Ăn mặn gây ra hàng chục bệnh lý nguy hiểm
Ăn quá mặn
PGS Lê Bạch Mai – Viện Dinh Dưỡng quốc gia cho biết, người Việt Nam rất ăn mặn. Theo điều tra nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại tỉnh phú Thọ năm 2012 cho thấy tỷ lệ ăn mặn tăng gấp 3 lần so với khuyến cáo. PGS Mai cho biết vì thói quen ăn mặn đó mà sức khoẻ của người Việt không tốt.
Ăn mặn mang lại hàng chục thứ bệnh khác nhau. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đấu quê Hưng Hà, Thái Bình bị cao huyết áp, rối loạn mỡ máu là một ví dụ. Gần đây, ông Đấu thấy người mệt mỏi, đau nhức, đặc biệt là hay sốt về buổi chiều. Ông Đấu đi kiểm tra sức khoẻ bác sĩ cho biết ông bị viêm cầu thận.
Nói về ăn mặn, bác sĩ cho biết ông Đấu ăn quá mặn. Còn bản thân ông cũng thừa nhận đồ ăn nhạt ông không ăn được nên cái gì cũng ưa thêm muối. Cá kho thì rắc trắng muối bám vào cá. Thói quen ăn mặn của ông Đấu là nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp hàng chục năm nay nhưng ông không bỏ được nó.
Tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, hàng trăm bệnh nhân điều trị và khi hỏi đến thói quen ăn uống ai cũng nói thích ăn mặn hơn bình thường.
Ông Triệu Văn Thiệu đến từ Thái Nguyên cho biết, ngày xưa quê ông hiếm muối nên háo muối trở thành thói quen của cả gia đình. Dù đã được cảnh báo ăn nhạt nhưng mỗi lần đo lượng muối đều nhiều hơn cho phép. Cách đây 3 năm ông bị đột quỵ và từ đó đến nay liên tục phải điều trị tăng huyết áp, viêm tắc phổi mãn tính.
Ông Thiệu không hề biết rằng thói quen ăn mặn của mình lại ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông nhiều như thế. Thời gian nào, ông ở nhà con gái ở Hà Nội ăn nhạt hơn cảm thấy người khoẻ hơn nhưng về quê là ăn mặn hơn thấy huyết áp rập rình nhảy loạn lên. PGS Lê Bạch Mai cho biết, hiện tại mức sử dụng muối trung bình của người Việt Nam lên đến 18-22gr muối/người/ngày, cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo.
Căn bệnh tăng huyết áp tiềm ẩn
Theo bà Mai, ăn mặn gây ra các bệnh lý thiếu canxi nguy cơ tiềm ẩn của bệnh loãng xương, bệnh tim mạch và các bệnh về chuyển hoá khác.
Các nhà nghiên cứu đã khẳng định ăn mặn gây tăng huyết áp căn bệnh tiềm ẩn gây ra các bệnh đột quỵ, tai biến mạch máu não, rối loạn nhịp tim…
PGS Mai cho biết thành phần chính của muối ăn là natri. Natri trong chế độ ăn có từ 2 nguồn: nguồn có sẵn trong thực phẩm và nguồn cho thêm vào thức ăn trong quá trình chế biến. Khi ăn mặn nó làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.
Ngoài ra, việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin - angiotensin, dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion natri vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, mỗi người chỉ nên ăn mỗi ngày khoảng 5 gram muối. Đặc biệt đối với trẻ em, chúng ta nên tập cho trẻ thói quen ăn nhạt.
Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó Giám đốc bệnh viện K Hà Nội cho biết thói quen ăn mặn quá đôi khi có thể gây ra các bệnh lý ung thư đường tiêu hoá. Ví dụ như ăn nhiều dưa muối, cá muối, thịt muối.
Đối với những bệnh nhân đang điều trị bệnh mãn tính, tốt nhất chỉ ăn 2gr muối/ngày. Những người bệnh suy thận, suy tim phải thực hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh; ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn, tức không được sử dụng muối và mì chính trong chế biến cũng như tại bàn ăn, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.
No comments:
Post a Comment