Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần vệ sinh răng miệng cho con sạch sẽ hàng ngày để giảm tình trạng mắc nấm. Ảnh minh họa
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh không khó, nhưng nếu phụ huynh tự ý mua thuốc cho con uống có thể khiến bệnh nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề ăn uống của trẻ.
Đừng nhầm nấm miệng ở trẻ là cặn sữa
Gần 1 tháng nay, chị Trần Thị Thanh Huyền (ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) phải kiên trì chữa nấm miệng cho cậu con trai 8 tháng tuổi. Chị kể, do chủ quan không thường xuyên quan sát bên trong miệng của con nên không biết chính xác con bị nấm từ khi nào. Đến khi bé hay quấy khóc mỗi khi mẹ cho ăn, nôn trớ… lúc ấy chị mới tá hỏa phát hiện miệng con bị “phủ” một màu trắng đục.
“Lúc đầu tôi vẫn nghĩ đó là những cặn sữa bám lại trong miệng con. Tôi dùng khăn mỏng đưa vào miệng lau cho cháu thì cháu khóc thét lên như bị chạm vào vết thương cũ. Thấy vậy, tôi phải dùng đèn pin soi vào miệng con để nhìn cho kỹ, thì thấy cả bề mặt trên của phần lưỡi và hai bên má mọc rất nhiều mảng nấm màu trắng, một vài chỗ đã hơi ngả sang màu vàng nhạt”, chị Huyền kể lại.
Nghe một số người bạn mách, chị Huyền đã mua thuốc nấm về bôi quanh miệng cho con. Tuy nhiên, tình trạng nấm miệng của bé không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Bé quấy đêm nhiều hơn, ăn kém và phần họng cũng nổi nhiều mẩn đỏ hơn.
Đến khi ấy, vợ chồng chị mới cho con đi kiểm tra ở một phòng khám tư nhân gần nhà. Sau khi thăm khám cho bé, bác sỹ cho biết, con trai chị bị nấm miệng, hay còn gọi là nấm candida. Loại nấm này không khó điều trị nếu phụ huynh phát hiện kịp thời và dùng đúng thuốc. Lý giải việc con trai chị bị nặng hơn, bác sỹ cho hay, đó là do bố mẹ đã để nấm quá lâu và bôi thuốc sai cách. Vì vậy, bé đang có dấu hiệu bị viêm loét khoang miệng, gây đau rát dẫn đến tình trạng bỏ ăn và quấy khóc.
Điều trị đúng cách để tránh gây nguy hại
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi (ĐH Y Hà Nội), nấm miệng là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Hơn nữa, do trẻ ở lứa tuổi nhỏ nên rất khó chăm sóc sức khỏe răng miệng. Bên cạnh đó, việc cho trẻ dùng corticoid hít, hay xông trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt, hay dùng kháng sinh kéo dài, suy dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết: “Nấm miệng là bệnh gây ra do nấm nên chúng ta có thể điều trị tại chỗ cho trẻ bằng thuốc kháng nấm candida, đồng thời tăng cường vệ sinh răng miệng cho trẻ. Trong đó, nystatin là thuốc hay được dùng để điều trị nấm miệng tại chỗ. Bên cạnh đó, miconazole dạng gel cũng là thuốc hay được dùng để điều trị nấm miệng ở trẻ”.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm, đối với đa số trẻ em bị nấm miệng, chỉ cần dùng thuốc điều trị tại chỗ là có thể điều trị thành công. Chỉ một số hiếm trường hợp phải dùng thuốc uống tác dụng toàn thân như những trường hợp không đáp ứng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ và đối với những bé bị suy giảm hệ miễn dịch.
Bên cạnh đó, mặc dù một số trẻ bị nấm miệng được điều trị đúng thuốc, đủ thời gian nhưng sau đó hay bị tái phát, hay kéo dài là do bị tái nhiễm từ các dụng cụ sinh hoạt có nhiễm nấm can- dida chưa được làm sạch hoặc từ các vật dụng có nhiễm nấm như bàn chải, đồ chơi…
Cần thường xuyên đánh tưa miệng cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy tư vấn, khi phát hiện trẻ bị nấm miệng, việc phụ huynh cần làm là đánh tưa miệng cho trẻ. Việc làm này có thể kích thích gây buồn nôn và khiến trẻ khó chịu. Do vậy, thời điểm đánh tưa miệng tốt nhất là lúc trẻ đói, tránh đánh tưa sau khi trẻ ăn no vì có thể gây nôn trớ thức ăn ra ngoài.
Việc trẻ bị nấm miệng cũng là do vệ sinh răng miệng cho trẻ không đảm bảo, gây nhiễm khuẩn miệng. Vì thế, phụ huynh đánh tưa miệng cho con cũng cần vệ sinh tay thật sạch sẽ. Sau đó, lấy miếng gạc miệng quấn quanh ngón tay và nhúng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc miệng, nhằm tránh cọ xát mạnh làm đau miệng bé.
Dùng miếng gạc thấm thuốc chống nấm nystatin hay miconazole với lượng vừa đủ. Nếu nấm miệng xuất hiện ở nhiều nơi, nên đánh tưa theo thứ tự từ hai bên má, vùng khác trong vòm miệng, sau đó mới đánh tưa lưỡi để giảm thiểu nguy cơ nôn trớ của trẻ.
Bên cạnh đó, đối với trẻ còn bú mẹ mà nhiễm nấm miệng thì nguyên nhân có thể do núm vú mẹ mang nấm candida. Do vậy, ngoài việc đánh tưa miệng cho trẻ, nên kết hợp bôi cả thuốc chống nấm lên núm vú của mẹ để việc điều trị nấm miệng cho trẻ đạt hiệu quả hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo, mặc dù chẩn đoán và điều trị nấm miệng không khó, tuy nhiên vẫn còn những trường hợp bị bỏ sót có thể gây diễn tiến bệnh nặng hơn. Một số trường hợp không phải là nấm miệng nhưng phụ huynh vẫn tự ý dùng thuốc kháng nấm cho trẻ trong thời gian dài, điều này không những không cần thiết mà còn gây nguy cơ viêm loét khoang miệng cho trẻ.
Đặc điểm của nấm candida ✔ Có 40 - 60% dân số là người lành mang candida trên cơ thể. ✔ Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ... và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng candida albicans 70%. ✔ Trẻ thường nhiễm candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm candida âm đạo lúc mang thai. ✔ Miệng trẻ sơ sinh có pH thấp sẽ thuận lợi cho nấm phát triển. ✔ Nấm candida chiếm 0,5 - 20% số trẻ khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS. |
No comments:
Post a Comment