Sau hành trình đạp xe xuyên Việt gần 2 tháng , chiều ngày 7/2, chúng tôi đã có cơ hội gặp bạn Lê Hữu Toàn, sinh năm 1993, đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bất ngờ lớn nhất đối với chúng tôi là ngoại hình chàng thanh niên trẻ không hề cao lớn như suy nghĩ ban đầu của nhiều người. Thế nhưng, Lê Hữu Toàn đã làm được những điều lớn lao mà không phải ai cũng làm được, đó là hiến tạng và một mình đạp xe xuyên Việt.
“Thực ra, tôi biết về việc hiến tạng đã từ rất lâu rồi. Khi quyết định hiến tạng, tôi có điện thoại hỏi ý kiến gia đình, ba mẹ tôi đã đồng ý. Sau đó, tôi có nói về ý định đạp xe xuyên Việt, lúc đầu gia đình tôi tưởng tôi chỉ nói đùa, khi biết tôi quyết tâm đi, gia đình có phản đối nhưng tôi vẫn quyết định lên đường”, bạn Lê Hữu Toàn kể lại.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - PGĐ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia tặng hoa cho Lê Hữu Toàn.
Ban đầu Toàn cho rằng, hành trình xuyên Việt của mình phải mất khoảng 1 năm mới kết thúc và bản thân đã chuẩn bị 10 triệu đồng để làm “lộ phí”. “Hôm nay sau gần 2 tháng hành trình, tôi đã đến được Hà Nội, ngày mai tôi lại tiếp tục lên đường và cũng chưa biết bao giờ sẽ kết thúc hành trình, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều thứ. Chỉ biết rằng điểm đến tiếp theo của tôi là cực Tây (Điện Biên) và cực Bắc của tổ quốc là đỉnh Lũng Cú (Hà Giang)”, Toàn chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn trên hành trình đạp xe xuyên Việt của mình, Toàn cho biết, ngay từ những ngày đầu tiên trong hành trình đạp xe đã gặp không ít khó khăn.
“Là ngày đầu tiên tôi bắt đầu hành trình nên đạp xe rất sung, do vậy cuối ngày tôi mệt nhoài, nhất là khi đi qua những cây cầu rất cao ở Cà Mau, khi đó tôi đã thoáng qua ý định bỏ cuộc.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mình đã lên kế hoạch từ rất lâu nên tôi chấp nhận mọi khó khăn và tiếp tục hành trình. Hơn nữa, tôi cũng xác định được những rủi do khi đi trên đường và không ai biết trước được những gì sẽ xảy ra, chính vì thế tôi đã quyết định hiến tạng trước khi bắt đầu hành trình”, Toàn nói.
Sau khi đến Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia, Toàn tiếp tục hành trình xuyên Việt của mình.
Quay trở lại câu chuyện hiến tạng của mình, Toàn xúc động nói: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường rất khổ khi phải hằng ngày lọc thận. Những người đó họ chỉ sống được khi có tạng để ghép, từ những câu chuyện đó tôi nung nấu ý nguyện và cuối cùng tôi đã thực hiện được".
"Tôi nghĩ rằng việc hiến tạng sau khi chết hoặc chết não của mình nó cũng giống như việc viết trước một bản “di chúc” và đó chính là đóng góp nhỏ bé của mình cho cộng đồng, xã hội”, Toàn chia sẻ.
Trước trường hợp của Toàn, cũng đã trường hợp của anh Trần Nguyễn An Khương (sinh năm 1988) từng đạp xe xuyên Việt để vận động hiến tạng, sau hành trình dài hơn 2000km, Khương đã đến đăng ký hiến tạng trực tiếp tại Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia.
Trao đổi với chúng tôi về những trường hợp như trên, Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc –PGĐ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, đây đều là những trường hợp hiến tạng khi còn rất trẻ và đó chính là những tấm gương, là động lực để phong trào hiến tạng ngày càng phát triển ở nước ta.
No comments:
Post a Comment