ở cô gái trẻ tinh thần lạc quan và nghị lực mạnh mẽ vượt qua bạo bệnh.

Gặp Hằng khi vừa truyền xong đợt hóa chất lần thứ 5, cô giáo trẻ vẫn giữ nụ cười tươi rói trên môi. Hằng kể, từ khi phát hiện bệnh và điều trị đến nay bạn vẫn ăn uống bình thường nên tăng đến 2kg.

“Cuối năm ngoái, mình hay buồn nôn, đi ngoài, đặc biệt ho nhiều. Ban đầu, mình chỉ nghĩ do “bệnh nghề nghiệp” là viêm amidan nên đi khám bác sĩ tai - mũi - họng. Sau khi bác sĩ nói không phải do viêm amidan thì đến Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội khám và phát hiện bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Gia đình, đồng nghiệp ai cũng sốc vì nhìn mình vẫn khỏe mạnh bình thường”, Hằng nhớ lại thời điểm phát hiện ra căn bệnh quái ác.

Thời điểm ấy, Hằng vừa thi xong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, được cử đi thi vòng thành phố nên 3 – 4 ngày cô giáo chỉ khóc lóc buồn bã, không muốn ăn uống. “Nhưng rồi thấy gia đình lo lắng, mình vực dậy tinh thần, nghĩ mọi chuyện đơn giản. Mình nhập viện với tinh thần thư thái, lạc quan nên ăn uống tốt, cơ thể khỏe hơn”, cô nhớ lại.

Khó ai tin được cô gái có thần thái tươi trẻ, xinh đẹp này đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Từ những dòng nhật ký, Hằng nhận được sự quan tâm, động viên của rất nhiều người ở khắp mọi miền đất nước. Hằng bộc bạch: “Mình bất ngờ khi câu chuyện của mình nhận được sự quan tâm của nhiều người đến vậy. Mình thấy mình không có gì đặc biệt cả. Với mình thì bệnh tật cũng chỉ là một biến cố trong cuộc đời. Mọi chuyện dần dần sẽ có cách giải quyết, khó khăn rồi cũng qua hết.

"Mình không thể ủy mị trước mặt con gái"

Hằng kể, chị có cô gái năm nay 9 tuổi. Cả nhà không cho con biết về bệnh tình của mẹ nhưng nghe người lớn nói dần dần bé cũng đoán ra. “Trước mặt cả nhà con vẫn bình thường như không biết, nhưng đến lớp thì kể và khóc với bạn thân. Bạn đó về nói với mẹ. Lúc chị phụ huynh ấy gọi hỏi thăm thì mình mới vỡ lẽ là con cũng biết”, chị Hằng kể chuyện về con gái.Chị không bất ngờ vì chuyện đó bởi con gái chị vốn dĩ có nhiều suy nghĩ già dặn. “Cô giáo chủ nhiệm của con có lần còn rơi nước mắt vì sự trưởng thành trước tuổi của con”, chị cho biết.

Cô giáo Hằng tạo dáng cùng con gái.

Vốn thích màu hồng nên Hằng tự nhủ rằng: “Dù tôi chẳng được tặng cho cuộc sống màu hồng, vậy thì tôi sẽ tự tô hồng nó mỗi ngày. Từ khi biết bệnh, chưa bao giờ mình nghĩ là mình sắp hết thời gian. Mình không cảm thấy lo lắng gì cho bản thân mà chỉ thương người thân. Gia đình có bà ngoại, mẹ, anh trai đều đã nhiều tuổi. Mình là người trẻ nhất thì lại mắc bệnh. Cả nhà đều vất vả lo thuốc thang, ăn uống cho mình. Mình còn phải cố gắng từng giây, từng phút để được ở bên con gái nhiều hơn'.

Thích làm đẹp nên trừ khi nhập viện điều trị Hằng mới mặc quần áo bệnh nhân. Bình thường cô vẫn mặc đẹp và trang điểm nên nhiều người không tin được là Hằng đang mắc “án tử”.

“Có khi ra tiệm gội đầu, thấy tóc mình rụng nhiều quá, mấy cô, mấy chị hỏi sao tóc rụng như thế. Mình trả lời là do mắc ung thư thì bị mọi người mắng té tát, bảo nói vớ vẩn. Đi cùng mẹ vào viện thì ai cũng nhầm mẹ mình là bệnh nhân. Thậm chí khi ở bệnh viện, dù thấy mình mặc đồ bệnh nhân nhưng ai cũng nghĩ chắc mình mới mắc bệnh chứ không phải ở giai đoạn cuối”, Hằng kể.

Ước mơ của Hằng là sớm được trở lại bục giảng. “Giờ mình chỉ mong có thể trở về cuộc sống bình thường trước kia để ngày ngày có thể đến trường vì mình nhớ học sinh. Từ khi đi dạy đến giờ mình hiếm khi xin nghỉ. Từ nhà đến trường cả chục cây số, nếu gần thì mình đã đi dạy lại rồi. Mình định đầu tháng 9, khi năm học mới bắt đầu thì mình quay trở lại trường”, cô giáo trẻ chia sẻ về dự định của mình.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment