Muỗi Aedes Aegypti, thủ phạm chính làm lây lan virus Zika
Theo thông tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 nước láng giềng của Việt Nam đã ghi nhận có sự lây nhiễm virus Zika là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Còn trên thế giới, tính đến ngày 7.3.2016 đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây nhiễm virus Zika.
Trao đổi với phóng viên, TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, muỗi Aedes đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam và là thủ phạm chính gây ra hàng chục ngàn ca mắc sốt xuất huyết mỗi năm. Theo WHO, muỗi Aedes là thủ phạm chính lây truyền virus Zika.
Ông Chính cho hay, muỗi Aedes Aegypti thường hút máu vào ban ngày, thời điểm sáng sớm và chiều tối. Chúng sống gần người và thường xuyên đẻ ở những nơi nước sạch trong nhà và xung quanh nhà như những dụng cụ đựng nước ăn, bình hoa, nước thải của tủ lạnh, điều hòa, nước đọng trong máng hứng nước ở mái nhà, hốc cây…
Muỗi phân bố ở hầu khắp các vùng trên thế giới, đặc biệt, thích hợp với vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Muỗi Aedes thường phân bố chủ yếu ở khu vực đô thị hóa, đông dân cư, và ít sống ở các vùng núi, ít dân cư.
TS. Vũ Đức Chính khuyến cáo cần lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà.
Hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc tiêu diệt muỗi bởi loài này đã kháng với nhiều loại hóa chất. Tuy nhiên, muỗi không thể mang bệnh từ nước ngoài về Việt Nam. Do đó, nếu có lây nhiễm virus Zika ở Việt Nam thì chỉ có người bị bệnh từ nước ngoài trở về Việt Nam.
“Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nào mắc virus Zika, nhưng nguy cơ là vẫn có. Do đó, chúng ta vẫn phải đề phòng các trường hợp lây nhiễm virus Zika. Cần kiểm soát tốt từ cửa khẩu, sân bay quốc tế, hải cảng, những người giao lưu từ vùng có dịch về Việt Nam”, TS Chính nhấn mạnh.
Ông Chính khuyến cáo, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và tiêu diệt muỗi trong nhà và xung quanh nhà như sau: Lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, vỏ lon, lốp xe, vật dụng phế thải… thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn… vì chính các vật dụng này có khả năng chứa nước và là ổ chứa, nơi sinh sản của muỗi Aedes. Nếu khu dân cư có mật độ muỗi, bọ gậy cao cần phun URV để diệt muỗi trưởng thành. Việc thực hiện các hành động nêu trên không phải chỉ phòng bệnh cho cộng đồng mà cho chính bản thân và gia đình.
Theo WHO, có sự liên quan giữa nhiễm virus Zika và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Đến nay, đã có ít nhất 5.909 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ hoặc bất thường hệ thống thần kinh trung ương tại Brasil với 139 trường hợp tử vong. Do đó, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115. Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi. |
No comments:
Post a Comment