Bệnh nhân bị hoại tử da do ăn tiết canh lợn.
Trao đổi với phóng viên ngày mồng 6 Tết (2/2 dương lịch), bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong dịp Tết vẫn có nhiều người nhập viện do ăn tiết canh lợn.
Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhân P. V. Q. Nam, 63 tuổi ở Nam Định, tiền sử nghiện rượu, hay ăn tiết canh đã nhiều năm.
Từ hôm 30 Tết gia đình có đụng lợn, ông Q. ăn tiết canh và đến ngày mồng 2 Tết xuất hiện sốt cao, tiêu chảy, trên da có xuất hiện các ban rải rác.
Ngay lập tức, bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn và điều trị tích cực.
Sau 1 đêm tình trạng ông Q. sốc nặng lên, các vết ban trên da thành ban xuất huyết hoại tử. Bệnh viện tỉnh phải chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc, suy đa phủ tạng.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Q. bị nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn và hồi sức tích cực theo phác đồ. Nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng nên gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về.
Trong Tết Nguyên đán còn có 2 bệnh nhân N.Đ.T. 37 tuổi ở Bắc Ninh, P.T.Đ 37 tuổi ở Ninh Bình cũng ăn tiết canh lợn, sau 3-5 ngày xuất hiện sốt cao, lơ mơ, đau đầu và vào BV Nhiệt đới Trung ương. Cả 2 bệnh nhân đều được chẩn đoán viêm màng não mủ do liên cầu lợn.
Hiện 2 bệnh nhân này đang được điều trị theo phác đồ, tiên lượng phải nằm viện ít nhất 3 tuần mới hồi phục được.
Bác sĩ Cấp cho biết, thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải heo “bẩn” mang mầm bệnh.
Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.
Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.
Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm. Trong khi đó, với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt lợn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở.
No comments:
Post a Comment